Các Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế: APEC là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực

Ngọc Mai| 09/11/2017 20:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trưa ngày 9/11, tại thành phố Đà Nẵng, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 đã bế mạc dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Các Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế: APEC là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực

Quang cảnh Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29

Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế và các Trưởng đoàn 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng lãnh đạo các tổ chức quan sát viên của APEC là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng Hợp tác kinh tế ASEAN (PECC) và Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương (PIF), đại diện Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC). Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Avezedo đã tham dự Hội nghị với tư cách khách mời.

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 29 (AMM 29), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì buổi họp báo tại Trung tâm Báo chí Quốc tế APEC (IMC), Đà Nẵng.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, sau hơn một ngày họp với ba phiên họp toàn thể với nhiều đánh giá sâu sắc và toàn diện, Hội nghị đã đạt những kết quả lớn sau:

Một là, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều bất định và khó khăn hiện nay, Hội nghị tiếp tục khẳng định quyết tâm duy trì đà hợp tác và liên kết của APEC, tiếp tục củng cố vai trò của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực cũng như khẳng định tính linh hoạt và khả năng thích ứng cao của Diễn đàn trong tình hình mới.

Hội nghị đã thảo luận nhiều biện pháp cụ thể thúc đẩy thương mại tự do và thuận lợi hóa đầu tư khu vực, hoàn tất thực hiện các Mục tiêu Bô-go; đẩy mạnh tăng trưởng chất lượng; tăng cường kết nối, đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng; cải cách cơ cấu; giảm thiểu rủi ro thiên tai và tăng tính tự cường của các cộng đồng; chú trọng nâng cao năng lực liên kết kinh tế quốc tế cho các thành viên; hoan nghênh nỗ lực của các thành viên triển khai Tuyên bố Lima hướng tới hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và thực hiện hiệu quả các kế hoạch hợp tác dài hạn của APEC.

Hai là, trước xu thế mới về công nghệ và toàn cầu hóa, kết nối ngày càng sâu rộng giữa các nền kinh tế hiện nay, Hội nghị nhất trí APEC cần tạo những xung lực mới để góp phần duy trì châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Hướng tới thực hiện mục tiêu này, Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách cơ cấu trong việc nâng cao năng suất; hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm; trang bị các kỹ năng mới cho người lao động để thích ứng với việc làm trong kỷ nguyên số; ứng dụng khoa học công nghệ để bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp và nông thôn, ứng phó biển đổi khí hậu.

Ba là, Hội nghị thông qua nhiều sáng kiến quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, đáng chú ý là bốn văn kiện: Khuôn khổ thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới, Chiến lược APEC về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo, Kế hoạch hành động nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu giai đoạn 2018 - 2020, và Chương trình hành động về phát triển nông thôn - đô thị nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng.

Các Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế: APEC là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thông báo kết quả Hội nghị AMM 29

Hội nghị đã thống nhất các văn kiện mang tính định hướng chiến lược và dài hạn cho hợp tác APEC để trình lên các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Trong đó có các văn kiện về các nội dung hợp tác, như thu hẹp khoảng cách phát triển, xây dựng một cộng đồng APEC năng động, phát triển bền vững và bao trùm; mở ra những tiềm năng phát triển mới cho khu vực thông qua đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hợp tác giáo dục; tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, phụ nữ và thanh niên tham gia phát triển kinh tế và thụ hưởng lợi ích của thương mại tự do và tăng trưởng. Các văn kiện này cũng đều gắn với mục tiêu đưa APEC trở thành một cộng đồng phát triển bền vững và sáng tạo, vì người dân, vì doanh nghiệp, và xây dựng một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, kết nối và thịnh vượng.

Bốn là, Hội nghị hoan nghênh việc thông qua văn kiện về APEC hướng tới năm 2020 và tương lai. Đây là sáng kiến của Việt Nam và là một dấu ấn của hợp tác APEC năm 2017 nhằm chuẩn bị cho APEC bước vào thập niên phát triển thứ tư và thúc đẩy hoàn tất thực hiện các Mục tiêu Bô-go vào năm 2020.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng cũng gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc trước những mất mát to lớn mà nhân dân và các địa phương Việt Nam phải hứng chịu trong đợt bão lũ vừa qua. Các Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng, với sự chỉ đạo sát sao của các lãnh đạo, nhân dân thành phố Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố miền Trung sẽ sớm vượt qua những tổn thất này.

