Công chức không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp có thể bị buộc thôi việc

Ngọc Mai| 26/11/2019 07:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Là một trong những nội dung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được Quốc hội thông qua với 88,20% số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành.

Công chức không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp có thể bị buộc thôi việc

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Luật gồm 3 Điều. Điều 1 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức; Điều 2 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức; Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành.

 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được thông qua với nhiều nội dung đổi mới có tính chất đột phá.

Công chức không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp có thể bị buộc thôi việc 

Một trong những điểm chú ý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được Quốc hội thông qua có quy định về xếp loại chất lượng cán bộ và xếp loại chất lượng công chức.

Cụ thể, về xếp loại chất lượng cán bộ, luật quy định 4 mức gồm: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Hoàn thành nhiệm vụ và Không hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả xếp loại chất lượng cán bộ được lưu vào hồ sơ cán bộ, thông báo đến cán bộ được đánh giá và công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ công tác.

Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ đối với cán bộ có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Tương tự, việc xếp loại chất lượng công chức cũng có 4 mức như xếp loại chất lượng cán bộ. Những công chức không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp có thể bị buộc thôi việc.

Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có 2 năm không liên tiếp trong thời hạn bổ nhiệm được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì bố trí công tác khác hoặc không bổ nhiệm lại.

Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong 3 năm có 2 năm không liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí việc làm đang đảm nhận, thì bố trí vào vị trí việc làm có yêu cầu thấp hơn.

Luật quy định 6 hình thức kỷ luật đối với công chức gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc. Trong đó, hình thức giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Công chức không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp có thể bị buộc thôi việc

Kết quả biểu quyết

Về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ, khoản 2 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Luật Cán bộ, công chức theo hướng: Nhà nước có chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng; Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ; Căn cứ vào quy định của Chính phủ, người đứng đầu cơ quan quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 39 của Luật này quyết định chế độ trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do tỉnh quản lý.

Kéo dài thời hạn của hợp đồng từ 36 lên 60 tháng

Về các loại hợp đồng làm việc, Luật quy định rõ hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12-60 tháng.

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với trường hợp: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật này; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết có ý kiến đề nghị quy định theo hướng viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn tối đa hai lần sẽ ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn để bảo vệ quyền lợi của người lao động; thu hút lao động có trình độ cao, bảo đảm công bằng trong áp dụng chế độ viên chức, tương thích với quy định của Bộ luật Lao động.

Có ý kiến đề nghị kéo dài thời hạn của hợp đồng để phù hợp hơn với tính chất công việc tương đối ổn định của viên chức và tương ứng với quy định về thời gian bổ nhiệm, thời gian thực hiện một số loại công việc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy quy định về thực hiện chế độ hợp đồng làm việc xác định thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới trong dự thảo Luật là thể chế hóa Nghị quyết Trung ương.

Quy định này áp dụng đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày Luật này có hiệu lực (1/7/2020); viên chức đã được tuyển dụng trước đó cơ bản không có sự thay đổi về chế độ hợp đồng làm việc so với hiện hành. Việc quy định như vậy là phù hợp với Điều 240 của Bộ luật Lao động hiện hành và Điều 220 của Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được chỉnh lý nội dung khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật theo hướng kéo dài thời hạn của hợp đồng làm việc từ 36 tháng như Luật hiện hành lên 60 tháng và quy định một số trường hợp được ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn (như đối với người là cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức hoặc viên chức công tác tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn); bổ sung khoản 3 Điều 2 (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 28 của Luật Viên chức hiện hành về ký kết tiếp, chấm dứt hợp đồng làm việc) quy định trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhu cầu, viên chức đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải tiếp tục ký kết hợp đồng làm việc với viên chức; trường hợp không ký tiếp hợp đồng làm việc với viên chức thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công chức không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp có thể bị buộc thôi việc