Hoàn thiện pháp luật, khắc phục sơ hở trong quản lý để phòng, chống tham nhũng

Xuân Lan| 13/07/2016 09:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nội dung trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 12/7.

Hoàn thiện pháp luật, khắc phục sơ hở trong quản lý để phòng, chống tham nhũng

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng

Khởi tố 2.530 vụ án

Theo báo cáo của Tổng Thanh tra CP Phan Văn Sáu, trong 10 năm, ngành thanh tra đã phát hiện 670 vụ với 1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền, tài sản liên quan là 1.022 tỷ đồng, 73,6 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ, 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý với số lượng lớn, đã khởi tố 2.530 vụ án tham nhũng với 5.447 bị can; truy tố 2.959 vụ, 6.935 bị can; xét xử 2.628 vụ, 5.870 bị cáo.

Trong số 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng gây ra, số đã thu hồi là 4.676,6 tỷ đồng và trên 219 ha đất, tỉ lệ tuy hàng năm đều tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt.

Để phòng ngừa tham nhũng, tỉ lệ kê khai tài sản, thu nhập đến nay đã đạt 99,5%, công khai đạt 98,3%. Qua 10 năm đã xác minh được 4.859 trường hợp, phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực, xử lý kỷ luật 70 người.

Đến nay có 879 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỷ đồng; có 10 trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý.

Cả nước có 918 người đứng đầu và cấp phó đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 118 trường hợp; xử lý kỷ luật 800 trường hợp. Tuy vậy, số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý. Một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.

Nguyên nhân là còn có sự bao che, thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trong xử lý. Mặt khác, biện pháp phòng ngừa này trong nhiều trường hợp lại đặt người đứng đầu vào tình huống xung đột lợi ích. Nếu tích cực kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ, thì có thể phải đối mặt với việc bị xử lý trách nhiệm hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thành tích của bản thân và đơn vị.

Nhiều quy định thiếu tính khả thi

Qua 10 năm, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã hình thành và ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, yếu kém. Một số quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng mang tính hình thức, thiếu tính khả thi.

Hội nghị nhất trí việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng là rất quan trọng trong tình hình hiện nay. Nhiệm vụ chính của Luật Phòng, chống tham nhũng là tạo cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, góp phần xây dựng cơ chế quản lý Nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch, “không thể tham nhũng”; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý tham nhũng. Trên cơ sở đó, Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đưa ra các chế tài về chính trị, hành chính, kinh tế, cùng với các chế tài về hình sự đã có tạo khung pháp lý tổng thể ngăn chặn, răn đe và trừng phạt tham nhũng.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng cần tập trung vào những nội dung trọng tâm như: Hoàn thiện các quy định về công khai, minh bạch theo hướng làm rõ loại thông tin phải chủ động công bố, công khai; phương thức, phạm vi, thời gian công bố, công khai; mở rộng nội dung thông tin cung cấp theo yêu cầu, theo hướng tăng cường tính tự giác và chế tài nghiêm khắc. Hoàn thiện các trụ cột căn bản để xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ, sửa đổi quy định về tặng quà, nhận quà, chuyển đổi vị trí công tác theo hướng tăng cường tính tự giác và chế tài nghiêm khắc.

Việc hoàn thiện và quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng cần theo hướng nếu người đứng đầu làm tốt công tác phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thì được biểu dương, khen thưởng. Nếu để xảy ra tham nhũng nhưng phát hiện không kịp thời, để xảy ra hậu quả hoặc không tự phát hiện mà do các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý sẽ phải chịu trách nhiệm và tùy theo mức độ hậu quả để xử lý theo quy định.

Nhanh chóng khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế, xã hội

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, trong 10 năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ đã tạo được chuyển biến cả trong nhận thức và hành động, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nổi bật như: Việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai khá đồng bộ; trong thời gian ngắn, hầu hết các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai trên diện rộng tới từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; nhiều nội dung phòng ngừa tham nhũng liên quan đến quy định của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, nhất là việc quản lý, xử lý người đứng đầu, công khai, minh bạch, cải cách thủ tục hành chính, kê khai tài sản, thu nhập…; các cơ quan quản lý nhà nước đã điều phối có hiệu quả, tạo được sự phối hợp, thống nhất trong tổ chức thực hiện, từng bước đưa các hoạt động phòng ngừa tham nhũng vào nền nếp và được tổ chức thực hiện ngày càng tốt hơn trong cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ rõ tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, ngành, lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi. Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều hạn chế.

Về phương hướng, giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá và đẩy nhanh việc xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế xã hội, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như: Quản lý tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quản lý thị trường tài chính, ngân hàng; cấp phép đầu tư; đầu tư xây dựng cơ bản; giáo dục, y tế... Các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương rà soát, nghiên cứu xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng và các văn bản liên quan theo hướng đồng bộ, có chế tài nghiêm khắc để thực sự là công cụ hữu hiệu trong việc thực hiện phòng, chống tham nhũng; tạo ra khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần tích cực vào việc phòng, chống tham nhũng.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban soạn thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) nghiên cứu đầy đủ các nội dung hạn chế, vướng mắc về thể chế, chính sách đã được rút ra qua tổng kết và những phương án đề xuất, kiến nghị nêu trong báo cáo tổng kết để chọn lọc, tiếp thu và đưa vào Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện pháp luật, khắc phục sơ hở trong quản lý để phòng, chống tham nhũng