Cần xem xét trách nhiệm quản lý, hiệu quả các công trình thủy điện vừa và nhỏ

Mai Thoa| 03/11/2016 20:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 3/11, một số đại biểu đã đề cập đến vấn đề thủy điện vừa và nhỏ xả lũ gây thiệt hại nặng nề, đời sống của người dân tái định cư vùng thủy điện vô cùng khó khăn. Đây là nội dung luôn được dư luận quan tâm.

Thủy điện vừa và nhỏ đang gây thiệt hại về kinh tế và con người

Tranh luận lại về quan điểm của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trong phát biểu tại hội trường và báo cáo của Bộ gửi Quốc hội trước đó, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu: "Trong quá trình phát triển các dự án thủy điện, nhiệt điện, Bộ trưởng khẳng định quá trình đầu tư và vận hành các công trình thủy điện là đúng pháp luật. Nhưng thực tế đặt ra hiện nay là, đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ từ việc tích nước và xả lũ, nhiều địa phương có ý kiến là chưa theo đúng quy định, như đợt lũ tại miền Trung vừa qua. Hơn nữa, các công trình này chưa làm đúng chức năng, cấp nước mùa khô, tích nước mùa mưa, hạn chế lũ lụt".

Về vấn đề Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, đời sống người dân vùng triển khai thuỷ điện được đảm bảo, ĐB Học nêu: “Tuy nhiên, trong khi suốt nhiệm kỳ QH khoá XIII, nhiều ĐB nêu vấn đề đời sống người dân ở các vùng tái định cư rất khó khăn, tỷ lệ nghèo ở các vùng tái định cư 50-60%, có nơi 80%. Vì vậy làm sao chủ trương điều hành của Bộ Công Thương đáp ứng được đời sống của người dân ở vùng thuỷ điện hiện nay?”,

Ý kiến của ĐB Nguyễn Thái Học cũng là vấn đề mà cử tri và người dân vùng lũ quan tâm.

Cần xem xét trách nhiệm quản lý, hiệu quả các công trình thủy điện vừa và nhỏ

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh 

Trước đó, thanh tra dự án Thủy điện Hố Hô (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) xả lũ gây ngập và thiệt hại về người và tài sản cho người dân các tỉnh miền Trung trong đợt mưa lũ vừa qua, Bộ TN-MT đã chỉ ra các sai phạm nghiêm trọng của thủy điện này. Đó là: Không xây dựng kế hoạch điều tiết nước hàng năm của hồ chứa theo quy định, vi phạm quy định tại khoản 3 điều 10 Nghị định 142/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; không thực hiện chế độ thông báo, báo cáo liên quan đến vận hành công trình; không thực hiện đúng quy định về việc quan trắc, giám sát tài nguyên nước; không thực hiện vận hành hồ đảm bảo dòng chảy tối thiểu sau công trình; không thực hiện chế độ báo cáo về kết quả khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước ngày 15/2 hàng năm theo quy định…

Nhà máy thủy điện Hố Hô được đưa vào vận hành năm 2010, nhưng do bị trận lũ lịch sử năm 2010 tàn phá nên đến đầu năm 2013 mới vận hành trở lại. Nhà máy này có công suất 14 MW, dung tích hồ chứa 38 triệu mét khối. Sản lượng điện năm 2013 của nhà máy đạt 35 triệu kwh, năm 2014 đạt 19,7 triệu kwh, năm 2015 là 25,5 triệu kwh.

Như vậy, theo tính toán, 25,5 triệu kwh/năm gần nhất của nhà máy thủy điện Hố Hô chưa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của 1 huyện tại Hà Tĩnh trong 6 tháng. Nhà máy này nộp ngân sách chưa đến 2 tỷ đồng/năm, nhưng khi xây dựng đã ngốn hết 1.000ha rừng của địa phương. Bộ Công thương cũng cho rằng, Nhà máy thủy điện Hố Hô không có khả năng cắt lũ. Với công suất chỉ 14MW, nếu không có nhà máy này thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung cấp điện chung, nhưng nếu nhà máy không vận hành tốt, để ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân thì cần xem xét lại.

Như vậy, nếu tính toán về kinh tế so với những thiệt hại mà công trình này mang lại sẽ không có hiệu quả, chưa kể thiệt hại về tài sản của người dân do xả lũ, thiệt hại về người là  không gì bù đắp được.

Nhiều đập thủy điện chưa an toàn

Sau khi Thủy điện Hố Hô xả lũ làm 35 người chết, 4 người bị mất tích và nhấn chìm nhà cửa, Bộ Công thương đã có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả kiểm tra, rà soát, về quy hoạch, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện tính đến hết tháng 9/2016. Theo Báo cáo của Bộ Công thương, hiện trên cả nước có 306 công trình thủy điện đang vận hành phát điện, 193 dự án đang thi công xây dựng, 245 dự án đang nghiên cứu đầu tư, còn lại 59 dự án có quy mô nhỏ, đang được tiếp tục rà soát về hiệu quả kinh tế và các điều kiện khác có liên quan. Trong 3 năm qua, đã có 1.118 công trình thuỷ điện lớn nhỏ bị loại bỏ khỏi quy hoạch vì những tác động tiêu cực về môi trường, xã hội.

Qua các đợt kiểm tra, Đoàn công tác của Bộ Công thương đã phát hiện một số vi phạm về tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng xây dựng, vi phạm quy trình vận hành hồ chứa bằng cách tự ý xây tường cơi nới đập và chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn lao động trong khi thi công công trình như dự án thủy điện Sập Việt, Sơn La; dự án Đại Nga và Đại Bình, tỉnh Lâm Đồng...

Bộ Công thương cũng thừa nhận, hiện nay vẫn còn tồn tại một số bất cập trong quản lý vận hành công trình như: một số quy định về quản lý an toàn đập hiện không còn phù hợp nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; đa số cán bộ làm công tác quản lý an toàn đập tại các địa phương không có chuyên môn về xây dựng, thủy lợi,... nên mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác quản lý nhà nước về an toàn đập các địa phương chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Một số chủ đầu tư nhà máy thủy điện vừa và nhỏ chưa thực hiện đầy đủ các quy định về phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập và phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập chưa cập nhật các quy định của Nhà nước; việc phối hợp đôn đốc, chỉ đạo của các ngành và địa phương chưa thường xuyên và chặt chẽ; một số chủ đầu tư thủy điện vừa và nhỏ khác thì gặp khó khăn về tài chính do sản lượng điện giảm nên chưa thực hiện đầy đủ các quy định nêu trên.

Cũng theo cơ quan này, nguyên nhân là do các Sở Công thương chưa có hoặc có ít cán bộ có chuyên môn cần thiết liên quan đến công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng như: Thủy lợi, thủy điện, xây dựng, giao thông... Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, việc quản lý chất lượng công trình của các Sở Công Thương từ khâu thẩm định thiết kế đến việc tổ chức, thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu còn tồn tại một số vấn đề, chưa theo đúng quy định và chưa đáp ứng yêu cầu công việc.

Trên thực tế, không chỉ vụ Thủy điện Hố Hô vừa qua mà năm 2009, thủy điện trên sông Ba Hạ của tỉnh Phú Yên cũng xả lũ góp phần nhấn chìm nhà dân, khiến 98 người chết, 20 người mất tích. Năm 2014, các đập thủy điện miền Trung cũng xả lũ, tăng hậu quả thiên tai làm chết 41 người, 5 người mất tích và 74 người bị thương. Nhiều vụ khác xảy ra rải rác trên phạm vi cả nước mỗi năm cho thấy các đập thủy điện đang hoạt động rất có vấn đề.

Nhiều chuyên gia cho rằng, quy trình vận hành đập thủy điện là quy trình có nguy cơ gây hại đến tính mạng tài sản của hàng vạn người nên đòi hỏi phải tính toán khoa học để đảm bảo an toàn lâu dài. Cho nên, bất cứ lúc nào thì mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Các thông số kỹ thuật trong xây dựng quy trình vận hành như độ cao, chiều sâu, khối lượng, khoảng cách… không thể khác nhau. Do vậy, lỗi thuộc về cơ quan quản lý ngành là Bộ Công thương chứ không chỉ là lỗi yếu kém chuyên môn của cấp dưới. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần xem xét trách nhiệm quản lý, hiệu quả các công trình thủy điện vừa và nhỏ