ĐBQH: Nhận thức không đúng, chưa đủ về các hành vi xâm hại, làm sao cho các em kỹ năng bảo vệ mình?

Ngọc Mai| 27/05/2020 14:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (đoàn Gia Lai) nêu thực trạng và đặt vấn đề tại phiên thảo luận cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, diễn ra sáng nay (27/5).

Các hành vi xâm hại tình dục trẻ em chưa được nhận diện đúng

Qua nghiên cứu Báo cáo về thực hiện chính sách pháp luật của Chính phủ và các báo cáo giám sát về kết quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (đoàn Gia Lai) cơ bản nhất trí với Báo cáo của đoàn báo cáo giám sát, từ đó đại biểu cũng cho rằng, con số báo cáo thể hiện có có thể chỉ là "tảng băng nổi".

Theo đại biểu đoàn Gia Lai, thực tế hiện nay những diễn biến liên quan đến loại tội phạm xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp hơn với các loại đối tượng, các phương thức thủ đoạn mà pháp luật chưa nhận diện được. Các hành vi xâm hại tình dục trẻ em chưa được nhận diện theo đúng tiêu chuẩn của UNICEP, như nhìn hoặc mắt nhìn, nói chuyện, dâm ô, động chạm, sờ mó, ôm bế bất thường, đưa đến những nơi vắng, cưỡng bức, dụ dỗ. 

ĐBQH: Nhận thức không đúng, chưa đủ về các hành vi xâm hại, làm sao cho các em kỹ năng bảo vệ mình?

Đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (đoàn Gia Lai) tham gia thảo luận trực tuyến sáng ngày 27/5

Từ đó đại biểu cho rằng, Báo cáo cần nhấn mạnh đến khía cạnh nhận diện về hành vi xâm hại trẻ em để xác định hướng bổ sung, hoàn thiện Luật, thực thi Luật và giáo dục nâng cao ý thức, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em.

Đại biểu nêu rõ, hiện các hành vi như quay lén, nhìn lén, hoặc bắt trẻ em nhìn vào bộ phận sinh dục với hình thức trực tiếp hoặc qua mạng, hiện tượng khoe của quý ở nơi cộng đồng, trường học khá nhiều nhưng gần như không bị xử lý theo chế tài của pháp luật. Vì xử lý theo chế tài của pháp luật thì khó xử lý hoặc xử lý cũng rất nhẹ. Các hành vi nói chuyện dâm ô, hoặc dụ dỗ sex với trẻ em không có quy định cụ thể nên hầu như không được xử lý. 

Báo cáo cũng cần được định hướng việc phòng chống xâm hại trẻ em theo hướng phòng ngừa là chính, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại thực tế khi xảy ra các vụ việc nghiêm trọng. Việc phòng ngừa chống xâm hại trẻ em quan trọng nhất là giáo dục nhận diện đúng và trang bị cho trẻ kỹ năng phòng chống bị xâm hại.

Trên thực tế hiện nay theo đại biểu phán ánh, việc giáo dục kỹ năng phổ biến pháp luật chủ yếu được tổ chức pháp luật tổ chức theo các lớp học ngắn hạn, hoặc được mở tư. Còn trong các trường học, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật kỹ năng cho trẻ em còn mang tính hình thức, đối phó trên giấy tờ.

"Đến ngay cha mẹ thầy cô giáo dục giới tính cho con em mình còn không dám nói đúng ngôn ngữ về sinh học mà cứ "cái ấy", "chỗ đó". Bản thân trẻ không được tiếp thu kiến thức về giới tính. Về pháp luật không biết bản thân mình được pháp luật bảo vệ như thế nào. Kỹ năng được huấn luyện chỉ là không được đi với người lạ, không được để người lạ đụng vào người v.v... Nhưng cuối cùng, đa số các vụ xâm hại là từ người thân và người quen.

Bản thân người lớn cũng nhận thức không đúng và chưa đầy đủ về các hành vi xâm hại, cứ nghĩ hành vi hiếp dâm được cấu thành mới là tổn thương đáng bị lên án, còn như mấy hành vi "dùng miệng", hoặc bắt trẻ dùng miệng để thỏa mãn tính dục thì lại xem như "may quá", nhưng thực tế, hậu quả của hành vi bị dâm ô và bị hiếp dâm sự nặng nhẹ ai có thể cân đo đong đếm? Cứ khi xảy ra sự việc thì các đơn vị có liên quan mới mời chuyên gia về báo cáo, tập huấn một năm/1 lần với lý do điều kiện kinh tế xã hội không cho phép, nhiều chuyên gia tự dựng mác, đưa ra nhiều tình huống xử lý mà trên thực tế có thể gây nguy hiểm cho trẻ.

Thày cô giáo lên lớp dạy các em, đến việc sử dụng ngôn ngữ về sinh học như "âm đạo" và "dương vật" còn không dám nói, sao có thể cho các em kỹ năng để bảo vệ mình, khi những người lớn chúng ta không thể ở bên trẻ 24/24 để bảo vệ con em mình?", đại biểu  Ksor H’Bơ Khăp nêu vấn đề và đặt câu hỏi.

Từ những thực tế nêu trên, đại biểu đoàn Gia Lai kiến nghị 3 nội dung:

Thứ nhất, cần xác định nhóm trẻ dễ bị xâm hại, trong đó chú ý nhóm trẻ ở các trường nội trú, các trung tâm bảo trợ xã hội, ở các cơ sở tôn giáo.

Lý giải thêm về kiến nghị này đại biểu cho biết: Nhiều vụ việc nghiêm trọng kéo dài chỉ được phanh phui, thì xã hội mới "mắt tròn, mắt dẹt", xem như đó là hồi chuông cảnh báo. Nơi chúng ta cho là an toàn thì trở thành nơi nguy hiểm cho con em mình. Vậy các địa phương, các cơ quan ban ngành, tổ chức xã hội và các cơ quan chức năng xác định trách nhiệm của mình ở đâu? và chúng ta làm gì để công tác phòng ngừa đối với loại tội phạm này ở những nơi được xem là nơi an toàn này được quan tâm đúng mức, vì các cơ sở giáo dục này là nơi được Đảng và Nhà nước quan tâm, hình thành nên nhưng phải chung vì "cha chung nên không ai khóc", mới để xảy ra hậu quả khôn lường trong thời gian qua.

Thứ 2, cần định hướng giáo dục pháp luật giới tính đồng bộ với toàn xã hội chứ không chỉ với cho trẻ em, hay các cơ sở tôn giáo và trường học.

Đại biểu lý giải, thực tế các gia đình ngay việc ngủ nghỉ, nhà 4 người vẫn ngủ chung khi con trai, con gái đã đến tuổi ngấp nghé dậy thì. hay cho con ngủ với ông bà để kết nối tình cảm. Chính chúng ta đã có sự thờ ơ vì nhận thức của chúng ta chưa đúng, chưa đủ, không đáp ứng được những diễn biến của loại tội phạm này. Ta thường bảo trẻ không cho người khác chạm vào bộ phận sinh dục, trong khi kẻ xâm hại không cần như vậy đã có thể thỏa mãn nhu cầu tính dục.

Thứ 3, phải có chế tài đối với các đơn vị cá nhân đưa tin liên quan đến trẻ em khi chưa được cá nhân và người giám hộ các trẻ em này đồng ý, vì hậu quả các em phải chịu đựng về mặt tâm lý là không thể xác định được.

"Nhiều trường hợp xảy ra cả xã hội mang ra bàn tán, chửi bới, cấu xé nhau, chúng ta có nghĩ tới sự cảm nhận ám ảnh của những đứa trẻ đó. Trước mắt của toàn xã hội và sau này các em trưởng thành, các em sẽ sống sao hay gia đình và xã hội cứ "găm dao lam vào quả chanh mà sát muối như thế"?", đại biểu Ksor H’Bơ Khăp nêu rõ. 

Phải xử lý để nêu gương và răn đe

Cũng bàn về đối tượng xâm hại trẻ em, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, hầu hết là những người thân quen, lợi dụng sự ngây thơ của trẻ em để lạm dụng; có những tội phạm tái phạm nhiều lần… khiến dư luận xã hội hết sức bức xúc đơn cử như những vụ: ông nội, cha ruột xâm hại bé gái; vụ cháu gái gửi tâm thư tố cáo bị đối tượng 70 tuổi xâm hại hay những vụ bảo mẫu, thầy, cô giáo bạo hành, xâm hại trẻ em trong thời gian dài… những vụ án đó thể hiện tính chất phức tạp, kéo dài.

Nhận định, các em dù đã cố gắng chống lại, cầu cứu, tố cáo… nhưng đâu đó vẫn thiếu cơ chế bảo vệ hiệu quả, đại biểu nêu vấn đề: Liệu còn bao nhiêu trẻ em đang kêu cứu trong tuyệt vọng mà không được hồi đáp? Liệu còn bao nhiêu kẻ thủ ác tiếp tục phạm tội bởi pháp luật không đủ xử lý và răn đe?

Đại biểu Phương nhấn mạnh: Giám sát của Quốc hội nhằm yêu cầu cần phải có một sự đột phá, đòi hỏi tất cả các cấp, ngành, gia đình và toàn xã hội cần vào cuộc quyết liệt nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, cơ chế chặt chẽ mang tính phòng ngừa, răn đe và có hệ thống, tiếp nhận thông tin cởi mở để trẻ em dễ dàng tiếp cận, kêu cứu trong trường hợp khẩn cấp.

Liên quan góc độ nhận thức, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (đoàn Phú Yên) cho rằng, báo cáo kết quả giám sát đã chỉ ra 9 nhóm nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất đã được đưa lên hàng đầu là cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ở nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức và chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phòng ngừa xâm hại trẻ em, thậm chí một số nơi còn coi nhẹ.

Cho biết, báo cáo kết quả giám sát nêu rõ 49/63 tỉnh, thành phố có HĐND cấp tỉnh chưa ban hành nghị quyết chuyên đề chỉ đạo thực hiện nội dung này, chủ yếu lồng ghép vào nghị quyết chung về kinh tế - xã hội hoặc chậm ban hành nghị quyết này, đại biểu cho rằng: Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. “Một khi cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn chưa nhận thức đầy đủ thì làm sao nhân dân có thể nhận thức đầy đủ để phòng, chống xâm hại trẻ em?”, đại biểu nói.

Đề cập đến các nhóm giải pháp được Đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra, đại biểu nhận định đã rất toàn diện, kiến nghị từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đến các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng: Nguyên nhân chính kể trên chưa được xử lý triệt để, chưa thấy có cấp ủy, chính quyền, cơ quan, cá nhân nào bị xử lý khi xảy ra tình trạng trẻ em bị xâm hại tại địa phương mình quản lý.

“Báo cáo đã đưa ra những sai phạm thì phải xử lý để nêu gương và răn đe, khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới”, đại biểu nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH: Nhận thức không đúng, chưa đủ về các hành vi xâm hại, làm sao cho các em kỹ năng bảo vệ mình?