Cơ chế đặc thù phát triển TPHCM: Không cam kết bổ sung ngân sách cho TP

Ngọc Mai| 21/11/2017 09:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ nay đến năm 2020, Thành phố vẫn tiếp tục điều tiết về Trung ương với tỷ lệ hiện hành, ngân sách Trung ương cũng không cam kết bổ sung thêm cho Thành phố', Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định tại phiên thảo luận QH ngày 20/11.

Họp phiên toàn thể tại hội trường ngày 20/11, Quốc hội đã thảo luận dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP Hồ Chí Minh.

Yêu cầu mang tính khách quan

Phân tích sự cần thiết một cơ chế chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng: TP Hồ Chí Minh đang đối mặt với 5 thách thức lớn mà nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù thì không thể giải quyết được. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển của TP là kết cấu hạ tầng không theo kịp, cản trở phát triển. Thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu thời gian gần đây giảm. Tỷ lệ ngân sách giữ lại cho phát triển thấp. Tỷ lệ người nghiện ma túy, vi phạm pháp luật cao nhất cả nước. Tỷ suất sinh thấp nhất cả nước.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thời gian tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP sẽ giảm sút liên tục. Cụ thể, nếu tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2006 - 2010 là 11,4%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 là 9,72%/năm, theo dự báo giai đoạn 2016 - 2020 chỉ 7,55%, giai đoạn 2021 - 2025 là 6,72%, dự kiến giai đoạn 2025 - 2030 là 6,36%. Thực tế 5 năm qua, từ 2011 - 2015 cho thấy, kinh tế TP đã ra khỏi giai đoạn tăng trưởng 2 con số, hơn 10%/năm (1996 - 2010) và sẽ giảm dần chỉ còn hơn 6% vào năm 2030.

Xuất phát từ thực trạng trên, việc QH ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết, không chỉ đối với TP Hồ Chí Minh, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn cần thiết đối với cả nước, phù hợp với Nghị quyết 16 ngày 16.8.2012 và Kết luận số 21 ngày 24.10.2017 của Bộ Chính trị về giải pháp để phát triển TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Mặt khác, theo tính toán của UBND TP Hồ Chí Minh, nếu QH có Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh thì dự báo cho thấy sẽ làm tăng trưởng kinh tế của TP thoát khỏi xu thế suy giảm, làm tốt hơn vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, qua đó đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước.

Cụ thể, nếu có cơ chế đặc thù thì khả năng tăng trưởng kinh tế của TP giai đoạn 2021 - 2025 là 8,13% và giai đoạn 2026 - 2030 là 8,67%. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030 TP sẽ có đóng góp thêm cho ngân sách nhà nước 632.910 tỷ đồng, tương đương 57% tổng thu ngân sách cả nước vào năm 2016 là 1.101.377 tỷ đồng.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu ý kiến, TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt có quy mô dân số và mật độ dân số lớn nhất, có thu nhập đầu người cao nhất, là địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước. Những chính sách hiện hành cho TP Hồ Chí Minh đã không còn phù hợp mà đã bộc lộ sự kìm hãm không tạo điều kiện cho Thành phố phát huy các tiềm năng lợi thế để phát triển.

Do đó, các cơ chế chính sách đặc thù cho Thành phố là yêu cầu mang tính khách quan. Quốc hội đang xem xét cơ chế chính sách đặc thù cho các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thì đối với TP Hồ Chí Minh phải được xem là đặc thù của đặc thù. Có cơ chế chính sách đặc thù thì mới tạo điều kiện cho TP Hồ Chí Minh phát huy hơn nữa tiềm năng lợi thế của sự năng động, chủ động sáng tạo, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của cả nước chung của cả nước.

Cân nhắc, đánh giá tác động khi tăng chính sách thuế

Một trong những vấn đề mà các ĐBQH quan tâm đó là việc quy định thí điểm tăng mức thuế, thuế suất cao hơn so với quy định của các sắc thuế hiện hành. Các đại biểu cơ bản đồng tình với việc thí điểm này nhưng cũng đề nghị cân nhắc cho phép điều chỉnh tăng thuế suất của tất cả sắc thuế. Đồng thời, cần nghiên cứu thận trọng việc điều chỉnh tăng mức thuế ở một số sắc thuế có tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh và môi trường.

Đồng tình với việc tăng một số chính sách thuế, tuy nhiên để bảo đảm ổn định, không gây ra những xáo trộn lớn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng, cần cân nhắc, đánh giá tác động khi tăng chính sách thuế. Đồng thời, cần phải có quy định rõ, tăng ở mức độ nào? Bởi nếu tăng thuế tràn lan sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, khuyến khích đầu tư vào Thành phố, nhất là khuyến khích phát triển chủ trương khởi nghiệp.

Đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) cho rằng, các chính sách về thuế, phí và lệ phí đều quy định theo hướng tăng lên và mở rộng nhưng Nghị quyết không giao cho Thành phố Hồ Chí Minh quyết định tất cả mà chỉ chủ trương mức trần tăng 25% đối với thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Thành phố sẽ soạn thảo, chuẩn bị và báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Việc thí điểm áp dụng trên địa bàn thành phố, thí điểm về thuế tài sản vẫn do Quốc hội quy định. Quy định này không trái Hiến pháp và vẫn đảm bảo thận trọng. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, các chính sách về thuế, phí cần triển khai theo hướng mở rộng đối tượng thu hơn là tăng tỷ lệ hoặc mức thu. Đồng thời cần tận dụng triệt để các loại thuế và lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân Thành phố quy định tại Luật phí và lệ phí. Mặt khác, thí điểm về thuế tài sản thì không cần thiết giới hạn tài sản là nhà đất, vì vẫn còn là chủ trương và do Quốc hội sẽ xem xét quyết định.

Thống nhất phương án thí điểm tăng thuế suất, thu thuế tài sản, sau đó tổng kết nhân rộng và không tăng tất cả các loại thuế, đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc tăng nhiều loại thuế sẽ là lợi thế trước mắt, nhưng sẽ không mang lại tính hiệu quả lâu dài. Đối với thuế tài sản, đại biểu đề nghị không chỉ thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh mà đề nghị Chính phủ cân nhắc thí điểm tại cả Thành phố Hà Nội.

Còn theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), việc áp dụng thí điểm chính sách về thuế đối với Thành phố Hồ Chí Minh nên được tổng kết đầy đủ và ban hành một luật thuế mang tính khả thi nhằm áp dụng đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần tính toán trường hợp nếu không áp dụng trên phạm vi toàn quốc thì những người đã nộp thuế tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ được tính toán như thế nào?.

Cũng theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, những điều kiện cần và đủ chưa thực sự mang tính đồng bộ, do đó, để áp dụng thí điểm chính sách về thuế tài sản đối với Thành phố cần phải hết sức thận trọng nhằm đảm bảo chính sách ban hành phù hợp với lòng dân.

Không cam kết bổ sung thêm ngân sách cho Thành phố

Làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nhất, đầu tàu cả nước, chiếm 1/5 GDP và tốc độ tăng trưởng cao gấp 1,6 lần cả nước. Số DN chiếm 1/3 cả nước. Thành phố có cơ cấu kinh tế hiện đại, 99% là khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Cơ chế đặc thù phát triển TPHCM: Không cam kết bổ sung ngân sách cho TP

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo, làm rõ vấn đề ĐBQH quan tâm tại Hội trường

Dự toán 2018, Quốc hội giao cho TP Hồ Chí Minh là 376.000 tỷ đồng, tức để hoàn thành dự toán, Thành phố phải thu trên 1.000 tỷ/ngày. Như vậy, Thành phố chỉ nhận phấn đấu tăng thêm 1% thì gánh nặng giao thu sẽ giảm cho rất nhiều địa phương khác.

Tuy nhiên, ông Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, khi xây dựng dự thảo Nghị quyết, đã bàn và thống nhất với Thành phố để các cơ chế chính sách này cơ bản không làm thay đổi các cân đối lớn về NSNN và nợ công trong kế hoạch tài chính 5 năm, cũng như kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020, không ảnh hưởng phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các bộ, ngành, địa phương.

“Từ nay đến năm 2020, Thành phố vẫn tiếp tục điều tiết về Trung ương với tỷ lệ hiện hành, ngân sách Trung ương cũng không cam kết bổ sung thêm cho Thành phố. Thực tế, dù chúng ta muốn cũng khó khăn, không làm được khi ngân sách rất khó khăn” – Bộ trưởng nói.

Về giá trị vốn Nhà nước tại 39 DN do Thành phố quản lý trong danh sách phải cổ phần hoá giai đoạn 2016 – 2020 thì giá trị sổ sách khoảng 42.000 tỷ đồng, Thành phố dự kiến thu 67.000 tỷ đồng từ cổ phấn hoá. “Chúng tôi cho rằng, giai đoạn tới, khi kinh tế Thành phố mạnh hơn thì số thu từ cổ phần hoá không chỉ là 20.000 tỷ đồng mà có thể gấp nhiều lần số này. Khi đó, theo dự thảo Nghị quyết, phần để lại sẽ là nguồn lực đáng kể để Thành phố thực hiện nguồn lực của mình”.

Việc tăng dư nợ vay đảm bảo cho Thành phố có thêm dư địa vay và phù hợp chủ trương đẩy mạnh cơ chế cho vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài thay vì cấp phát như hiện nay. Dự kiến, theo các Hiệp định đã ký, Thành phố vay lại từ nguồn này khoảng 1 tỷ USD để đầu tư cho cơ sở hạ tầng trọng điểm. Hàng năm, căn cứ trần nợ công được Quốc hội quyết định, Bộ sẽ tổng hợp nhu cầu vay của địa phương để trình Quốc hội quyết định, bảo đảm việc tăng mức vay của Thành phố được đặt trong quan hệ nhu cầu vay, bội chi của địa phương khác và yêu cầu đảm bảo an toàn nợ công trong giới hạn.

“Mong muốn Quốc hội ủng hộ thông qua Nghị quyết, tạo điều kiện cho TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh hơn, hiện đại, đóng góp nhiều hơn vào GDP cả nước. Khi đó không chỉ Thành phố thuận lợi mà cả nước nói chung cũng thuận lợi”, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế đặc thù phát triển TPHCM: Không cam kết bổ sung ngân sách cho TP