Con người là quan trọng nhất trong việc triển khai cơ chế tự chủ ĐVSNCL

Lan Trần| 22/04/2018 14:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là ý kiến được PGS-TS Bùi Thị An- Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đưa ra tại buổi trao đổi với PV Báo điện tử Công lý.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP về Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp đó, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 439/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá của các Bộ ngành và địa phương, đến nay tỷ lệ các đơn vị tự đảm bảo kinh phí hoạt động còn thấp, việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, chưa có bước chuyển biến có tính đột phá.

Con người là quan trọng nhất trong việc triển khai cơ chế tự chủ ĐVSNCL

PGS-TS Bùi Thị An

Giải quyết vấn đề này như thế nào, làm thế nào để đạt được mục tiêu theo đề ra là một bài toán không dễ dàng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Công lý đã có buổi trao đổi với PGS-TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

PV: Hiện nay việc triển khai cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đang được đánh giá là khá chậm. Bà nhận xét gì về điều này?

PGS-TS Bùi Thị An: Thực tế từ năm  2005, đã bắt đầu vấn đề tự chủ ở các trường và các viện nghiên cứu. Nhưng việc thực hiện rất chậm. Cho đến bây giờ  có rất nhiều viện, trường chưa muốn tự chủ, đặc biệt là viện theo hình thức sự nghiệp công lập.

Vì sao lại chậm như thế? Đó là tâm lý mọi người từ xưa đến nay muốn trông chờ vào nhà nước, nên ngại ra bởi tưởng sẽ bị cắt hoàn toàn, mọi thứ phải tự lo, mọi điều phải tự chủ hết. Nhưng đấy là quan điểm đang hiểu sai. Tự chủ ở đây không phải là nhà nước không quản, không tạo điều kiện nữa mà nhà nước vẫn tạo điều kiện. Trong quy hoạch chung nhà nước sẽ cho phép tự chủ công tác chuyên môn, tự chủ định hướng nghiên cứu, về tổ chức, tự chủ về tài chính. Nếu giải quyết được mục tiêu đấy thì sẽ đỡ cho nhà nước được rất nhiều. Nguồn chi ngân sách sẽ giảm, bớt được gánh nặng cho dân.

Mọi người ngại ra bởi nhà nước đang bao cấp toàn bộ, nào lương, nào địa điểm, phương tiện … Nhưng cũng có những đơn vị ra tự chủ rất nhanh và đã tồn tại, phát triển được. Điều này cũng thể hiện được năng lực lãnh đạo của đơn vị đó bởi khi ấy thực sự là cạnh tranh một cách bình đẳng trên thị trường.

Nếu ra tự chủ, nhà nước vẫn giao nhiệm vụ để trả tiển. Tất cả các đơn vị đều như vậy, chỉ có điều đơn vị sẽ phải quản chặt để lấy thu bù chi. Các đơn vị sự nghiệp công lập khi nhà nước giao nhiệm vụ thì nhà nước vẫn trả tiền, vẫn tạo điều kiện. Tuy nhiên tâm lý nặng nề từ xưa đến nay, thói quen bao cấp từ A đến Z, giờ tự lo thì không ai muốn. Nhà nước đáng ra phải kiểm tra giám sát luôn, nếu đơn vị nào đủ điểu kiện thì phải ra tự chủ, nếu không ra phải có chế tài.

PV: Để thực hiện được cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, theo bà điều kiện quan trọng nhất là gì?

PGS-TS Bùi Thị An: Theo tôi, quan trọng nhất là con người, đặc biệt là người lãnh đạo đơn vị. Để có thể tự chủ, cần người lãnh đạo đơn vị phải giỏi về quản trị, giỏi về tầm nhìn chuyên môn, giỏi về công tác tổ chức thực hiện và giỏi về tập hợp lực lượng…

Để có thể tìm được người tài, người giỏi thì phải tính xem tuyển chọn con người như thế nào, quy chế nào, cơ chế nào để tuyển chọn người vào đúng vị trí, đúng năng lực. Đây là cả một nghệ thuật của người lãnh đạo cấp trên, đồng thời cả quyền của người cấp dưới.

Một vấn đề cũng quan trọng là vị trí nào cũng phải có tiêu chí rõ ràng. Ví dụ tiêu chí trưởng cấp huyện  phải thế nào, cấp tỉnh, cấp  trung ương phải có tiêu chí tương đương ra sao. Tiêu chí tuyển chọn cần công khai minh bạch. Phải có hội đồng tuyển dụng và đây phải là những người công tâm thì mới chấm được và chấm cần công khai. Thậm chí cho tranh luận công khai thì sẽ tuyển được người tài. Và ngay cả khi vào làm việc, nếu không chứng minh  được năng lực cũng phải cho thôi.

Tôi tin chắc rằng minh bạch trong công tác tuyển chọn sẽ tuyển dụng được người tài. Cho ra tự chủ sẽ bộc lộ được người tài và người tài sẽ có đất để phát triển.

