Còn lãng phí trong đầu tư công cả ở chủ trương và thực hiện

Mai Thoa| 22/04/2020 17:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 22/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã nghe chính phủ báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2019.

Thực hiện tốt các chính sách, năng lực cạnh tranh vượt trội

Báo cáo trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) trên tất cả các lĩnh vực.

Còn lãng phí trong đầu tư công cả ở chủ trương và thực hiện

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Công tác THTK,CLP trong cả nước có những chuyển biến tích cực, có đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2019, ổn định kinh tế vĩ mô. Năng lực cạnh canh của nước ta được cải thiện vượt bậc, tăng 10 bậc so với năm 2018.

Việc cơ cấu lại nền kinh tế tiếp tục được triển khai thực hiện quyết liệt, bám sát nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, đạt được những kết quả quan trọng. Tăng trưởng kinh tế dần dịch chuyển sang chiều sâu; năng suất lao động tăng 6,2%, vượt mục tiêu đề ra; tỷ trọng đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng lên mức 46% cao hơn năm 2018 (43,3%); vốn FDI đạt kỷ lục 20,4 tỷ USD... Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2018, xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Công tác đổi mới, sắp xếp, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp tiếp tục được đẩy mạnh. Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử được triển khai tích cực, hướng tới nền hành chính công khai, minh bạch, thông suốt, hiệu quả…

Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai, thực hiện mạnh mẽ hơn, có tác động cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, nghiêm trọng tiếp tục được phát hiện, xét xử nghiêm minh. Tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm…

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, như: Việc thực thi một số chủ trương, chính sách, pháp luật có lúc, có lĩnh vực chậm đi vào cuộc sống; giải ngân vốn đầu tư công chậm. Còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức sách nhiễu, gây phiền hà trong xử lý công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp,...

Nguyên nhân chủ yếu do tinh thần trách nhiệm, ý thức nêu gương của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; kỷ luật, kỷ cương một số nơi bị buông lỏng, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý, thực thi chính sách chưa cao.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, năm 2020, Chính phủ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”; quan điểm chỉ đạo, điều hành là vừa thực hiện quyết liệt chống dịch bệnh Covid-19, vừa kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nỗ lực phấn đấu cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng và các chỉ tiêu KT-XH…

Còn lãng phí trong đầu tư công

Thẩm tra báo cáo, Thường trực Ủy ban TCNS cơ bản tán thành với nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, công tác THTK,CLP năm 2019 tiếp tục có những chuyển biến tích cực ở trên mọi lĩnh vực, góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn các nguồn lực của đất nước cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là: Báo cáo còn chung chung; chưa thuyết minh cụ thể việc xử lý vi phạm trong THTK,CLP; chưa đánh giá, so sánh một số chỉ tiêu so với mục tiêu đặt ra năm 2018, kể cả các mục tiêu lượng hóa được.

Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng xin lùi, rút dự án khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn tiếp tục diễn ra; một số cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, dễ bị lợi dụng, dễ nảy sinh tham nhũng. Một số Luật đã có hiệu lực thi hành nhưng nợ văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, còn thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất cập nhưng chậm được cắt giảm.…

Còn lãng phí trong đầu tư công cả ở chủ trương và thực hiện

Quang cảnh phiên họp

Việc cơ cấu lại ngân sách và kỷ luật thu chi ngân sách đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn bất cập, hạn chế. Chưa báo cáo đầy đủ số liệu nợ đọng thuế năm 2019; tỷ lệ huy động thuế, phí so với GDP có xu hướng giảm và không đạt được yêu cầu do Quốc hội đề ra dẫn đến cơ cấu thu NSNN không bền vững. Việc chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư, tỷ lệ giải ngân có xu hướng giảm; chậm giao vốn, giao làm nhiều đợt và chậm điều chỉnh vốn ĐTPT;

Việc tinh giản biên chế các cơ quan hành chính nhà nước, đẩy mạnh tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi ngân sách còn bất cập, cụ thể ở một số bộ, ngành, địa phương thực hiện còn chậm, thiếu đồng bộ, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ…

Phát biểu ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, báo cáo của Chính phủ mới tập trung nhiều ở lĩnh vực công, trong khi mục tiêu của Luật THTK, CLP còn hướng đến cả ở khu vực của xã hội, của người dân.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong đầu tư công hay chi tiêu công không chỉ có lãng phí khi chi tiền mà còn từ khâu chủ trương, lãng phí từ chủ trương cho tới thực hiện. Khi có chủ trương đúng nhưng thực hiện chậm, kéo dài, giải ngân không được coi như lãng phí. Nếu tiết kiệm được thời gian dẫn đến tiết kiệm được sức lao động, nhân lực và tiết kiệm tiền bạc bỏ ra, chi phí sẽ giảm…

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, hiện nay lễ hội quá nhiều, mặc không sử dụng ngân sách nhưng huy động của xã hội, tiền của doanh nghiệp tiền đóng góp của các tổ chức, cá nhân thì vẫn là lãng phí. Do vậy cần lập lại trật tự trong lĩnh vực lễ hội, kể cả việc huy động, để tất cả những nguồn lực đó dành cho dân, cho cuộc sống của Nhân dân, giảm bớt những tiêu dùng xa xỉ nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, công tác điều hành của Chính phủ có nhiều tiến bộ và công tác THTK,CLP năm 2019 đạt được những kết quả tích cực hơn so với năm 2018 trên tất cả lĩnh vực.

Tuy nhiên, UBTVQH thấy rằng cần phải phân tích sâu hơn một số tồn tại, hạn chế trong điều hành của một số cấp, ngành, dẫn tới chưa thật sự tạo điều kiện cho hoạt động của các doanh nghiệp, dẫn tới lãng phí cho xã hội, cho doanh nghiệp; nghiêm khắc phê bình các bộ, ngành đến nay vẫn chưa có báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Qua thảo luận UBTVQH cũng đã nhấn mạnh thêm: Công tác triển khai đầu tư công làm chưa tốt, triển khai đầu tư công chậm, giải ngân chậm, kỷ luật tài chính tuy tiến bộ nhưng vẫn chưa nghiêm, vi phạm về kinh tế còn lớn; quản lý tài sản công thì chưa thật chặt chẽ, quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ rừng cũng chưa thật tốt. Các chính sách, thủ tục hành chính chưa thật sự cải cách một cách tích cực. Xử lý các tồn tại, yếu kém, nhất là trong doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm. Vấn đề lễ hội cũng cần phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

UBTVQH đề nghị Chính phủ cần thực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách quyết liệt hơn, phải tập trung để giải quyết tốt các tồn tại, yếu kém đã diễn ra trong năm 2019; Chính phủ, Ủy ban Tài chính sách- Ngân sách trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh lại báo cáo để gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn lãng phí trong đầu tư công cả ở chủ trương và thực hiện