Chưa có chế tài đối với tổ chức, cá nhân cản trở nhà báo tác nghiệp

Nguyên Bình (ghi)| 26/11/2015 23:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bên lề kỳ họp, ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang, Phó Tổng Biên tập Báo Khoa học Phổ thông, Ủy viên BCH Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ ý kiến của mình xung quanh dự án Luật Báo chí (sửa đổi).

PV: Lâu nay chúng ta chỉ có các quy định xử phạt khi báo chí vi phạm mà ít có chế tài xử lý đối với việc cản trở tác nghiệp của báo chí, hay cung cấp thông tin cho báo chí. Dự thảo Luật lần này cũng chưa giải quyết được vấn đề đó khi chủ yếu quy định xử phạt báo chí khi vi phạm?

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang: Đúng là lâu nay việc xử phạt báo chí vi phạm đã có nhiều quy định, nhưng quy định về việc tổ chức, cá nhân cản trở quyền tác nghiệp của các nhà báo, cản trở hoạt động hợp pháp của báo chí thì chưa có chế tài. Chính vì vậy, tôi đề nghị cần quy định trong dự thảo Luật này việc xử lý nghiêm những trường hợp cản trở việc tác nghiệp của nhà báo bằng cách xử lý vi phạm hành chính, nếu trường hợp nghiêm trọng hơn thì phải xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

Chưa có chế tài đối với tổ chức, cá nhân cản trở nhà báo tác nghiệp

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang

Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ hơn về quy chế người phát ngôn với cơ quan báo chí. Và, để thực hiện quy chế đó cũng cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý về truyền thông để các cơ quan tổ chức khác phải cung cấp thông tin cho báo chí một cách kịp thời. Như vậy mới xử lý được việc cản trở tác nghiệp của nhà báo. Khi có vụ việc xảy ra thì các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải nhanh chóng vào cuộc, điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý những trường hợp vi phạm, có như vậy mới đảm bảo được tính răn đe.

 PV: Dự thảo Luật lần này có đề cập đến vấn đề bảo vệ nguồn tin cho báo chí, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang: Theo như dự thảo Luật thì các nhà báo phải tiết lộ người cung cấp thông tin liên quan đến điều tra các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Tôi cho rằng, quy định như vậy là quá rộng bởi vì hiện nay, các vụ án nghiêm trọng có rất nhiều, nếu yêu cầu các nhà báo tiết lộ những nguồn tin như vậy sẽ ảnh hưởng, đụng chạm đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, vì nguyên tắc, nhà báo phải bảo vệ nguồn tin mà người cung cấp đã thông tin cho họ.

Tôi cho rằng, chỉ nên giới hạn trong trường hợp “rất nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng” mà không mở rộng ở vụ án “nghiêm trọng”. Vì nghiêm trọng là có rất nhiều, còn đặc biệt nghiêm trọng ở phạm vi hẹp hơn. Và, việc cung cấp thông tin đó phải có trong một vụ án cụ thể, vì có nhiều vấn đề mới chỉ là dấu hiệu thôi chứ chưa khởi tố vụ án mà chúng ta yêu cầu nhà báo cung cấp nguồn tin thì ảnh hưởng đến quy chế, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo.

PV: Theo bà, vai trò của Hội Nhà báo được quy định trong dự thảo Luật lần này đã tạo điều kiện cho Hội Nhà báo bảo vệ hội viên của mình chưa?

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang: Luật có quy định vấn đề Hội Nhà báo có nhiệm vụ bảo vệ các nhà báo trong việc tác nghiệp, nhưng tôi thấy, lâu nay Hội Nhà báo rất khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ trên, vì chúng ta không có quy định rõ ràng cách nào để bảo vệ, để thực hiện quyền đó. Tức là, ngoài việc các Hội Nhà báo lên tiếng bằng cách gửi văn bản, lên tiếng trên công luận còn không có một cơ chế phối hợp nào khác. Vì vậy, tôi cho rằng cần phải có một cơ chế phối hợp quy định khi nào các Hội Nhà báo gửi văn bản lên tiếng về vấn đề đó thì các cơ quan chức năng cần phối hợp để xử lý, như vậy mới có hiệu quả. 

PV: Xin cảm ơn bà! 

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa có chế tài đối với tổ chức, cá nhân cản trở nhà báo tác nghiệp