Trong quá trình làm việc thì cần minh bạch trong đánh giá năng lực cán bộ. Tiêu chí đánh giá cũng như quá trình đánh giá cần công khai. Nếu ai không đảm nhiệm được nhiệm vụ thì phải thôi.

PV: Thực tế hiện nay ở một số đơn vị y tế  mới được giao tự chủ về mặt tài chính. Ý kiến của bà về việc này như thế nào?

PGS-TS Bùi Thị An:Theo tôi, đã giao tự chủ thì nên giao tự chủ đồng bộ. Giao cơ chế tự về tài chính thì cũng phải cho phép lãnh đạo đơn vị được tuyển chọn nhân sự.

Nếu không giao tự chủ về nhân sự thì có tâm lý là đã vào biên chế thì không ra, điều này rất mệt cho người thủ trưởng. Do đó, đã giao quyền tự chủ về tài chính thì nên giao luôn tự chủ về biên chế, còn công tác chuyên môn thì tất nhiên theo quản lý của ngành dọc. Nếu có đủ quyền tự chủ thì lãnh đạo đơn vị mới có đủ quyền để thực hiện được.

Lãnh đạo đơn vị phải tự chịu trách nhiệm với những trách nhiệm họ được giao, và họ tự chịu trách nhiệm với những kết quả họ thực hiện được.

Thực tế từ bao cấp sang không đơn giản và rõ ràng là khó. Thế nên mới có lộ trình, nhưng lộ trình không nên kéo dài quá. Nếu kéo dài làm cho con người trì trệ.

PV: Theo bà việc tinh giản biên chế đóng vai trò ra sao trong trong quá trình đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập?

PGS-TS Bùi Thị An: Rõ ràng việc tinh giản biên chế là rất cần thiết và việc tinh giản biên chế trong quá trình đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là cơ sở để tổ chức lại hệ thống các đơn vị này. Tuy nhiên trên thực tế, để có thể thực hiện tinh giản biên chế thành công cần nhiều quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là của người lãnh đạo mỗi đơn vị.

Đây là việc khá khó khăn bởi tâm lý người Việt Nam khi giảm thì giảm ai vì từ xưa đến nay việc đánh giá đã không rõ ràng. Trong phân công công việc cũng không rõ . Thực tế có những người không làm được việc thì muốn ở lại biên chế bởi ở đó có sự “ổn định” về lương, về bảo hiểm…và tâm lý này vẫn rất nặng nề. “Do đó muốn giảm biên chế thì phải giao nhiệm vụ cho từng vị trí cụ thể mới đánh giá được chuẩn xác và công bằng và thực tế cũng đòi hỏi sự công bằng.

Việc giảm biên chế là bài toán không dễ đối với thủ trưởng đơn vị. Chỉ người lãnh đạo nào thực sự giỏi, thực sự kiên quyết, bản lĩnh thì mới dám thực hiện quyết liệt việc tinh giảm biên chế, còn nếu sợ phản ứng thậm chí bị ảnh hưởng đến “mất ghế” thì sẽ không làm được.

Vì thế, nên giao nhiệm vụ, định rõ vị trí và người làm việc phải thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở được giao. Khi có sự đối chiếu với nhiệm vụ được giao và thực tế đã làm thì sẽ tạo ra sự minh bạch về đánh giá. Trên cơ sở đó mới giảm được biên chế một cách công minh và người bị giảm tâm phục khẩu phục.

Chỉ có tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy, đưa ra nhiều đơn vị tự chủ thì mức lương của từng công chức mới được nâng lên và họ yên tâm làm việc. Còn với số biên chế lớn và tổng chi nhiều như hiện nay thì không thể đủ được.

PV: Ở thời điểm hiện tại, để đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ cần sự hỗ trợ gì từ nhà nước?

PGS-TS Bùi Thị An: Tự chủ không phải là nhà nước mang con đi bỏ chợ mà vẫn theo định hướng. Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ và đó là hỗ trợ cơ chế. Trước đó thì đã hỗ trợ về cơ sở vật chất. Hỗ trợ về mặt cơ chế là cơ chế để đơn vị sự nghiệp công lập nhận nhiệm vụ xứng đáng, nhà nước tạo điều kiện để đơn vị sự nghiệp công lập nhận nhiệm vụ nhà nước giao.

Dĩ nhiên việc chuyển đổi đương nhiên có khó khăn, nhưng với những người giỏi họ không ngại và người giỏi sẽ không để giai đoạn khó khăn kéo dài. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, cái gì bất cập thì sửa cho đồng bộ. Thực tế phát triển rất nhanh và có khi luật còn đi sau cho nên cái gì không đồng bộ về luật, về cơ chế thì đề nghị chỉnh vì mỗi giai đoạn có yêu cầu khác nhau. Cái gì không phù hợp chính bản thân các ngành nêu vấn đề lên để đề nghị sửa. Thậm chí có thể trình Quốc hội sửa cả Luật.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con người là quan trọng nhất trong việc triển khai cơ chế tự chủ ĐVSNCL