Cần quy định cụ thể các căn cứ tính thiệt hại trong bồi thường oan sai

Nguyên Bình| 11/01/2017 08:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phải có ba-rem làm căn cứ bồi thường và nên hay không xây dựng một nguồn quỹ riêng để bồi thường oan sai… là vấn đề được đưa ra tại Phiên họp thứ 6, UBTVQH khi cho ý kiến về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) diễn ra ngày 9/1.

Không nên tạo tiền lệ

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Trước đó, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội cũng đã thảo luận về dự án Luật này.

Nêu vấn đề về việc thỏa thuận bồi thường trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, mức thỏa thuận bồi thường là quá cao nên đã tạo thành tiền lệ trong thỏa thuận bồi thường. Sau này, người bị oan sai thường lấy vụ ông Chấn làm căn cứ để tính thiệt hại, dẫn tới mức đòi bồi thường quá cao. Ví dụ vụ ông Huỳnh Văn Nén, ở Bình Thuận, nếu theo đúng ba-rem đã được Bộ Tài chính ban hành thì mức bồi thường cho ông Nén rất hạn chế. Bởi vậy, khó khăn lớn nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng trong bồi thường oan, sai là vận dụng quy định của pháp luật để xem xét bồi thường.

Đồng tình quan điểm này, Phó viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất là căn cứ tính thiệt hại để bồi thường, vì trong Luật quy định chưa rõ ràng. Nếu có ba-rem thì rất đơn giản khi thương lượng. Từ những vụ việc phải bồi thường thời gian qua kéo dài cho thấy, do không có ba-rem nên các bên khó thống nhất mức bồi thường với nhau; bên thiệt hại đòi bồi thường quá cao và bên bồi thường không đồng ý với mức bồi thường ấy. Bởi vậy, cần xem xét nếu phần nào quy định “cứng” được thì nên quy định luôn vào luật, còn phần nào quy định “mềm” thì phải quy định giới hạn rõ ràng, ông Thể nêu quan điểm.

Cần quy định cụ thể các căn cứ tính thiệt hại trong bồi thường oan sai

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp

Còn theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, phải lượng hóa được thiệt hại để có căn cứ tính mức bồi thường. Chẳng hạn về thu nhập bị ảnh hưởng, nếu người bị oan sai có lương trước khi bị oan sai thì dùng mức lương ấy để tính thiệt hại, người không có thu nhập ổn định thì lấy lương cơ sở làm căn cứ tính thiệt hại. Với khoản bồi thường về tinh thần thì phải phân định 2 loại, loại án nặng làm tinh thần hoảng loạn và loại án ở mức nhẹ. “Phải có lượng hóa để từ đó nhân với số ngày bị oan, sai sẽ rất dễ, nếu không sẽ rất khó cho việc thương lượng”, ông Phùng Quốc Hiển nói.

Một vấn đề nữa được đưa ra bàn thảo tại phiên họp là cơ quan nào chịu trách nhiệm bồi thường khi xảy ra oan sai. Theo quy định, cơ quan nào ra quyết định cuối cùng tạo ra oan, sai thì cơ quan ấy phải đứng ra xin lỗi, bồi thường.

Tuy nhiên, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, về trách nhiệm cũng phải xử lý cả những cơ quan ở giai đoạn trước của xét xử, bởi sai sót của tố tụng xuyên suốt từ giai đoạn điều tra đến truy tố, xét xử. Việc xử lý trách nhiệm như vậy vừa để bảo đảm tính cộng đồng trách nhiệm, vừa bảo đảm tính công bằng đối với các cơ quan tố tụng. Còn trường hợp Tòa án đã trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát quyết định đình chỉ thì trách nhiệm bồi thường phải thuộc về các cơ quan thuộc giai đoạn trước. Cùng với đó, nếu Tòa án đã trả lại hồ sơ để điều tra lại, Viện Kiểm sát vẫn truy tố và Tòa án vẫn xét xử. Khi Tòa án tuyên vô tội thì các cơ quan giai đoạn trước phải chịu trách nhiệm về việc oan sai này.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể cũng cho rằng, cơ quan nào ra quyết định cuối cùng tạo ra oan sai thì cơ quan ấy nên thay mặt Nhà nước đứng ra xin lỗi, bồi thường người bị oan, sai. Tuy nhiên, về trách nhiệm thì phải xác định cả các cơ quan ở giai đoạn trước, tránh trường hợp đá “quả bóng trách nhiệm” sang người khác, cơ quan khác.

Lấy tiền đâu để bồi thường oan sai?

Việc lấy tiền đâu để bồi thường oan sai là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 2 khi thảo luận về Luật này, nhiều ý kiến đã đề xuất về việc cần có một khoản tiền thu từ các hành vi vi phạm pháp luật để bồi thường oan sai, không lấy từ ngân sách nhà nước.

Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể cho rằng, phải phân biệt rõ bồi thường và bồi hoàn. Về nguyên tắc, Nhà nước phải đứng ra bồi thường cho người bị oan, sai. Vì thực chất, cán bộ, công chức là người thay mặt Nhà nước, thay mặt cơ quan công quyền thực thi công vụ. Bởi vậy, khi xảy ra việc thì “con dại, cái mang”, Nhà nước phải đứng ra bồi thường, sau đó mới xác định trách nhiệm bồi hoàn của cán bộ.

Tuy nhiên, cần xác định rõ 2 vấn đề: Nếu cố ý làm sai thì dứt khoát người làm sai phải đền bù, nhưng ở mức phù hợp, vì có những vụ việc, mức đền bù rất lớn, người cán bộ gây oan, sai có bỏ tiền lương cả đời cũng không đủ để bồi hoàn được. Thứ hai là cán bộ, công chức gây oan, sai do hạn chế trong nhận thức hoặc trình độ yếu kém thì có thể xử lý bằng cách cho chuyển công tác hoặc hạ bậc lương… “Vì thực tế cho thấy có những điều luật, chúng ta là những người được đào tạo bài bản mà còn tranh luận mãi chưa thống nhất được, huống hồ cán bộ nhận thức còn hạn chế”, ông Thể Lê Hữu Thể nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị cần sửa đổi quy định này theo hướng, Nhà nước phải có trách nhiệm bố trí khoản tiền từ ngân sách để bồi thường Nhà nước. Theo ông Tuấn, số tiền hằng năm thu được từ các vụ án khoảng 6.000 tỷ đồng, tiền thu được từ việc bán hàng tịch thu từ các vụ án được khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm, các khoản thu từ Tòa án cũng được khoảng 600 tỷ đồng mỗi năm. Như vậy, trong khoảng 7.000 tỷ đồng thu được từ việc xử lý các vụ án mỗi năm ấy, Nhà nước có thể trích ra một phần để bồi thường Nhà nước. Làm như thế sẽ giảm được bức xúc của nhân dân về việc lấy tiền thuế ra bồi thường do sai sót của cán bộ, công chức.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhất trí, đã là hoạt động của Nhà nước thì phải do ngân sách Nhà nước đảm nhiệm, kể cả khi Nhà nước bồi thường oan, sai. Nhưng việc lập quỹ riêng để bồi thường là không hợp lý vì việc bồi thường oan sai dù lấy từ nguồn nào cũng vẫn là từ ngân sách Nhà nước và rạch ròi các khoản chi sẽ không đúng nguyên tắc.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là nội dung vô cùng quan trọng, liên quan đến nhân dân, liên quan đến các cơ quan thi hành công vụ nên cần thảo luận kỹ và thận trọng. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan hữu quan tiếp tục cùng xử lý những vấn đề còn tồn tại, còn có ý kiến khác nhau. Sau đó, sớm tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và mời các cơ quan hữu quan, các chuyên gia cùng tham gia thảo luận, báo cáo lại UBTVQH trước khi trình ra Quốc hội.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần quy định cụ thể các căn cứ tính thiệt hại trong bồi thường oan sai