Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Khắc phục những bất cập để quản lý, phát triển báo chí

Toàn Thoa| 26/11/2015 22:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thảo luận về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) sáng 26/11,có ĐB đề nghị Tờ trình làm rõ điểm mới mang tính đột phá để phát triển, quản lý báo chí, bởi báo chí không chỉ là phương tiện truyền thông, thông tin mà còn là công cụ tuyên truyền của Đảng, Nhà nước.

Hội nhà báo chưa có danh hiệu như các Hội khác

Góp ý cho dự thảo, ĐB Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, trước hết cần thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn để cung cấp thông tin đầy đủ. Bởi, làm được như vậy sẽ giúp báo chí cung cấp thông tin kịp thời tình hình đất nước cho công chúng, không để lại khoảng trống thông tin, dẫn đến những suy diễn, đồn đoán đến từ nguồn thông tin không chính thống. Trong thời gian qua, dù đã có quy chế phát ngôn nhưng báo chí vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin từ các cơ quan, tổ chức. Một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện nghiêm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí, né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí. “Đề nghị luật hoá quy chế phát ngôn, bổ sung thêm vào luật: Các cơ quan tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí”, đại biểu đề nghị.

ĐB cũng đề nghị cần cơ chế đảm bảo quyền tác nghiệp của các nhà báo vì thời gian qua có nhiều trường hợp cản trở tác nghiệp báo chí, thu giữ phương tiện tác nghiệp của các phóng viên, thậm chí có nhà báo bị hành hung. Trong Dự thảo luật mới chỉ quy định các cơ quan báo chí nếu sai phạm thì sẽ bị hình thức xử lý theo luật định chứ chưa thấy đề cập tổ chức, cá nhân khi cản trở nhà báo hoạt động hợp pháp sẽ thế nào. Do đó cần bổ sung vào Luật vấn đề này.

ĐB Thuận Hữu (Bà Rịa - Vũng Tàu) khẳng định, với 30 điều mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung, Luật đã khắc phục được những bất cập. Tuy nhiên, ông trăn trở, Điều 9 quy định về Hội Nhà báo Việt Nam, Hội được giao khá nhiều nhiệm vụ, nhưng quyền để hoàn thành nhiệm vụ thì không có. Việc bảo vệ quyền và lợi ích của nhà báo, hội viên bằng cách nào, hay đơn vị này chỉ gửi văn bản và chờ cơ quan chức năng trả lời. Tuy nhiên, họ không trả lời thì… cũng thua. Vì thế, luật cần có quy định cụ thể vấn đề này. Tiếp nữa, rất nhiều nhà báo lâu nay cũng có ý kiến đến Hội Nhà báo cho rằng, các hội nghề nghiệp khác có danh hiệu nghề nghiệp, thầy thuốc có, nhà giáo có, nghệ sỹ có, nhưng… Hội Nhà báo thì không có.

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Khắc phục những bất cập để quản lý, phát triển báo chí

ĐB Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP. Hải Phòng 

Đóng góp cho dự luật, ĐB Trần  Hồng Thắm (TP. Cần Thơ) đưa ra ý kiến, cần quy định cụ thể các tổ chức được thành lập cơ quan báo chí, chỉnh lý quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận theo hướng cụ thể hơn. ĐB Thắm cho rằng, quyền và nhiệm vụ của Tổng Biên tập cơ quan báo chí cần rõ ràng hơn. Bởi lẽ, thời gian gần đây xu hướng “thương mại hóa” tăng nhanh, nếu không có chế tài hữu hiệu, dẫn đến những lo ngại của người dân. Nhiều báo, bài viết miêu tả chi tiết những hành động man rợ, trái đạo đức, cổ súy những lối sống không phù hợp, gây bức xúc trong dư luận, nên cần nâng cao nhận thức về quản lý báo chí là quan trọng.

Còn ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) phát biểu, quy định phỏng vấn trên báo chí chưa được đề cập trong dự luật. Từ năm 2002, Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành quy chế phỏng vấn báo chí gồm 7 điều tạo hành lang pháp lý để người phỏng vấn và trả lời phỏng vấn thực hiện quyền và nghĩa vụ theo luật. Quy chế này đến nay thực hiện 13 năm chưa được sửa đổi, bổ sung vào bất kỳ văn bản pháp luật nào. Năm 2013, Chính phủ ban hành quy chế phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí nhưng khác với quy chế phỏng vấn.

