Cơ quan nhà nước nhận quà tặng từ doanh nghiệp và góc nhìn pháp lý

Mai Thoa| 28/02/2017 09:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc Đà Nẵng, Cà Mau nhận xe ô tô hạng sang do doanh nghiệp (DN) tặng mới đây đã dấy lên dư luận nhiều chiều. Vậy nhìn từ góc độ pháp lý, việc tặng cho này có gì sai hay không?

Những quà tặng tiền tỷ

Liên quan đến việc DN tặng xe hơi cho Cà Mau và Đà Nẵng, mới đây lãnh đạo hai địa phương này đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Theo ông Đào Tấn Bằng, Chánh Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, hiện Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng đang quản lý 4 ô tô do các DN tặng. Ngoài chiếc xe mà Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đang sử dụng thì 3 chiếc khác được phân về cho Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP, Văn phòng HĐND TP và Văn phòng Thành ủy mỗi nơi một chiếc. Ngoài 4 xe trên, UBND TP Đà Nẵng còn đang quản lý 4 ô tô khác, tất cả đều của DN trao tặng.

Cùng thời điểm, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã có báo cáo khẩn gửi Thủ tướng về những thông tin mà báo chí nêu về 2 chiếc Lexus được tặng. Báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau do ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - ký, nêu rõ: việc nhận 2 xe Lexus do Công ty TNHH Xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý) là không vì vụ lợi cá nhân và được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định hiện hành.

Theo như lãnh đạo tỉnh Cà Mau thì thời điểm Công ty Công Lý tặng xe, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang xảy ra hạn hán gay gắt. Mục đích của việc tặng xe cho tỉnh là để phục vụ công việc như đi kiểm tra chỉ đạo đê, kè, khắc phục tình trạng hạn hán kéo dài, phòng chống lụt bão, phòng chống cháy rừng... Chứng từ thể hiện cả hai xe đều có giá trên 3 tỷ đồng mỗi chiếc.

Cơ quan nhà nước nhận quà tặng từ doanh nghiệp và góc nhìn pháp lý

Một trong những chiếc ô tô mà DN tặng cho chính quyền Đà Nẵng

DN là đơn vị hoạt động kinh doanh nên mục đích trước tiên phải vì lợi nhuận (trừ các DN công ích), nên việc tặng xe giá trị hàng tỷ đồng cho cơ quan nhà nước khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Theo Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ Phạm Trọng Đạt, Quyết định số 64 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức nhận quà tặng khi cơ quan, đơn vị và cá nhân tặng quà có liên quan đến hoạt động công vụ do mình hoặc người mà mình nhận thay chịu trách nhiệm giải quyết (trước, trong và sau khi thực hiện công vụ) hoặc thuộc phạm vi quản lý. Tuy nhiên, có trường hợp vẫn được phép nhận quà với điều kiện phải làm đúng thủ tục, quy trình: Khi nhận phải thông báo cho cơ quan thẩm quyền việc nhận quà, động cơ, mục đích của việc nhận quà.

Tuy nhiên, trường hợp cụ thể DN tặng xe sang cho địa phương, chúng ta không thể vội vàng kết luận điều gì, vì dù sao những chiếc xe đó đều được đưa vào tài sản công và dùng vì mục đích chung của chính quyền. Vì thế, cần có giai đoạn xác minh, làm rõ động cơ, mục đích, xem sau khi nhận quà chính quyền có cho DN dự án, ưu ái gì không…

Không sai nhưng cũng có thể bị biến tướng

Theo LS Nguyễn Quang Anh, Công ty Luật TNHH Sao Việt, việc tặng, biếu quà này cũng cần phải xét cả hai mặt của vấn đề, đó là: có những cá nhân, tổ chức thực sự muốn đóng góp tài sản của mình cho xã hội, họ không cần bất kỳ lợi ích nào. Như vậy thì không trái quy định và nên ủng hộ; còn mặt thứ hai là vì lợi ích riêng mà tặng quà như một hình thức hối lộ trá hình cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và như vậy thì cần phải xem xét.

