Đề nghị tách hai dự án sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp

Ngọc Mai| 17/09/2019 20:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các đại biểu cho rằng, với mức độ sửa đổi lớn nhiều vấn đề về kinh doanh có yếu tố nước ngoài thì cần hoàn thiện hồ sơ tách Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp thành hai Luật để sửa đổi.

Đề nghị tách hai dự án sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp

Quang cảnh phiên họp chiều ngày 17/9

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, chiều 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tưLuật Doanh nghiệp.

Cân nhắc kỹ lưỡng về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật

Ngày 13/9/2019, Chính phủ đã có Tờ trình số 402/TTr-CP trình Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, Luật này sửa đổi 34 điều, bổ sung 04 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014 và sửa đổi 66 điều, bãi bỏ 02 điều, bổ sung 01 chương và 08 Điều (bổ sung chương VII về Hộ Kinh doanh, bao gồm 5 Điều) của Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Đề nghị tách hai dự án sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp

Thẩm tra Tờ trình, thay mặt Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng hợp tác đầu tư nước ngoài, bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế trong hoạt động đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư tại doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế; góp phần thúc đẩy sự thành lập, phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, vì theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi 34 điều, bổ sung 4 điều, bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư và sửa đổi 66 điều, bãi bỏ 2 điều, bổ sung 01 chương (chương VIIa về Hộ Kinh doanh) và 8 điều của Luật Doanh nghiệp là khá lớn, trong khi cả 2 Luật này mới được sửa đổi toàn diện năm 2014, có hiệu lực từ 1/7/2015, thời gian thực thi luật chưa dài.

Trường hợp cần thiết sửa đổi như dự kiến nêu trên, đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét cho phép tách dự án Luật này thành dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để thuận lợi trong quá trình triển khai. 

Ủy ban Kinh tế nhận thấy Hồ sơ dự án Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị tương đối công phu, tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Hồ sơ dự án Luật còn thiếu dự thảo văn bản quy định chi tiết các nội dung giao Chính phủ quy định. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định, bảo đảm chất lượng dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Thảo luận tại Phiên họp, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây không phải Luật sửa đổi, bổ sung một số điều mà sửa đổi rất nhiều điều, nhiều chính sách mới. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề, liệu cơ quan soạn thảo đã đánh giá tác động mọi chính sách mới để thấy được những điểm ưu việt, tính khả thi hay chưa. Nếu với phạm vi sửa đổi như này, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng nên tách thành hai Luật sửa đổi.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng nếu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thì cần xem xét, cân nhắc, chọn lọc những điều thật cần thiết, còn vướng mắc để sửa đổi. Còn nếu Cơ quan soạn thảo xác định có nhiều vấn đề cần thiết phải sửa đổi thì đề nghị tách ra thành hai Luật để sửa đổi và quá trình soạn thảo phải tiến hành lại từ đầu.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng Chính phủ đã làm tương đối kỹ về Dự án Luật này, với mức độ sửa đổi lớn nhiều vấn đề về kinh doanh có yếu tố nước ngoài thì cần hoàn thiện hồ sơ tách thành hai Luật để sửa đổi.

Nhiều chính sách về đầu tư, kinh doanh được sửa đổi, bổ sung

Theo tờ trình của Chính phủ, về nhóm các quy định ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện, dự thảo Luật này đã hoàn thiện quy định tại Điều 7 của Luật Đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

Trong đó, đáng chú ý, dự án Luật bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu, thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này, bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.

Luật cũng bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư.

Về nhóm các quy định ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư, ngoài 4 ngành ưu đãi đầu tư đã được bổ sung vào Luật Đầu tư theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật này bổ sung một số ngành, nghề/hoạt động đầu tư khác, gồm: hoạt động nghiên cứu và phát triển; sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học; hoạt động đổi mới sáng tạo; sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

Luật bổ sung cơ chế cho phép Chính phủ quyết định ưu đãi đầu tư cao hơn để khuyến khích phát triển một ngành, địa bàn đặc biệt hoặc dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế-xã hội, gồm dự án thành lập mới hoặc mở rộng các trung tâm nghiên cứu-phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam có tổng vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên; dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm.

Đối với các loại dự án này, Chính phủ quyết định bổ sung mức ưu đãi và thời hạn ưu đãi đầu tư, nhưng mức ưu đãi bổ sung không quá 50% mức ưu đãi cao nhất và thời hạn ưu đãi bổ sung không quá thời hạn ưu đãi dài nhất.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, qua Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy nội dung sửa đổi đã vượt quá xa so với dự kiến ban đầu. Do đó đề nghị Chính phủ xác định rõ, nếu sửa đổi để đảm bảo tính cần thiết, cấp bách thì cần gom lại một số điều khẩn trương cần sửa đổi; còn nếu Chính phủ xác đình cần thiết thì tách thành hai dự án Luật để chuẩn bị đủ hồ sơ theo trình tự, thủ tục quy định. Sau khi Chính phủ xác định rõ sẽ trình Ủy ban Thường vụ cho ý kiến tại Phiên họp thứ 38 tới đây.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị tách hai dự án sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp