Kế sách tạo chuyển biến và hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng

Trọng Bằng| 26/06/2018 10:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 25/6, các đại biểu đã đưa ra ý kiến đóng góp nhằm tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả cao hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Kế sách tạo chuyển biến và hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 25/6

Xác định cụ thể trách nhiệm người đứng đầu

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu cho rằng bài học thành công trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua là phải biến quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng chống tham nhũng; gắn đấu tranh phòng chống tham nhũng với đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Từ thực tế thực hiện công tác phòng chống tham nhũng tại thành phố Hồ Chí Minh, Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng: Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng là vô cùng quan trọng.

Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, đồng thời yêu cầu người đứng đầu cấp ủy tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể phải gương mẫu thực hiện xác định trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, chủ động tự phát hiện vụ việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương do mình phụ trách, xác định kết quả công tác phòng chống tham nhũng là tiêu chí, thước đo, phẩm chất và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

Ông Nguyễn Thành Phong đề nghị: “Cần có hướng dẫn cụ thể việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cấp trên đối với sai phạm của người đứng đầu cơ quan cấp dưới. Hoặc trong trường hợp sai phạm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan đơn vị theo quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng nhằm xác định cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng chống tham nhũng tại đơn vị mình phụ trách”.

Các đại biểu đề nghị thời gian tới cần tiếp tục triển khai Nghị quyết của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, coi công tác phòng chống tham nhũng là công việc thường xuyên, liên tục, cần có quyết tâm chính trị cao. Rà soát sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế xã hội, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Hoàn thiện dự án Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi.

Tăng cường kiểm soát quyền lực, thực hành liêm chính trong cơ quan chống tham nhũng. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính.

Hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ

Cho rằng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát quyền lực chặt chẽ; nghiên cứu bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm, kể cả người nghỉ hưu.

Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về tặng quà, nhận quà, nộp lại quà tặng, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác, minh bạch tài sản thu nhập…

Giải pháp được Tổng Thanh tra nêu là hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ; nghiên cứu, bổ sung quy định về xử lý nghiêm đối với cán bộ công chức, viên chức có vi phạm kể cả người đã thôi việc, nghỉ hưu; thực hiện đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu đảm bảo công khai, minh bạch.

“Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, loại khỏi bộ máy những cán bộ công chức, viên chức thoái hóa, biến chất; thực hiện nghiêm phòng chống tội phạm trong các cơ quan phòng, chống tội phạm; kiên quyết không có vùng cấm trong xử lý các hành vi tham nhũng,” Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Đi cùng với đó là giải pháp tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật phòng, chống tham nhũng; khắc phục tình trạng tuyên truyền hình thức, kém hiệu quả; tuyên truyền bằng hành động, thực tiễn, nêu cao tính gương mẫu trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, đảng viên.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng trong việc thu hồi tài sản cần chủ động phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm toán để sớm tiếp nhận vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự nhằm kịp thời có biện pháp phong tỏa, kê biên tài sản, bảo đảm việc thu hồi không để các đối tượng hợp thức hóa, tẩu tán tài sản.

Thứ trưởng đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước tăng cường kiểm toán chuyên đề, đột xuất đối với những dự án có liên quan đến đất đai, đầu tư công, mua sắm công có giá trị lớn, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án thua lỗ lớn…

Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra Bộ Công an để hạn chế thất thoát tài sản nhà nước, ngăn chặn đối tượng bỏ trốn, tiêu hủy tài liệu chứng cứ tẩu tán tài sản và điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng; tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý tham nhũng của các cơ quan, đơn vị chức năng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng trong phòng, chống tham nhũng, nhằm ngăn ngừa tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng.

Luật cần đủ mạnh, giải quyết được những vấn đề thực tiễn

Tại hội nghị các đại biểu cũng đề nghị thời gian tới cần tiếp tục triển khai Nghị quyết của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, coi đây là công việc thường xuyên, liên tục, cần có quyết tâm chính trị cao; rà soát sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế- xã hội, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng; hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Ngô Sách Thực, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần giải quyết thấu đáo những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra với cơ chế rõ rệt, đủ mạnh, để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua.

"Làm sao để nhân dân thấy được kết quả đột phá từ công tác này. Và cơ chế nào để bảo vệ người tố cáo tham nhũng? Cơ chế vinh danh, khen thưởng? đều là những nội dung hết sức thiết thực, cần được kịp thời hoàn thiện. Để người dân không "đơn độc" và hệ thống chính trị không "độc thoại" trong công tác này"- Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh và nêu rõ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ý thức được vai trò, trách nhiệm "cầu nối" của mình cần được phát huy tốt hơn; sớm xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Ông Ngô Sách Thực cho biết Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng tình và sẵn sàng thực hiện tốt trách nhiệm của mình, một trong những yếu tố phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì phải có cơ chế thỏa đáng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có điều kiện và thực lực để thực hiện giám sát, phản biện xã hội về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Nhân dân phải có điều kiện được tham gia rộng rãi và phát huy vai trò giám sát, phản biện thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua các tổ chức thành viên. "Vấn đề đặt ra ở đây là câu chuyện về công khai, minh bạch, đặc biệt là trong những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí và cơ chế hậu giám sát, phản biện xã hội cần được quan tâm hơn", ông Ngô Sách Thực kiến nghị.

Báo cáo tình hình kết quả công tác phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và 58.120 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 2.720 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước vi phạm (cả đương chức, chuyển công tác và đã nghỉ hưu (từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 9 cán bộ là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, khai trừ đảng 1 Ủy viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị).

Đồng thời, các cơ quan nhà nước đã kỷ luật tương xứng với kỷ luật của đảng đối với cán bộ, công chức sai phạm, đảm bảo kịp thời, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng và kỷ luật theo pháp luật của Nhà nước. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước.

Từ năm 2014 đến nay, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi trên 260.000 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự hơn 340 vụ, 436 đối tượng; trong đó từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã kiến nghị thu hồi trên 165.000 tỷ đồng và 12.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 194 vụ, 335 đối tượng liên quan đến tham nhũng, kinh tế.

Ban Chỉ đạo đã thành lập 31 Đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 63 địa phương và 4 Đảng ủy, Ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương. Qua kiểm tra, giám sát, kiến nghị chỉ đạo xử lý 452 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.

Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án/440 bị cáo, với 11 án tử hình cho 10 bị cáo; 20 án chung thân cho 19 bị cáo; 7 bị cáo bị phạt tù với mức án 30 năm; 393 bị cáo bị phạt tù từ 12 tháng đến dưới 30 năm; cải tạo không giam giữ 7 bị cáo; cảnh cáo 2 bị cáo.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kế sách tạo chuyển biến và hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng