Đại biểu không được vắng mặt quá thời gian quy định trong kỳ họp Quốc hội

Quốc Huy| 24/09/2015 22:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay 24/9, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, UBTVQH đã họp và cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết Nội quy kỳ họp Quốc hội. Theo đó, nhiều nội dung quan trọng đã được sửa đổi bổ sung vào dự thảo này.

Sau hơn 12 năm thi hành, Nội quy kỳ họp Quốc hội đã có đóng góp quan trọng đối với hoạt động của Quốc hội nói chung và nâng cao chất lượng các kỳ họp Quốc hội nói riêng; tạo cơ sở pháp lý để Quốc hội thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tại kỳ họp. Tuy nhiên, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của kỳ họp Quốc hội, chất lượng, hiệu lực các quyết định của Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội cần được sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng.

 Phạm vi điều chỉnh của Nội quy (sửa đổi) là quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục cho việc tiến hành kỳ họp Quốc hội; quy định về thẩm quyền của chủ thể tiến hành một số thủ tục cụ thể trong các quy trình thực hiện tại kỳ họp Quốc hội.

Đại biểu không được vắng mặt quá thời gian quy định trong kỳ họp Quốc hội

Chủ nhiệm UBKHCN & MT Phan Xuân Dũng phát biểu

Thường trực UBPL tán thành sự cần thiết sửa đổi và quan điểm chỉ đạo sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội và cho rằng, Nội quy kỳ họp Quốc hội là văn bản quy định các quy trĩnh, thủ tục cần thiết để tố chức kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, một số thủ tục hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát hiện đã được quy định cụ thế trong các đạo luật tương ứng như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân...

Về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội tham gia các kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trường hợp đại biểu Quốc hội không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại các phiên họp Quốc hội thì gửi văn bản và nêu rõ lý do, thời gian vắng mặt đến Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định như trong dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đồi).

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phân loại cụ thể các trường hợp đại biểu Quốc hội vắng mặt, từ đó quy định trách nhiệm báo cáo của đại biểu Quốc hội cho phù hợp với từng trường họp. Chẳng hạn quy định theo hướng: đối với trường hơp đại biểu Quốc hội vắng mặt dài ngày thì cần gửi văn bản đến Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội; trường hợp đại biểu Quốc hội vắng mặt 1-2 buổi vì lý do giải quyết công việc ở cơ quan, địa phương hoặc tham gia thẩm tra, chỉnh lý dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội thì chỉ cần báo cáo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Tổ trưởng Tổ đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm UBKHCN & MT Phan Xuân Dũng cho rằng, việc các đại biểu vắng mặt trong các buổi họp thì phải làm thế nào đó để người chủ trì biết. Để khắc phục tình trạng có đại biểu tham gia họp hành đầy đủ, nhưng có đại biểu lại vắng mặt quá nhiều thì nên có hình thức điểm danh, ghi tên tuổi và thông báo để các trưởng đoàn đại biểu nắm được.

Đồng tình quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’Sor Phước đề nghị, các đại biểu vắng mặt phải báo với Trưởng đoàn ĐBQH đồng thời báo cho Tổng Thư ký Quốc hội. Sau một tuần, Tổng Thư ký sẽ tổng hợp số lượng ĐBQH vắng mặt báo cáo Chủ tịch Quốc hội. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề xuất với Ban soạn thảo, ĐBQH không được vắng mặt quá 1/5 thời gian trong một kỳ họp nếu không có lý do chính đáng.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, cần nghiên cứu phân loại cụ thể các trường hợp ĐBQH vắng mặt, từ đó quy định trách nhiệm báo cáo của ĐBQH cho phù hợp với từng trường hợp. Đối với trường hơp ĐBQH vắng mặt dài ngày thì cần gửi văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch QH; trường hợp ĐBQH vắng mặt 1-2 buổi vì lý do giải quyết công việc ở cơ quan, địa phương hoặc tham gia thẩm tra, chỉnh lý dự thảo luật thì chỉ cần báo cáo Trưởng đoàn ĐBQH.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Nội quy không nên quy định đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia các phiên họp của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, bởi vì khoản 2 Điều 26 Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định trách nhiệm này. Nội quy kỳ họp chỉ nên quy định Quốc hội tổ chức họp để thảo luận chuyên sâu về các nội dung thuộc chương trình kỳ họp. Chẳng hạn, khi thảo luận về kinh tế - xã hội, ngoài việc thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội, Quốc hội có thể tổ chức thảo luận về những nội dung chuyên sâu tại Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội…

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét, về cơ bản các ý kiến trong UBTVQH tán thành với nhiều quy định trong Nội quy kỳ họp. Đối với nội dung quy định trách nhiệm của đại biểu tham gia kỳ họp, đây là trách nhiệm nên phải tham gia đầy đủ kỳ họp, các phiên họp, nhưng cần quy định như thế nào để thuận lợi hơn cho các đại biểu. Còn về thẩm quyền quyết định cho đại biểu được vắng mặt và quy trình báo cáo vắng mặt là hai vấn đề khác nhau.  Ai vắng, đi đâu phải được sự đồng ý của Chủ tọa, còn vắng dài ngày thì báo cáo Tổng thư ký, Trưởng đoàn và Chủ tịch Quốc hội, còn quyết định cuối cùng vẫn là Chủ tịch Quốc hội.

Trước đó, UBTVQH cũng đã cho ý kiến dự án Luật về Hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu không được vắng mặt quá thời gian quy định trong kỳ họp Quốc hội