Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi): Có nên cho phép phạm nhân ra ngoài lao động?

Mai Thoa| 22/05/2019 19:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Quy định phạm nhân được ra ngoài lao động, được hiến xác cho y học hay được tham gia BHXH tự nguyện… là những vấn đề quan trọng được các ĐBQH quan tâm.

Quyền hiến xác phải có lộ trình phù hợp

Dự án luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6.

Về phạm vi điều chỉnh, qua thảo luận có ý kiến đề nghị thu gọn phạm vi điều chỉnh, không liệt kê các hình phạt chính và hình phạt bổ sung; bổ sung các nội dung về “hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án phạt tù; giảm thời hạn chấp hành án phạt tù” vào dự thảo Luật.

UBTVQH nhận thấy, trên cơ sở kế thừa quy định của Luật hiện hành và để phân biệt rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành án hình sự (Luật THAHS) với Luật hiện hành thì dự thảo Luật cần quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh là thi hành các hình phạt và biện pháp tư pháp đối với cá nhân và pháp nhân thương mại. Đối với các nội dung về: Hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án phạt tù… cần quy định trong các phần tương ứng của dự thảo Luật để bảo đảm tính khái quát của phạm vi điều chỉnh.

Về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân, có ý kiến đề nghị bổ sung một số quyền của phạm nhân vào dự thảo Luật, như: quyền kết hôn, quyền hiến xác, quyền hiến mô và bộ phận cơ thể người.

UBTVQH cho rằng, phạm nhân là người bị kết án phạt tù, bị cách ly khỏi xã hội trong một thời gian nhất định theo bản án, có nghĩa vụ lao động, học tập, cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì vậy, họ không thể được hưởng tất cả các quyền công dân giống như những công dân khác đang ở ngoài xã hội. Việc xác định các quyền cụ thể của phạm nhân vừa phải bảo đảm tính nhân đạo nhưng cũng vừa phải bảo đảm tính nghiêm khắc của hình phạt tù và đảm bảo tính khả thi. Do đó, ngoài những quyền cơ bản đã được quy định và bảo đảm thực hiện như: quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở, thăm gặp, quyền lao động, học tập, học nghề... việc bổ sung các quyền khác đối với phạm nhân (như quyền kết hôn, quyền hiến xác, quyền hiến mô và bộ phận cơ thể người…) phải có bước đi phù hợp.

Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi): Có nên cho phép phạm nhân ra ngoài lao động?

ĐB Nguyễn Mai Bộ giơ biển tranh luận về dự thảo Luật THAHS (sửa đổi)

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm h khoản 1 Điều 27 theo hướng chỉ cho phép phạm nhân được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, “trừ các trường hợp phạm nhân chưa chấp hành xong các hình phạt bổ sung là phạt tiền, trách nhiệm dân sự, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và nộp án phí”. UBTVQH nhận thấy, đây là chính sách thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước ta và cũng là giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người bị kết án tù, nhất là đối với những phạm nhân đã có thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Còn về chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hiện đang được thực hiện theo quy định của văn bản dưới luật, trường hợp không cho phép một số đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ này thì Chính phủ xem xét, sửa đổi phù hợp. Vì vậy, đề nghị cho giữ quy định về cho phép phạm nhân được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong thời gian chấp hành án như dự thảo Luật.

Về vấn đề lao động của phạm nhân

Về tổ chức cho phạm nhân lao động, Điều 33 dự thảo Luật quy định:Trại giam có thể phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động nhưng phải bảo đảm chế độ giam giữ, các chế độ, chính sách đối với phạm nhân theo quy định.

Báo cáo giải trình tiếp thu vấn đề này, UBTVQH cho rằng, chính sách nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay là: “Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội…” . Do đó, đối với người bị phạt tù thì lao động, học tập (bao gồm cả học nghề) là nghĩa vụ và là một trong những yêu cầu quan trọng của công tác giáo dục người chấp hành án phạt tù.

 Việc giam giữ tập trung phạm nhân với số lượng lớn trong một thời gian dài, nếu không tổ chức cho họ lao động thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam. Vì vậy, công tác tổ chức lao động cho phạm nhân vừa nhằm giáo dục cải tạo, dạy nghề, cải thiện chế độ ăn, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời cũng là biện pháp quản lý hiệu quả. 

UBTVQH cũng đã đề nghị Bộ Công an có báo cáo đầy đủ về vấn đề này. Tổng kết thí điểm cho thấy, trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ có 01 phạm nhân bỏ trốn.

Thảo luận tại hội trường, một số ĐB đồng thuận  phương án này và cho rằng đây là chính sách nhân đạo với phạm nhân, được làm việc để cải tạo, được học nghề và biết làm nghề để khi trở lại cuộc sống thường ngày có thể có tay nghề lao động kiếm sống. Lao động là quyền của phạm nhân, nên đề nghị Quốc hội thông qua điều khoản này.

Tuy nhiên, nhiều ĐB không đồng tình và cho rằng, việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ phạm nhân bỏ trốn.

Các ĐB cũng rất băn khoăn và cho rằng thiêt chế này giống như “công trường lao động” chứ không phải thiết chế trại giam. Khi xây dựng pháp luật chúng ta căn cứ vào những văn bản luật cao hơn. BLHS quy định hình phạt là biện pháp nghiêm khắc nhất đối với người phạm tội do Tòa án quyết định. Vì vậy, trên cơ sở những vấn đề này, dự thảo Luật quy định đưa phạm nhân ra ngoài lao động, căn cứ vào quy định nào, cần làm rõ.

ĐB Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị làm rõ tính pháp lý của quy định này, vì có một số điểm vượt quy định của BLHS. Đó là hình thức phạt tù có thời hạn buộc phạm nhân phải chấp hành hình phạt giam giữ, vậy nếu để phạm nhân ra ngoài lao động sẽ vượt qua khỏi quy định này.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, đối với phạm nhân không chỉ cách ly mà còn phải hạn chế một số quyền nên không thể cho ra ngoài lao động. Phạm nhân phải lao động, cải tạo là đúng, nhưng đưa ra ngoài lao động thì phải xem xét. Hơn nữa đưa phạm nhân ra ngoài lao động rất phức tạp.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về vấn đề này để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi): Có nên cho phép phạm nhân ra ngoài lao động?