Trong 59 điều của dự luật chỉ có Điều 38 quy định trả lời trên báo chí nhưng không quy định quyền và trách nhiệm của cá nhân phỏng vấn và trả lời phỏng vấn trên báo chí. Bức tranh báo chí phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, việc phỏng vấn và trả lời phỏng vấn có nhiều bài rất chất lượng. Tuy nhiên, việc quy định trách nhiệm của người phỏng vấn và trả lời phỏng vấn chậm sửa đổi là một trong những nguyên nhân gây ra bất cập vừa qua. Đơn cử như: Người được phỏng vấn không thống nhất với nội dung bài phỏng vấn, tiêu đề bài phỏng vấn không phù hợp với bài trả lời phỏng vấn dẫn đến bất đồng giữa người phỏng vấn và trả lời phỏng vấn, nhiều người e ngại trả lời phỏng vấn, ĐB Hải chia sẻ.

Phóng viên chưa có thẻ nhà báo, quản lý thế nào?

Liên quan đến chủ thể người làm báo, Điều 32 Dự thảo Luật quy định nhà báo là người được cấp thẻ sau 3 năm công tác tại cơ quan báo chí. Đối tượng được xét cấp thẻ là các phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí. Như vậy, trước khi trở thành nhà báo, một người phải có ít nhất 3 năm làm phóng viên. Tuy nhiên, theo ĐB, dự thảo luật dường như lại bỏ quên lực lượng phóng viên này. Do Luật Báo chí hiện hành cũng không đề cập đến chủ thể phóng viên nên thời gian qua nhiều phóng viên bị từ chối cung cấp thông tin, cản trở trong quá trình tác nghiệp vì chưa có thẻ nhà báo.

Để khắc phục, nhiều cơ quan báo chí phải cấp giấy giới thiệu tạm thời cho phóng viên đi làm việc, trong khi đó một số cơ quan báo chí tự ý cấp thẻ phóng viên không đúng quy định dẫn đến khó khăn trong quản lý báo chí. “Chủ thể phóng viên cần luật hoá để đảm bảo việc quản lý, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích của phóng viên trong quá trình tác nghiệp”, ĐB Đoàn Nguyễn Thuỳ Trang đề nghị.

ĐB Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP. Hải Phòng cũng nêu rõ, dự thảo có hẳn 5 điều để quy định về nhà báo. Trong khi đó ở nhiều điều khoản, cụm từ phóng viên, thẻ phóng viên, thẻ nhà báo dẫn đến sự không thống nhất trong toàn bộ dự thảo luật và có những cách hiểu khác nhau.

Về phát triển các loại hình báo chí, theo ĐB Trần Ngọc Vinh, cần nhìn nhận cách khách quan xu hướng thị trường báo chí thế giới để có giải pháp, biện pháp tạo điều kiện cho báo chí trong nước phát triển theo xu hướng chung của công nghệ, phương thức tiếp nhận thông tin của công chúng. Trong đó xu hướng đang lên thuộc loại báo hình và báo điện tử. Do vậy, dự thảo luật cần thiết kế các quy định sao cho đảm bảo sự phát triển đồng đều, trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả.

Về quản lý trang tin điện tử, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, hình thức trang thông tin điện tử không khác gì báo điện tử. Nên thời gian qua số lượng trang thông tin điện tử tăng nhanh, hoạt động sai chức năng, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ gây bức xúc với nhiều nhà báo, tờ báo chân chính. Chỉ trong thời gian 1 tháng vừa qua, hàng chục trang tin bị xử phạt như trang Trí Việt tổng hợp thông tin không trích dẫn, hoặc trích dẫn không đầy đủ.

Thêm nữa, các trang tin điện tử tổng hợp không được coi là báo chí nên họ không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Báo chí nên nó hoạt động không có tôn chỉ, mục đích. Việc tổng hợp tin tức thường theo hướng tuyên truyền mặt trái, mặt tiêu cực của xã hội, các thông tin chính trị ít được đăng tải. “Với những phân tích nêu trên, tôi mong Ban soạn thảo bổ sung thêm một số quy định về chế tài, cụ thể và đủ mạnh vào Luật Báo chí đối với các trang tin điện tử”, ĐB Hải đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi): Khắc phục những bất cập để quản lý, phát triển báo chí