Khai mạc Hội nghị tìm giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu

Xuân Lan| 23/04/2018 14:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Hội nghị, cho rằng thị trường trong nước với gần 100 triệu dân cũng vô cùng quan trọng, nhưng theo Thủ tướng, để tăng trưởng, để phát triển bền vững thì cần nhìn vào thị trường toàn cầu.

Khai mạc Hội nghị tìm giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu

Hội nghị tìm giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu khai mạc sáng nay (23/4)

Sáng nay (23/4) tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tìm giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cùng điều hành Hội nghị. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước. 

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, những diễn biến trong xuất khẩu của năm 2017 đã cho thấy những dấu hiệu tích cực, bền vững hơn.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch thành công. Nhóm hàng công nghiệp chế biến năm 2017 chiếm tỉ trọng 81,3%, tăng mạnh so với mức 61% của năm 2011; tỉ trọng hàng nông, thủy sản giảm còn 12,1% (năm 2011 là 20,4%); nhóm nhiên liệu, khoáng sản chỉ còn chiếm tỉ trọng khoảng 2% (năm 2011 chiếm 11,6%).

Thị trường xuất khẩu được mở rộng, phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa, cơ cấu thị trường xuất khẩu về cơ bản tốt, đặc biệt đối với nhóm hàng công nghiệp. Năm 2017, thị trường Hoa Kỳ chiếm 20,6% xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp (35,8 tỷ USD), thị trường EU chiếm 17,6%; tổng cộng 3 thị trường khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) chiếm gần 30%.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đã tận dụng tương đối tốt cơ hội từ hội nhập. Xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA với ta đều ghi nhận tốc độ tăng cao trong năm 2017: ASEAN tăng 24,2%, đạt 21,68 tỷ USD; Trung Quốc tăng 61,5%, đạt 35,46 tỷ USD; Nhật Bản tăng 14,8%, đạt 16,8 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 30%, đạt 14,8 tỷ USD; Australia tăng 15,1%, đạt 3,3 tỷ USD; Chile tăng 24,1%, đạt 999 triệu USD.

Tỉ lệ nội địa hoá trong sản phẩm xuất khẩu dần được cải thiện. Với việc đầu tư cho các nhà máy sản xuất nguyên liệu, đến nay, tỉ lệ nội địa hóa của ngành dệt may đã được cải thiện rất rõ. Nếu như năm 2000 tỉ lệ nội địa hoá mới khoảng 15-17% thì đến năm 2017, tỉ lệ nội địa hóa của ngành dệt may đã đạt trên 50%. Không những phần nào chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, ngành dệt may còn xuất khẩu được nguyên phụ liệu (xơ sợi dệt các loại có kim ngạch xuất khẩu tăng 22,7%).

Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như tuy có mức tăng trưởng ấn tượng, nhưng con số thống kê cho thấy, tỉ trọng của nhóm hàng điện tử vẫn rất lớn (chiếm tới 33% tổng kim ngạch xuất khẩu). Nếu không tính 2 mặt hàng là điện thoại và máy vi tính, linh kiện điện tử, tăng trưởng xuất khẩu cả nước năm 2017 chỉ đạt 15,8%.

Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm trên 70% xuất khẩu. Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra cho chuỗi cung ứng (vì chiến tranh thương mại, vì dịch chuyển chuỗi cung ứng dưới tác động của các FTA trên thế giới...), xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động lớn...

Cần nhìn vào thị trường toàn cầu

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, không có nước nào trên thế giới có thể công nghiệp hóa, trở thành một nước thu nhập cao mà không thành công trong xuất khẩu. Những quốc gia thành công, doanh nghiệp thành công đều coi toàn thế giới là thị trường phải vươn ra, từ đó tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm được thị trường quốc tế.

“Chiếm lĩnh được thị trường cũng là con đường để nền kinh tế Việt Nam chúng ta cất cánh”, Thủ tướng nói. Cho rằng thị trường trong nước với gần 100 triệu dân cũng vô cùng quan trọng, Thủ tướng nhấn mạnh, nhưng quan trọng nhất để tăng trưởng, để phát triển bền vững thì cần nhìn vào thị trường toàn cầu.

Thủ tướng nêu rõ, một nước không cân bằng được xuất nhập khẩu hoặc nhập siêu cao cũng là cội nguồn của lạm phát cao mà lạm phát cao thì kinh tế bấp bênh, đời sống người dân khó khăn. Do đó, cân bằng thương mại là vấn đề quan trọng trong điều hành.

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, khó khăn trong thương mại toàn cầu năm nay và những năm tiếp theo luôn hiện hữu do căng thẳng ở nhiều quốc gia, khu vực, trong đó có nguy cơ của một cuộc chiến thương mại. Xu hướng bảo hộ gia tăng, nhất là những tháng đầu năm 2018, cần nắm bắt vấn đề này để đa dạng hóa trong xuất khẩu. Các nước nâng các tiêu chuẩn, đặc biệt đối với nông sản, thực phẩm, kể cả quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp, truy xuất nguồn gốc, dư lượng kháng sinh, bảo vệ thực vật ngày càng khắt khe hơn. “Sản xuất mà không quản lý tốt khâu đầu vào này để có nền nông nghiệp sạch thì khó xuất khẩu”, Thủ tướng lưu ý.

Mặt khác, tính cạnh tranh hàng xuất khẩu ngày càng gay gắt. Trong khi, một bộ phận người dân, doanh nghiệp sản xuất chưa gắn với thị trường. Chất lượng chưa đồng đều. Một số sản phẩm trước tốt, sau xấu, thậm chí có sản phẩm làm ảnh hưởng đến uy tín Việt Nam. Theo đó, hội nghị có cần “lên án mạnh mẽ những cơ sở sản xuất, người dân làm bừa, làm ẩu, vì lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến uy tín lâu dài của Việt Nam?” - Thủ tướng nêu vấn đề.

5 câu hỏi của Thủ tướng hội nghị cần làm rõ 

Thứ nhất, làm sao tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam. Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia mạnh mẽ và chuyển dịch lên chuỗi giá trị toàn cầu, chứ không chỉ có tôm đông lạnh, cá phi-lê… không chỉ có chế biến thô.

Thứ hai, có sáng kiến gì để chỉ ra và loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu, “có bao nhiêu rào cản mà ngành hàng của các đồng chí đang vấp phải”. Nếu “hôm nay, các đồng chí không phát biểu được hết hay nhiều khi ở hội nghị các đồng chí tế nhị thì viết thư gửi Bộ trưởng, gửi Thủ tướng để đưa sáng kiến tháo gỡ”, Thủ tướng bày tỏ.

Thứ ba, làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, những cơ hội và rủi ro, những định hướng thị trường đối với sản xuất, xuất khẩu. Các cơ quan ngoại thương, ngoại giao cần làm gì? Cục Xúc tiến thương mại hoạt động như thế nào cho hiệu quả? Vai trò của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đến đâu? Công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng trong thực hiện quy định như thế nào, yêu cầu chất lượng hàng hóa, quản lý truy xuất nguồn gốc ra sao? Cục Cạnh tranh quốc gia cần phải làm gì để chủ động hơn trong bối cảnh hiện nay?

Thứ tư, tiếp tục phát triển thị trường, tạo cầu cho hàng hóa thế nào, “những hiệp định, ưu đãi thuế có liên quan đến sản xuất trong nước thì các đồng chí có biết rõ không, cần có thông tin gì”.

Thứ năm, khâu nào là khâu yếu của Việt Nam trong xuất khẩu hiện nay, ngoại ngữ, hay pháp luật, hay chất lượng, hay cả ba. Các đại biểu cũng có thể đề xuất những chiến lược tổng quan của nước ta để đẩy mạnh xuất khẩu, làm sao để có hệ thống chứ không để rời rạc, “lúc bí chỗ này, lúc gỡ chỗ kia”. Bức tranh lớn về xuất khẩu cần được tiếp cận như thế nào?

Trên cơ sở các ý kiến phát biểu, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị về một số giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.

Năm 2017 là một năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương.

Năm 2017, Việt Nam có thêm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đưa số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD lên 29 mặt hàng; số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD là 20 và có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu, nhiều mặt hàng đạt mức kim ngạch và tăng trưởng ấn tượng như điện thoại các loại và linh kiện (45,27 tỷ USD, tăng 31,9%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (25,9 tỷ USD, tăng 36,8).

Nhóm hàng nông, thủy sản cũng có sự tăng trưởng tốt, đóng góp 8 mặt hàng vào nhóm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, nhiều mặt hàng có tăng trưởng cao như thủy sản đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18%; rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 42,5%, hạt điều đạt 3,52 tỷ USD, tăng 23,8%...

Công tác phát triển thị trường xuất khẩu đạt được những kết quả tích cực. Hàng hóa Việt Nam tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Cả năm 2017, có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 7 thị trường đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD.

Tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Hội nghị tìm giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu