Đại biểu Quốc hội: Quản lý nợ công chưa tốt là do thực thi không nghiêm

Trọng Bằng| 16/11/2017 12:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không đồng tình trước những giải trình thêm trước Quốc hội của Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng về việc quản lý nợ công thiếu hiệu quả, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đã thẳng thắn tranh luận lại.

Tại phiên chất vấn Quốc hội đầu tiên sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Trong thời gian qua đã cơ cấu nợ công theo hướng tăng vay trong nước, giảm vay nước ngoài. Năm 2011 vay nước ngoài là 60%, vay trong nước là 40%, thì nay vay trong nước là 60%, vay nước ngoài 39%. Vay trong nước có kỳ hạn cao 2 lần, lãi suất giảm một nửa, danh mục trái phiếu tăng 6,7%/năm. Vay trong nước góp phần giảm nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ. Chúng ta đã vượt qua đỉnh nợ công giai đoạn 2016 - 2017, nay lo đến đỉnh nợ công vào giai đoạn 2019 - 2020. 

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, nợ công dang từng bước được kiểm soát chặt chẽ và bước đầu cơ cấu đã có kết quả. Chỉ tiêu nợ công nằm trong giới hạn cho phép và bước đầu kiểm soát tốc độ gia tăng. Tăng kỳ hạn phát hành trái phiếu là điều rất quan trọng và với lãi suất hướng giảm dần.

Quản lý nợ công: Không thiếu luật mà thực thi không nghiêm

Giải trình làm rõ thêm về hiệu quả đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Trước đây, do chưa có Luật Đầu tư công, nên việc quyết định đầu tư còn đang tùy tiện và vượt so với khả năng cân đối của ngân sách cả ở trung ương và địa phương. Trong mỗi giai đoạn 2005 - 2010, 2011 - 2015, “chúng ta có hơn 20 nghìn dự án, cả lớn lẫn bé, cả của bộ, ngành, địa phương quyết định đầu tư, không rõ nguồn vốn ở đâu và không rõ có khả năng bao nhiêu để giải ngân được, cho nên việc dàn trải dẫn đến thất thoát, phải dừng, giãn, hoãn rất lớn”.

Khi đó, Chính phủ đã ban hành nghị định 1792, và chúng ta luật hóa lên thành Luật đầu tư công. Đến nay, trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ còn hơn 1.000 dự án, đã giảm đi rất nhiều so với giai đoạn trước đây, bám sát khả năng cân đối của ngân sách. “Đây là một hạn chế chúng ta đã khắc phục được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ. Với nợ đọng của các giai đoạn trước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã tập trung ở giai đoạn 2016 - 2020 để “xem xét, giải quyết dứt điểm”. 

Tuy nhiên, với một số dự án có mức vượt lên nhiều so với tính toán và nhu cầu thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, “chúng ta chưa có biện pháp để kiểm soát vấn đề này”. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan để xây dựng định mức để tính toán, làm cơ sở xây dựng dự toán và phê duyệt tổng mức đầu tư.

Về hiệu quả dự án đầu tư công chưa cao, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là “việc triển khai đầu tư đang phải thực hiện nhiều thủ tục, như giải phóng mặt bằng, đấu thầu… làm cho thời gian kéo dài, vốn đầu tư vượt lên buộc phải điều chỉnh. Khi vượt lên không có nguồn để bố trí vốn, dẫn đến phải dừng, giãn, hoãn, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ ban hành kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công để thực hiện trong thời gian tới, đồng thời Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát lại bất cập trong thực hiện Luật Đầu tư công, trình Chính phủ, QH cho sửa Luật Đầu tư công theo hướng bảo đảm quản lý chặt chẽ đầu tư công, giải quyết thủ tục thuân lợi, nhanh gọn cho các đối tượng áp dụng của Luật Đầu tư công, trong đó có cả Nghị định 136.

Với vấn đề nợ công liên quan đến vay nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vừa qua QH đã phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn… Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng “báo cáo thêm với QH”, các dự án ODA vay nước ngoài, hiện nước ta đang chuyển sang giai đoạn nước có thu nhập trung bình, nên các nước đã giảm vốn ODA và ưu đãi, chuyển sang vay thương mại, tức là có lãi suất cao hơn, thời gian vay ngắn hơn. “Chúng tôi đang đề nghị Chính phủ đẩy nhanh các thủ tục cần thiết để giải quyết các vấn đề cho các dự án dự án sử dụng vốn ưu đãi vào năm 2017 - 2018. Sau năm 2018, chuyển sang vay thương mại, ưu đãi sẽ giảm đi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Khẳng định những hạn chế nêu trên không phải bất cập của Luật Đầu tư công, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Luật Đầu tư công hiện hành rất tiến bộ, đã khắc phục nhiều hạn chế trong lĩnh vực đầu tư công. Tuy nhiên, “trong thực thi đầu tư công có những vấn đề cần tổng hợp, rà soát lại, chứ không chỉ bất cập của Luật”.

Đại biểu Quốc hội: Quản lý nợ công chưa tốt là do thực thi không nghiêm

 ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình): “Không thiếu cơ sở pháp luật mà do thực thi pháp luật không nghiêm”

Cũng ở góc độ này, chưa đồng tình với trả lời của Bộ trưởng, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) tranh luận: Bộ trưởng nói sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý tốt và nâng cao chất lượng nợ công. Nhưng trong báo cáo về quản lý nợ công, Chính phủ nêu rõ, phân bổ vốn cho dự án không đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí, dàn trải, kéo dài thực hiện so với quy định. Tình trạng ỷ lại ngân sách Trung ương, thường dành vốn cho mục tiêu khác, sau đó lại xin Trung ương bổ sung vốn. Năng lực chủ đầu tư còn hạn chế, dẫn đến nhiều dự án vỡ thầu, chậm tiến độ, vượt chi phí, gây thất thoát và lãng phí vốn đầu tư. Do trình độ của chủ đầu tư, tư vấn yếu nên tình trạng chuẩn bị sơ sài, mang tính hình thức vẫn tồn tại dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư.

Như vậy, “không thiếu cơ sở pháp luật mà do thực thi pháp luật không nghiêm”, ĐB Nguyễn Tiến Sinh nói. Hơn nữa, đây không phải hạn chế từ năm 2011, mà là hạn chế của đầu tư công năm 2017, chưa có dấu hiệu dừng lại. Những hạn chế này không khắc phục ngay, thì năm 2021 chắc chắn Chỉ thị 1792 mới của Thủ tướng Chính phủ sẽ phải ban hành, với hậu quả sẽ khốc liệt hơn. Các dự án không được bố trí vốn sẽ phải dừng lại. Như vậy, “sẽ phải đình lại để kiểm soát nợ công, hoặc vay tiếp mà nợ công không được kiểm soát, sẽ rất khó khăn.

Đầu tư công không hiệu quả vô cùng xấu

Cũng liên quan đến vấn đề nợ công, ĐBQH Phan Viết Lượng (Bình Phước) hỏi: "Trong thời gian qua, có ý kiến đề xuất điều chỉnh tăng một số loạt thuế. Cử tri và người dân cho rằng, dư địa tăng thu ngân sách còn nhiều, nếu quản lý tốt, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời cho ngân sách. “Bộ Tài chính sẽ làm gì để phát huy dư địa tăng thu ngân sách trong thời gian tới”.

 Thực tế cho thấy, trong những năm qua, việc huy động các nguồn lực, trong đó có nguồn lực nước ngoài đạt nhiều kết quả, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực hiện nay sẽ gặp không ít khó khăn, do việc tiếp cận vốn vay nước ngoài không dễ như trước, áp lực nợ công cao, hụt thu ngân sách trung ương trong những năm gần đây chậm được khắc phục. ĐB Phan Viết Lượng đề nghị Bộ trưởng cho biết định hướng vay vốn trong thời gian tới? Có dần chuyển sang vay trong nước hay không? Và tương quan giữa vay trong nước và vay nước ngoài như thế nào?

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, “ý kiến của ĐBQH Phan Viết Lượng về dư địa ngân sách còn lớn, chưa cần tăng thuế, đề nghị phát huy dư địa là rất đúng”. Thuế gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh. Kinh tế phải phục vụ cho kinh tế phát triển. “Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu trên tinh thần tháo gỡ khó khăn, phục vụ kinh tế phát triển”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết. Đặc biệt, trong quản lý thuế phải mở rộng đối tượng, giảm tối đa huy động từ doanh nghiệp, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích lũy, làm ăn. Trong quản lý thuế cũng phải chống gian lận, thất thoát thuế. Đây là dư địa và trong thời gian qua chúng ta đang khai thác.

Cùng mối quan tâm về hiệu quả đầu tư công, ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) tranh luận: Kìm hãm sự tăng tốc nợ công đã được nói nhiều trong thời gian qua. Nhưng điều quan trọng là hiệu quả đầu tư công. Vấn đề về số là vỏ bên ngoài, linh hồn chính là hiệu quả đầu tư ra sao. “Nợ công không xấu, đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu, vì chúng ta phải trả nợ kép (tiền gốc và tiền lãi), bên cạnh đó phải trả bù lỗ doanh nghiệp đầu tư không hiệu quả”, ĐB Nguyễn Quang Tuấn nói.

Vừa qua chúng ta có 12 doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư không hiệu quả, đội vốn đầu tư gây thất thoát rất nhiều. Việc phải bù lỗ cho các doanh nghiệp họat động không hiệu quả gây ảnh hưởng xấu đến “sức khỏe” nền kinh tế nước ta, đồng thời ảnh hưởng xấu đến uy tín nước ta trên trường quốc tế. Như vậy, “song song với báo cáo kìm hãm phát triển nợ công, thì phải báo cáo đầu tư công hiệu quả ra sao, không đầu tư được thì kinh tế không phát triển được”, ĐB Nguyễn Quang Tuấn chỉ rõ, và đầu tư không hiệu quả làm cho kinh tế càng xấu hơn.

Đồng tình với nhận định của ĐB Nguyễn Quang Tuấn, theo đó, hiệu quả đầu tư công là vấn đề rất trọng tâm, nằm trong chương trình tái cơ cấu hiệu quả đầu tư công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ: Trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài chính đang triển khai các nhiệm vụ, như: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, chuyển từ cấp phát sang cho vay lại, rõ trách nhiệm hơn, hạn chế tối đa bảo lãnh Chính phủ, phối hợp với kiểm soát chặt chẽ chi tiêu nợ công, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về nợ công.

5 nhóm giải pháp của Chính phủ 

Tại phiên chất vấn sáng nay, sau phần trả lời của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có báo cáo thêm về việc quản lý thu chi ngân sách nhà nước gắn với bảo đảm an toàn bền vững nợ công giai đoạn từ nay tới năm 2020.

Theo Phó Thủ tướng, trong giai đoạn này, Chính phủ phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa bảo đảm đất nước phát triển nhanh, bền vững, vừa tập trung giải quyết những yếu kém tích tụ từ nhiều năm trước. Trong khi đó, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ chật hẹp và kinh tế thế giới còn khó khăn nên xử lý nợ công là vấn đề nan giải.

“Nhiều thành viên của Chính phủ và đại biểu Quốc hội đã khuyến cáo Chính phủ trình Trung ương và Quốc hội nới trần nợ công để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã tính toán kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố và quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ từ ngân sách và vay trả nợ không được quá 25% so với tổng thu ngân sách. Do đó, Chính phủ nói không với tăng trần nợ công”, Phó Thủ tướng cho biết.

Để bảo đảm toàn nợ công, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đề án cơ cấu lại thu chi ngân sách gắn với quản lý an toàn nợ công và Bộ Chính trị đã thông qua Nghị quyết số 07 về vấn đề này. Đây là văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Lần đầu tiên Trung ương có nghị quyết chuyên đề về nợ công. Chính phủ cũng trình Quốc hội kế hoạch về đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính công trung hạn với mục đích bảo đảm cân đối ngân sách là tích cực nhất, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia với mục tiêu cụ thể là tỷ lệ huy động vào ngân sách là 21% GDP, tổng thu giai đoạn 2016- 2020 tăng 1,65 lần so với giai đoạn trước và cơ cấu lại các khoản thu từ ngân sách. Trong đó giảm thu từ dầu thô, tăng thu từ nội địa, giữ chi ngân sách ở khoảng 24% GDP và trong đó chi đầu tư phát triển chiếm 24- 25% và chi thường xuyên dưới 64%, giảm bội chi tới năm 2020 là 3,5% GDP. Quy mô nợ công không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 54%, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Trên cơ sở nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 51 về Chương trình hành động thực hiện chủ trươngvới giải pháp đặt trong đề án tổng thể vềtái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nghị quyết của Bộ Chính trị coi tiết kiệm là quốc sách hàng đầu, chỉ tiêu trong khả năng của nền kinh tế, vay khi có khả năng trả nợ. Giải quyết hài hoà các vấn đề cấp bách trước mắt và giải pháp căn cơ lâu dài, siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm giải trình. Trong thu chi ngân sách sử dụng vốn vay và quản lý nợ công thì hạn chế và tiến tới xoá bỏ xin - cho.

Đại biểu Quốc hội: Quản lý nợ công chưa tốt là do thực thi không nghiêm

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có báo cáo thêm tại phiên chất vấn về việc quản lý thu chi ngân sách nhà nước gắn với bảo đảm an toàn bền vững nợ công giai đoạn từ nay tới năm 2020

Về các nhóm giải pháp chính, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ thực hiện tới năm 2020 là kiên định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường phát triển kinh tế, xã hội, tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách. Phối hợp hài hoà chính sách tài khoá tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác và coi đây là giải pháp của mọi giải pháp.

Thứ hai là, đẩy mạnh tái cơ cấu gắn đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả cạnh tranh để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Chính phủ tán thành ý kiến đại biểu Quốc hội rằng vay không quan trọng mà quan trọng là hiệu quả sử dụng vốn vay. Chúng ta vay để không thể tụt lại nhưng phải phát triển bền vững đối với ba trụ cột kinh tế- xã hội và môi trường, trong đó có nợ công.

Thứ ba là tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về nghĩa vụ nộp thuế, sử dụng nợ công, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm lãng phí.

Thứ tư là, tập trung cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý nợ công, bảo đảm an toàn bền vững nền tài chính quốc gia theo hướng: Hoàn thiện chính sách thu hướng tới bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn cơ sở thuế, tăng cường chống  thất thu và giải quyết nợ đọng thuế để tăng thu hơn là tăng thuế suất. Đây là chủ trương của Chính phủ.

Đương nhiên giảm thuế quan thì phải tính toán điều chỉnh các khoản thu thuế nội địa nhưng các khoản thu liên quan tới VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp là hết sức thận trọng. Chúng ta giảm thuế để nuôi dưỡng nguồn thu, do đó, thay cho việc trước mắt bị hụt khoản thu thì phải đi sâu vào mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn cơ sở thuế nhất là quản lý chứng từ hoá đơn và quản lý khu vực kinh tế phi thức thức để có nguồn thu lâu dài.

Trong chống gian lận thuế thì với khối FDI, phải đẩy mạnh hơn việc chống chuyển giá, thực hiên đăng ký giá trước theo luật quản lý thuế. Với thu nội địa thì tăng cường quản lý kinh tế phi chính thức, tăng cường chế độ hoá đơn điện tử.Với hải quan thì thì có 2 vấn đề trọng điểm là áp đúng mã HS và kê khai giá tính thuế.

Thứ năm là, từng bước cơ cấu lại chi ngân sách, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Trước đây mỗi năm chi thường xuyên chiếm tới gần 70% tổng mức chi ngân sách nhà nước thì năm 2017 chỉ còn chiếm 64,9% và dự kiến năm 2018 giảm còn 64% và tiếp tục giảm trong những năm tới.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội: Quản lý nợ công chưa tốt là do thực thi không nghiêm