Công việc quá tải nhưng Thẩm phán luôn nỗ lực và trách nhiệm trước dân

Quốc Huy| 29/11/2017 19:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) đã chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình về vấn đề cải cách tư pháp của Tòa án hiện nay.

Phần trả lời của Chánh án thể hiện khá rõ nét những kết quả đạt được cũng như thực tế khách quan rất cần được sự chia sẻ của ĐB và nhân dân.

Nhiều vụ án thiếu luật sư

Tại phiên chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, ĐB Phan Thị Bình Thuận (TP. Hồ Chí Minh) nêu vấn đề: Nghị quyết số 49 và Kết luận số 92 của Bộ Chính trị về nâng cao tranh tụng trước Tòa án, đây là một giải pháp mang tính đột phá. Tuy nhiên, thời gian qua còn nhiều hạn chế theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, đề nghị Chánh án cho biết nguyên nhân và giải pháp để thực hiện việc này?

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, tranh tụng là một nguyên tắc đã được Hiến pháp ghi nhận và yêu cầu của việc tranh tụng đã được ghi trong các đạo luật tư pháp, đặc biệt là các luật về tố tụng hình sự, sẽ có hiệu lực thi hành từ năm 2018. Lãnh đạo TANDTC yêu cầu các Thẩm phán phải duy trì các phiên tòa có tranh tụng và không được hạn chế thời gian tranh tụng, nếu như vấn đề tranh tụng, nhu cầu tranh tụng vẫn còn thì Chủ tọa phiên tòa có thể kéo dài thêm thời gian diễn ra phiên tòa để các bên đưa ra ý kiến của mình.

Thực tế thời gian qua đã có nhiều vụ án như vậy, báo chí cũng đã đề cập đến và dư luận cũng rất đồng tình và đánh giá cao. Vụ án Trương Hồ Phương Nga, do TAND TP Hồ Chí Minh xét xử và vụ án VN Pharma do Tòa án cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử vừa qua là một ví dụ điển hình cho nguyên tắc tranh tụng rõ nét. Từ kết quả tranh tụng đó HĐXX đã đưa ra phán quyết, được dư luận đồng tình. Tất cả những ý kiến được nêu ra trong quá trình tranh tụng đều được ghi nhận trong hồ sơ vụ án và được nhận định trong bản án. Đây là những kỹ năng đòi hỏi các Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa phải thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề tranh tụng không chỉ phụ thuộc vào Tòa án, bởi vì Tòa án chỉ là người duy trì ghi nhận và nhận định kết quả tranh tụng, còn chủ thể của tranh tụng chính là luật sư và đại diện Viện Kiểm sát, chất lượng của tranh tụng do các chủ thể tranh tụng quyết định.

Công việc quá tải nhưng Thẩm phán luôn nỗ lực và trách nhiệm trước dân

ĐB Phan Thị Bình Thuận

Chánh án TANDTC cho biết một thực tế khách quan khiến cho việc tranh tụng bị hạn chế như đại biểu nêu, không phải Tòa án không duy trì tốt việc tranh tụng tại mỗi phiên tòa mà là do nhiều vụ án không có luật sư tham gia.

 Đó là, qua thống kê trong năm 2017 trong các vụ án sơ thẩm chỉ có 4.050 vụ/57.471 vụ là có luật sư tham gia, chiếm 7,5% và phần lớn là các vụ án ở các vùng đô thị, còn những vụ án ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn thì không có luật sư tham gia. Bởi vì hơn ai hết các Thẩm phán rất cần các ý kiến của họ để phản biện. Ý kiến của luật sư càng sắc sảo, chứng cứ đưa ra càng tốt thì kết luận của bản án càng tiệm cận với công lý và chính xác. Đáng tiếc rằng tỷ lệ số vụ án có luật sư tham gia hiện nay còn đang rất hạn chế. Năm 2017 là 7%; Năm 2016 là 6,7%; Năm 2015 chỉ có 6,4%. Vì vậy cần phải bổ sung thêm đội ngũ luật sư, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Thẩm phán rất áp lực

Ngoài ra, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng đề cập đến một thực tế khách quan khác đang tạo áp lực cho các Tòa án, Thẩm  phán hiện nay. Đó là, trong điều kiện khối lượng công việc tăng lên năm sau cao hơn năm trước, nhưng phải thực hiện Chỉ thị 39 của Trung ương về tinh giản biên chế nên rất thiếu người làm. Theo đó, năm 2012, khi UBTVQH quyết định biên chế Tòa án là 15.000  người thì số lượng công việc là 250.000 nghìn vụ/năm. Sau 5 năm, năm 2017 số lượng công việc là 499.000 vụ, tăng gần gấp đôi so với năm 2012 nhưng định biên vẫn như cũ. Đây là một áp lực rất lớn của Tòa án.

Hiện nay có rất nhiều địa phương, Tòa án cấp huyện mỗi Thẩm phán phải xử lý 18 vụ/ tháng trong khi quy định chỉ 5 vụ/tháng. Ví dụ ở Ninh Kiều (Cần Thơ), Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh)... Ở TP Hồ Chí Minh, hầu hết các quận mỗi Thẩm phán đều phải xét xử trên 12 vụ/tháng. Với khối lượng công việc như vậy, áp lực lên đội ngũ Thẩm phán là rất lớn nên bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, Thẩm phán Tòa án rất đáng ghi nhận thì rủi ro về chất lượng là điều khó tránh khỏi, Chánh án nhấn mạnh.

Vậy nên, TANDTC đã có những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng chuyên môn, đó là tiến hành điều chuyển, luân chuyển tăng cường cho mỗi huyện 1 Thẩm phán đối với Tòa án có tỷ lệ án bình quân là 12 vụ/1 Thẩm phán/tháng nhưng vẫn còn rất khó khăn. Cán bộ, Thẩm phán Tòa án hiện vẫn đang cố gắng thực thi nhiệm vụ trên tinh thần trách nhiệm trước dân, vì công lý. Bên cạnh việc động viên các cán bộ, Thẩm phán, lãnh đạo TANDTC cũng đang tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng công vụ.

Hiện TANDTC đang xây dựng Đề án vị trí việc làm để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trên tinh thần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 39 của Trung ương về tinh giản biên chế. Chánh án TANDTC cho biết, để thực hiện Chỉ thị 39, từ 2016 đã dừng việc tuyển thêm người, toàn hệ thống Tòa án không tuyển thêm bất cứ một biên chế nào để thực hiện việc sắp xếp và tinh giản nên áp lực công việc ngày càng lớn. Vì vậy, TANDTC đang đề xuất với UBTVQH, trong định biên cho phép có thể tăng số lượng Thẩm phán không phải là 6.000 biên chế nữa mà có thể phải hơn, tùy theo nhu cầu công việc của từng địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công việc quá tải nhưng Thẩm phán luôn nỗ lực và trách nhiệm trước dân