Thông lệ quốc tế nói chung quy định rất cụ thể về vấn đề  này. Như ở Mỹ, để Tổng thống Mỹ chấp nhận một món quà, có hai vấn đề cần cân nhắc đó là: Ai tặng quà và nó có giá trị bao nhiêu? Nếu món quà từ một chức sắc nước ngoài thì Hiến pháp Mỹ quy định cấm Tổng thống hay bất cứ nhân viên liên bang nào nhận quà mà không có sự đồng ý của Quốc hội. Tuy nhiên, trước đây Quốc hội Mỹ nhìn chung vẫn cho phép nhận quà tặng có "giá trị tối thiểu" từ các Chính phủ nước ngoài như là một cử chỉ lịch sự để làm tài sản riêng. Mức tối thiểu này được điều chỉnh ba năm một lần, và được chốt ở mức không quá 375 USD vào năm 2014. Hiện tại, Tổng thống Mỹ cũng như mọi nhân viên liên bang khác không được phép nhận bất cứ món quà ngoại giao nào làm của riêng mà phải nộp lại cho Cục Lưu trữ quốc gia và sau đó chuyển về Thư viện Tổng thống khi hết nhiệm kỳ. Các Tổng thống cũng như các quan chức liên bang của Mỹ nếu muốn vẫn có thể sở hữu những món quà đó bằng cách bỏ tiền túi để mua lại với giá thị trường.

Còn đối với quà tặng cá nhân từ công chúng Mỹ, Tổng thống thường được phép nhận quà nhưng phải liệt kê trong báo cáo tài chính nếu nó có giá trị vượt quá 350 USD, để đảm bảo minh bạch.

Cũng theo LS Nguyễn Quang Anh, pháp luật Việt Nam không cấm các cá nhân, tổ chức, DN tặng quà cho các cơ quan, tổ chức đơn vị nhà nước trong trường hợp họ không có bất kỳ lợi ích nào liên quan đến cơ quan nhà nước này, không có mục đích cá nhân trong đó. Tuy nhiên, việc tặng biếu này phải được thực hiện đúng quy định tại Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 64/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Còn theo LS Nguyễn Minh Long, Công ty Luật Dragon - Đoàn Luật sư Hà Nội: DN tặng cho tài sản không có gì sai nếu việc tặng cho đó vô tư khách quan. Tuy nhiên, đối với việc này có hai hàm ý là: đối với DNNN theo văn bản quy định về quà tặng thì dưới bất kỳ hình thức nào cũng là quà tặng như vậy sẽ bị cấm. Vì thực tế thường thì DN không thể tặng một món quà lớn như vậy mà không đi kèm một lợi ích nào đó.

Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định số 64/2007/QĐ-CP ban hành về Quy chế tặng quà, nhận quà của cơ quan đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước, trong đó nêu rõ nghiêm cấm việc tặng quà dưới bất kỳ hình thức nào. Nên việc tặng quà đúng hay sai cần xem xét trong trường hợp nào có vụ lợi hay không và phải xem xét tầm ảnh hưởng của cơ quan, hoặc cá nhân đó với DN.

Trường hợp tặng quà là đúng khi các bên hoàn toàn tự nguyện trao tặng tài sản cho nhau vì đây là giao dịch dân sự phù hợp với chế định tặng cho được quy định tại Điều 457, Điều 458, Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015 của các đương sự với nhau nếu có văn bản, hợp đồng. Tặng quà sẽ là sai trong trường hợp được hiểu là nhằm mục đích trục lợi, hối lộ hoặc “rửa tiền”  nhằm hợp thức hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, hành chính… Do các tài sản là nhà, xe và các tài sản khác có giá trị đắt tiền là những tài sản có giá trị lớn.

Các luật sư cũng cho rằng, các tài sản là nhà, xe và các tài sản khác có giá trị đắt tiền là những tài sản có giá trị lớn. Bởi vậy, dưới hình thức tặng cho nhau dễ nảy sinh các quan hệ nhằm mục đích trục lợi, hối lộ… Bởi vậy, cần có cơ chế giám sát của HĐND hoặc Đoàn Đại biểu Quốc hội tại địa phương.

Còn theo ông Phạm Trọng Đạt, nếu thực sự không bị xung đột lợi ích thì việc DN tặng quà cho địa phương để sử dụng vào mục đích chung và có lợi cho xã hội, cho nhân dân ở đó thì rất tốt, nhưng phải hết sức minh bạch, công khai. Nhưng ngược lại, nếu xung đột lợi ích và vẫn nhận quà thì gây nhiều hệ lụy, mất uy tín và để lại dư luận không hay. Cho nên phải xem xét cặn kẽ vì có thể việc tặng quà cũng là một hình thức biến tướng của hối lộ, tham nhũng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ quan nhà nước nhận quà tặng từ doanh nghiệp và góc nhìn pháp lý