Cuộc chiến chống Covid-19 và quá trình phục hồi kinh tế đòi hỏi mở rộng hợp tác quốc tế

Quốc Huy| 09/09/2020 22:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 9/9, trước khi kết thúc ngày làm việc thứ 2 của Đại hội đồng AIPA 41, đã diễn ra Hội nghị Ủy ban Xã hội và Uỷ ban về các vấn đề tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Hai phiên họp này diễn ra sự chủ trì của ông Phan Thanh Bình Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh niên- Thiếu niên - Nhi đồng và ông Vũ Hải Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam.

Hướng tới cộng đồng có trách nhiệm xã hội, phục vụ người dân

Phát biểu tại hội nghị của Ủy ban Xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, thế giới hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng và cấp bách như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, mất cân bằng sinh thái, xung đột sắc tộc, những hệ lụy trong quá trình phát triển, đô thị hóa tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, gây hại cho tài nguyên thiên nhiên và đời sống xã hội. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên qui mô toàn cầu từ cuối năm 2019 đến nay đã gây ra những hậu quả nặng nề.

Cuộc chiến chống Covid-19 và quá trình phục hồi kinh tế đòi hỏi mở rộng hợp tác quốc tế

Hội nghị Ủy ban Xã hội Đại hội đồng AIPA 41

Là một trong 3 trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng văn hóa - xã hội mang ý nghĩa quan trọng khi hướng tới một cộng đồng có trách nhiệm xã hội, kết nối trực tiếp với người dân và phục vụ cho người dân, nhằm đạt được sự đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận, rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao. Để thực hiện được mục tiêu này, sự ủng hộ và hợp tác hiệu quả giữa các Nghị viện thành viên AIPA là một yếu tố quyết định.

Với tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu sẽ tập trung thảo luận các thách thức về dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực lao động, vấn đề việc làm, đến phúc lợi xã hội, văn hóa, giáo dục và dạy nghề, việc bảo tồn đa dạng sinh học, xử lý chất thải, rác thải và các vấn đề khác thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội..., từ đó đề xuất các biện pháp ứng phó kịp thời.

Đồng thời, tin tưởng, qua Hội nghị, các nghị sĩ sẽ chia sẻ kinh nghiệm, những bài học quan trọng rút ra từ mỗi nước và hơn cả là sáng kiến về sự phối hợp giữa các nước nhằm tối ưu hóa và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia và nghị viện thành viên ASEAN, qua đó nâng cao vai trò vị thế của AIPA trong việc hỗ trợ Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN ứng phó với Covid-19, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, các thành viên nhấn mạnh đến cuộc chiến chống Covid-19 và quá trình phục hồi kinh tế-xã hội các quốc gia. Các ý kiến cho rằng, hậu Covid-19 không thể giải quyết ở các quốc gia đơn lẻ, đòi hỏi mở rộng hơn hợp tác quốc tế trên tinh thần đoàn kết.

Đại diện đoàn Indonesia ông Ichsan Firdaus cho rằng Covid-19 mang đến nhiều thay đổi, song ASEAN vẫn mạnh mẽ và tự cường trong ứng phó với đại dịch. Cộng đồng văn hoá – xã hội ASEAN là một cộng đồng gắn kết, bao trùm thì mới ứng phó được với đại dịch. Chỉ khi chúng ta đoàn kết, gắn kết, chủ động thích ứng thì mới vượt qua được. Các nghị sĩ phải làm thế nào để giúp người dân ứng phó trước những tác động. 

Covid-19 mang đến cơ hội nâng cao sức chống chịu và tự cường đối với ASEAN. Với ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề thì cần tư duy đi trước một bước, đưa ra nỗ lực hồi phục sau đại dịch, như vấn đề thúc đẩy, quảng bá du lịch để sau đại dịch có thể thấy ASEAN là một địa điểm du lịch hấp dẫn.

Đại diện Malaysia, bà Asmak Husin cho rằng từng quốc gia trong ASEAN đều có những nỗ lực đáng ghi nhận song cần đoàn kết mới chiến thắng đại dịch này. Việc lập trung tâm ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN hay các sáng kiến y tế khác cần được củng cố, nhanh chóng xác định các rủi ro trong từng giai đoạn, từng làn sóng lây nhiễm. “Chúng ta hãy kêu gọi hành động và nỗ lực chung của các quốc gia thành viên ASEAN, hướng tới Cộng đồng ASEAN tự cường, mạnh mẽ hơn”, bà Asmak Husin nhấn mạnh.

Đại diện Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, kinh nghiệm của Việt Nam trong đối phó với đại dịch Covid-19, là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch  với quan điểm "chống dịch như chống giặc"; Thực hiện nguyên tắc “chủ động ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng gọn, dập dịch triệt để, điều trị khỏi bệnh.

Trong thành công chung đó, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò đảm bảo hành lang pháp lý khi triển khai các biện pháp chống dịch Covid-19 (giãn cách xã hội, cách ly người bệnh, người nhập cảnh 14 ngày, …) ; Thông qua ngân sách thực hiện gói hỗ trợ sinh kế cho người dân và các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Thực hiện giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như việc triển khai gói hỗ trợ Điều chỉnh ngân sách theo hướng thúc đẩy đầu tư công, phục hồi phát triển kinh tế.

Cuộc chiến chống Covid-19 và quá trình phục hồi kinh tế đòi hỏi mở rộng hợp tác quốc tế

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại Hội nghị Ủy ban các vấn đề tổ chức

Sau phần thảo luận, các đại biểu đã thông qua dự thảo nghị quyết chung của hội nghị với nhiều nội dung quan trọng để trình ra Phiên họp toàn thể của Đại hội đồng AIPA 41 sẽ diễn ra vào sáng mai (10/9).

Củng cố và phát triển tố chức là nhiệm vụ quan trọng

Cũng trong chiều 9/9 đã diễn ra phiên làm việc của Uỷ ban về các vấn đề tổ chức. Ông Vũ Hải Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam điều hành phiên họp.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh thế giới và khu vực của chúng ta đang trải qua những biến đổi sâu sắc cả về kinh tế, xã hội, chính trị và an ninh. Bao trùm lên đó là những quan ngại về các cuộc xung đột tiềm ẩn, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, chuyển đổi số và sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và đặc biệt là những tác động vô cùng to lớn chưa từng có của đại dịch Covid-19 lên nhiều mặt của đời sống xã hội, đe dọa đến hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững của khu vực ASEAN và toàn cầu.

Trước bối cảnh đó, ASEAN và AIPA cần phải tiếp tục đoàn kết và gắn kết chặt chẽ để chủ động thích ứng với tình hình thay đổi nhanh chóng. Để AIPA tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ và phát huy vai trò của mình thì việc xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức là nhiệm vụ hết sức quan trọng, trong đó Ủy ban về các vấn đề tổ chức chính là nơi các nghị viện thành viên AIPA bàn bạc và thảo luận các nội dung liên quan đến các vấn đề tổ chức, từ đó đưa ra những quyết sách và định hướng phát triển cho tương lai.

Tại phiên họp chiều nay, các đại biểu đã tiến hành xem xét nhiều dự thảo Nghị quyết. Đáng chú ý, Nghị quyết về thành lập Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA đã được thông qua theo sáng kiến do Việt Nam đề xuất. Hội nghị không chính thức của các Nghị sĩ trẻ AIPA vừa diễn ra ngày hôm qua 8/9, nhận được phản hồi tích cực của các đại biểu.

Các nghị sĩ trẻ AIPA đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải ý chí, tâm tư nguyện vọng của cử tri trẻ, đóng góp tích cực vào hoạt động của Nghị viện AIPA và nghị viện thành viên AIPA. Đồng thời là nhân tố quan trọng kết nối, thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ trong công cuộc xây dựng, phát triển Cộng đồng ASEAN với khoảng 220 triệu thanh niên (1/3 dân số ASEAN).

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến chống Covid-19 và quá trình phục hồi kinh tế đòi hỏi mở rộng hợp tác quốc tế