Giảm số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã

Trọng Bằng| 25/04/2019 16:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP Chính phủ mới ban hành đã sửa đổi, bố sung quy định số lượng cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo hướng giảm so với Nghị định cũ.

Giảm số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã

Ảnh minh hoạ

Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/1//2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã. Cụ thể, số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn: Cấp xã loại 1 tối đa 23 người (giảm 2 người so với quy định cũ); cấp xã loại 2 tối đa 21 người (giảm 2 người so với quy định cũ); cấp xã loại 3 đối đa 19 người (giảm 2 người so với quy định cũ).

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định bố trí số lượng cán bộ, công chức cấp xã bằng hoặc thấp hơn quy định nêu trên, bảo đảm đúng với chức danh và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đối với xã, thị trấn bố trí Trưởng công an xã là công an chính quy thì số lượng cán bộ, công chức quy định nêu trên giảm 1 người.

Số lượng cán bộ, công chức cấp xã nêu trên bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã. Riêng trường hợp luân chuyển về đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND cấp xã thì thực hiện theo Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/1/2016 của Chính phủ về số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND.

Nghị định cũng sửa đổi, bố sung quy định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Cụ thể, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn: Loại 1 tối đa 14 người (giảm 8 người so với quy định cũ); loại 2 tối đa 12 người (giảm 8 người so với quy định cũ); loại 3 tối đa 10 người (giảm 9 người so với quy định cũ).

Người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội và chế độ bảo hiểm y tế. Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp, bao gồm cả hỗ trợ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn như sau: Loại 1 được khoán quỹ phụ cấp bằng 16 lần mức lương cơ sở; loại 2 được khoán quỹ phụ cấp bằng 13,7 lần mức lương cơ sở; loại 3 được khoán quỹ phụ cấp bằng 11,4 lần mức lương cơ sở.

Căn cứ vào quỹ phụ cấp và căn cứ vào đặc thù của từng cấp xã, yêu cầu quản lý, tỷ lệ chi thường xuyên của cấp xã, nguồn kinh phí chi cho cải cách chính sách tiền lương của địa phương. UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể những nội dung sau: Quy định chức danh và bố trí số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã bằng hoặc thấp hơn quy định; quy định cụ thể về mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; quy định cụ thể mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Chế độ với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố

Nghị định bổ sung quy định người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Cụ thể, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố không quá 3 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với chức danh: Bí thư chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận. Người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố ngoài 3 chức danh nêu trên không hưởng phụ cấp hàng tháng mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể từ các nguồn quỹ khác (nếu có).

Về chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3 lần mức lương cơ sở chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố. Riêng đối với thôn có từ 350 hộ mức lương cơ sở.

Căn cứ vào quỹ phụ cấp và căn cứ vào đặc thù của từng cấp xã, yêu cầu quản lý, tỷ lệ chi thường xuyên của cấp xã và nguồn thu ngân sách của địa phương, UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách và mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố.

Quy định mới về thi tuyển công chức cấp xã

Tại Nghị định 34/2019/NĐ-CP, Chính phủ cũng đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 112/2011/NĐ-CP ngày 5/12/2011 của Chính phủ về thi công chức cấp xã, phường, thị trấn.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 11 các môn thi và hình thức thi, Điều 12 cách tính điểm thành Điều 11 nội dung, hình thức và thời gian thi tuyển. Cụ thể, thi tuyển công chức cấp xã được thực hiện theo 2 vòng thi: Thi trắc nghiệm và thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.

Vòng 1 thi trắc nghiệm được thực hiện bằng hình thức thi trên máy vi tính. Trường hợp UBND cấp huyện không có điều kiện tổ chức thi trên máy vi tính thì thi trắc nghiệm trên giấy.

Nội dung thi trắc nghiệm gồm 2 phần:

1- Kiến thức chung 60 câu hỏi về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý hành chính nhà nước; chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thời gian thi 60 phút.

2- Tin học 30 câu hỏi về kiến thức cơ bản, kỹ năng ứng dụng tin học văn phòng vào nhiệm vụ chuyên môn. Thời gian thi 30 phút. Trường hợp tổ chức thi trên máy vi tính thì nội dung thi trắc nghiệm không có phần thi tin học.

Miễn phần thi tin học (vòng 1) đối với các trường hợp có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin, tin học hoặc toán - tin trở lên.
Kết quả thi vòng 1 được xác định theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyển được thi tiếp vòng 2.

Trường hợp UBND cấp huyện tổ chức thi vòng 1 trên máy vi tính thì phải thông báo kết quả cho người dự tuyển biết ngay sau khi làm bài trên máy vi tính; không thực hiện việc phúc khảo đối với kết quả thi vòng 1 trên máy vi tính.

Trường hợp UBND cấp huyện tổ chức thi vòng 1 trên giấy thì việc chấm thi thực hiện như sau: Chậm nhất là 15 ngày sau ngày kết thúc thi vòng 1 phải hoàn thành việc chấm thi vòng 1; chậm nhất là 5 ngày làm việc sau ngày kết thúc việc chấm thi vòng 1 phải công bố kết quả điểm thi để người dự tuyển biết và thông báo việc nhận đơn phúc khảo trong thời hạn 15 ngày sau ngày thông báo kết quả điểm thi trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện.

Trường hợp có đơn phúc khảo thì chậm nhất 15 ngày sau ngày hết thời hạn nhận đơn phúc khảo phải hoàn thành việc chấm phúc khảo và công bố kết quả chấm phúc khảo để người dự tuyển được biết.

Căn cứ vào điều kiện thực tiễn trong quá trình tổ chức chấm thi, Chủ tịch UBND cấp huyện được quyết định kéo dài thời hạn thực hiện các công việc nêu trên nhưng không quá 15 ngày.

Chậm nhất là 5 ngày làm việc sau ngày kết thúc việc chấm thi vòng 1, Chủ tịch UBND cấp huyện phải thông báo triệu tập người dự tuyển đủ điều kiện dự thi vòng 2; chậm nhất là 15 ngày sau ngày thông báo triệu tập người dự tuyển được tham dự vòng 2 thì phải tổ chức thi vòng 2.

Vòng 2 thi môn nghiệp vụ chuyên ngành với nội dung thi: Kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của chức danh công chức cần tuyển dụng. Trong cùng một kỳ thi tuyển, nếu có các vị trí chức danh công chức yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau thì UBND cấp huyện tổ chức xây dựng các đề thi môn nghiệp vụ chuyên ngành khác nhau, bảo đảm phù hợp với chức danh công chức cần tuyển dụng.

Hình thức thi môn nghiệp vụ chuyên ngành là thi phỏng vấn hoặc thi viết. Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định hình thức thi phỏng vấn hoặc thi viết. Trường hợp vòng 2 được tổ chức bằng hình thức phỏng vấn thì không thực hiện việc phúc khảo. Thời gian thi phỏng vấn 30 phút, thi viết 180 phút. Thang điểm thi phỏng vấn hoặc thi viết là 100 điểm.

Xác định người trúng tuyển

Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức cấp xã phải có đủ các điều kiện: Có kết quả điểm thi tại vòng 2 đạt từ 50 điểm trở lên; có số điểm vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu được tuyển dụng của từng chức danh công chức.

Trường hợp có từ 2 người trở lên có kết quả điểm thi vòng 2 cộng với điểm ưu tiên (nếu có) bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì người có kết quả điểm thi vòng 2 cao hơn là người trúng tuyển; nếu vẫn không xác định được thì Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định người trúng tuyển và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Người không trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức cấp xã không được bảo lưu kết quả thi tuyển cho các kỳ thi tuyển lần sau.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/6/2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã