Cần cơ quan độc lập có thực quyền để kiểm soát tham nhũng

Mai Thoa| 08/12/2015 22:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 8/12, Ban Nội chính TW phối hợp với UNDP tổ chức Hội thảo “Tăng cường hiệu quả thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng - kinh nghiệm một số nước và thực tiễn tại Việt Nam”. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội thảo.

Nhiều kẽ hở trong kê khai tài sản

Minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được coi là một trong những biện pháp quan trọng trong đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng ở nhiều nước trên thế giới. Nhìn từ khía cạnh khác, minh bạch tài sản của công chức cũng là cơ hội khẳng định sự liêm chính của một nền công vụ để minh bạch hóa, cụ thể hóa, tránh những nhận định chung chung, giúp cho việc đấu tranh chống tham nhũng có trọng tâm, bảo đảm hiệu quả và sự công bằng.

Thực tế ở Việt Nam, vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập đặt ra trong bối cảnh nạn tham nhũng ngày càng trở thành mối quan tâm, lo lắng của Đảng và Nhà nước từ khi phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Theo Luật Phòng chống tham nhũng (Luật PCTN), đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, gồm: Cán bộ từ Phó trưởng phòng của UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; một số cán bộ xã, phường, thị trấn; người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân… Ngoài ra, Luật còn quy định, người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai tài sản, mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con là người chưa thành niên.

Cần cơ quan độc lập có thực quyền để kiểm soát tham nhũng

PGS.TS Trần Văn Độ phát biểu tại Hội thảo

Việc kê khai tài sản của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên cũng là điều gây nhiều tranh luận. Hầu như mọi người đều nhìn ra lỗ hổng rất lớn, người có tài sản dễ dàng chuyển tài sản của mình cho con đã thành niên, nhất là người con này không thuộc diện kê khai tài sản. Vừa qua, dư luận nói nhiều về việc xây dựng biệt thự sinh thái nhiều tỷ đồng của một quan chức cấp tỉnh. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thấy rằng, mọi giấy tờ liên quan đến khu biệt thự này đều mang tên con trai của vị quan chức này, một cán bộ bình thường của một Sở mà không thuộc diện kê khai tài sản.

Vậy, quy định việc kê khai phải bao gồm cả những người thân của người có chức vụ quyền hạn đến mức nào là đủ?

Theo ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ, việc buộc người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản của con thành niên không hoàn toàn là điều hợp lý và thậm chí trong nhiều trường hợp ngoài khả năng của họ. Vì người đã thành niên có thể đã độc lập về kinh tế và chỗ ở. Cha mẹ họ nếu thuộc diện phải kê khai cũng khó nắm bắt được tình hình tài sản của con đã thành niên, vì thế cũng khó có thể bắt họ phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực.

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, nếu chỉ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thì hầu như vô nghĩa nếu không kiểm soát được dòng tiền hay tài sản trong toàn xã hội. Trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập không chỉ là của người có chức vụ, quyền hạn mà của bất kỳ ai. Một mặt, Nhà nước luôn cố gắng đảm bảo an toàn, bí mật cho người có tài sản, nhưng đổi lại, bất kỳ một công dân nào cũng phải sẵn sàng trả lời hay giải trình trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về một khoản tiền hay tài sản nào đó mà cơ quan đó thấy rằng “có dấu hiệu không bình thường”.

Có nên công khai việc kê khai tài sản?

Để tăng cường PCTN, Hội thảo cũng đề cập đến việc công khai bản kê khai tài sản và khả năng tiếp cận thông tin của người dân đối với bản kê khai tài sản. Pháp luật hiện hành quy định: Bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ phải kê khai được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Đây là vấn đề gai góc và còn nhiều ý kiến khác nhau. Ông Minh cho rằng, bên cạnh việc công khai tài sản tại nơi làm việc như hiện nay, chúng ta có thể từng bước mở rộng quyền tiếp cận thông tin của công chúng đặt dưới sự kiểm soát nhằm đảm bảo thông tin được sử dụng một cách đúng mục đích. Mọi công dân đều có khả năng tiếp cận bản kê khai tài sản của công chức nào đó khi xuất trình giấy tờ tùy thân và cam kết sử dụng thông tin về bản kê khai tài sản vào những mục đích hợp pháp; chịu trách nhiệm về việc sử dụng thông tin không đúng, gây thiệt hại cho người kê khai tài sản…

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQSTW, cần cân nhắc quy định này. Vì muốn chống tham nhũng phải tìm được nguyên nhân, việc công khai tài sản, thu nhập của người phải kê khai ra công chúng phải cân nhắc kỹ càng. Bởi làm như vậy không chỉ vi phạm quyền con người, mà còn liên quan đến bí mật kinh doanh, đời tư… của họ.

Ông cũng cho rằng, mỗi lần tiếp xúc cử tri có đến 2/3 ý kiến phát biểu của cử tri quan tâm đến tham nhũng và PCTN hiện nay đủ thấy vấn đề “nóng” đến mức nào. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề PCTN là kiểm soát thu nhập, kiểm soát dòng tiền của cá nhân và toàn xã hội, để làm được điều đó phải thông qua hệ thống tín dụng, ngân hàng, không giao dịch tiền mặt như hiện nay. Bên cạnh đó, không nên đưa quan điểm hình sự vào việc trách nhiệm chứng minh tài sản trong kê khai thu nhập của người phải kê khai, vì đó là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền. Điều chúng ta hướng tới là phải có một cơ quan độc lập thực quyền chống tham nhũng, chứ chỉ trong nội bộ của từng cơ quan rất khó thực hiện. Nhưng phải làm sao đó để đồng thời với việc phát hiện tham nhũng phải tránh xâm phạm quyền con người.

Còn ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, kiểm soát tài sản ở nước ta đang dẫn đến sự bế tắc trong phát hiện, phòng ngừa tham nhũng. Cơ chế kiểm soát tài sản, cơ chế kiểm soát mối quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước là quan trọng để PCTN nhưng hiện đều đang thiếu. Trong khi đó, kiểm soát tài sản không chỉ chống tham nhũng mà còn chống rửa tiền, cho vay nặng lãi, trốn nghĩa vụ thi hành án dân sự, sở hữu chéo ngân hàng… nhưng đến nay vẫn chưa làm được thì kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức chỉ là “vô phương” và mục tiêu “3 không” trong PCTN sẽ còn rất xa.

Ông Quyền nhấn mạnh, “3 không” trong PCTN còn xa nếu không có những biện pháp thiết thực là ban hành Luật Kiểm soát tài sản của toàn xã hội. Nếu chỉ kiểm soát được tài sản của công chức mà không kiểm soát được tài sản của những người khác thì kiểm soát vô phương. Bên cạnh đó, cần phòng ngừa tham nhũng chính sách thông qua cơ chế xin - cho trong các đạo luật, vì đã xin - cho là có cơ hội để tham nhũng. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần cơ quan độc lập có thực quyền để kiểm soát tham nhũng