Ngày mai 10/11, sẽ bắt đầu diễn ra các hoạt động chính thức của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Đến nay, lãnh đạo các nền kinh tế APEC đều đã khẳng định tham dự các sự kiện quan trọng này của Tuần lễ Cấp cao.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã thông báo thêm một số nội dung liên quan đến hợp tác kinh tế-thương mại của APEC.

Theo Bộ trưởng, Hội nghị AMM 29 thực sự là một hoạt động vô cùng quan trọng và có ý nghĩa không chỉ đối với Việt Nam, các nước trong APEC mà còn có ý nghĩa to lớn đối với cộng đồng quốc tế. Đặc biệt là đối với xu thế toàn cầu hoá và tiếp tục theo đường lối tự do hoá thương mại. Và Tuần lễ APEC 2017 tại Việt Nam tập trung với những hội nghị của AMM, hội nghị bộ trưởng kinh tế, ngoại giao cũng như hội nghị cấp cao đều thể hiện đầy đủ những quyết tâm cũng như tinh thần và định hướng quan trọng của toàn cầu hoá và hợp tác để bảo đảm tự do hoá thương mại trên phạm vi khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như đóng góp toàn cầu.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh một số khía cạnh để đánh giá đầy đủ hơn về tính chất của Hội nghị AMM 2017.

Với góc độ là một hội nghị của Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế của APEC, những nội dung của các Bộ trưởng thảo luận và thông qua tại hội nghị này có ý nghĩa trọng tâm và cơ bản tạo ra những nền tảng để lãnh đạo cấp cao của APEC thông qua tại hội nghị cấp cao sắp tới.

Những nội dung này mang tính toàn diện đồng thời cũng rất đa dạng từ nhiều góc độ, ở nhiều cấp độ và phản ảnh được những quan tâm lợi ích và sự đa dạng của các nền kinh tế trong APEC.

Mặc dù trong bối cảnh chung của thế giới hiện nay có rất nhiều biến động, trong đó ngoài những vấn đề liên quan đến an ninh, khủng bố; liên quan đến các xu thế của phát triển của công nghệ đang tác động đến cả cơ cấu và kết cấu của kinh tế, hạ tầng, thương mại và rất nhiều khía cạnh khác ở phạm vi toàn cầu thì chúng ta cũng đang chứng kiến những xu thế mới bộc lộ ở nhiều nơi, nhiều khu vực, nhiều cấp độ về chủ nghĩa bảo hộ mới cũng như những mối quan tâm, quan hệ thương mại khác nhau đang gây ra những ảnh hưởng xu thế chung của toàn cầu hoá cũng như đến những nỗ lực chung của APEC.

Chính vì vậy, tại hội nghị này, mặc dù có những ý kiến, quan điểm còn khác nhau, đa dạng nhưng các bộ trưởng đã đi đến một kết quả rất tích cực là tập trung phản ánh đầy đủ lợi ích chung của các nền kinh tế APEC. Các nội dung đã được thảo luận và thống nhất thông qua như Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã nêu trong những sáng kiến rất quan trọng không chỉ mang lại lợi ích cho các nước, các nền kinh tế của APEC mà còn mang lại những đóng góp cho toàn cầu hoá, tiếp tục hoàn thiện thể chế của cơ chế thương mại đa phương trên thế giới.

Những sáng kiến và nội dung mà nước chủ nhà Việt Nam tham gia đã được đánh giá cao, phản ánh được quan điểm rất thực tiễn đối với xu thế hội nhập, mở cửa của Việt Nam, cũng như phục vụ cho tiến trình toàn cầu hoá và hợp tác của APEC.

Ví dụ sáng kiến Khuôn khổ APEC về tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của hầu hết các nền kinh tế tham gia trong APEC, và đồng thời cũng phản ánh đúng xu thế chung trong phát triển kinh tế và thương mại, đặc biệt là trong thời đại của kinh tế số.

AMM 29 không chỉ dừng lại ở việc đánh giá những mục tiêu, kết quả đã đạt được tính đến 2017, nhất là đối chiếu với mục tiêu Bogor 2020 mà các bộ trưởng của APEC còn tiếp tục thông qua những cơ chế, sáng kiến, chương trình rất quan trọng để tiếp tục mục tiêu Bogor sau 2020 và tương lai xa hơn nữa.

Việt Nam có sáng kiến đề xuất hình thành một cơ chế để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng những mục tiêu cụ thể theo chương trình sau Bogor và xa hơn, cùng với nhưng chiến lược khác của APEC. Nghiên cứu xây dựng những đề án mang tính chiến lược dài hạn nhưng cũng đầy thực tiễn của APEC chắc chắn sẽ giúp cơ chế đối thoại của APEC mang lại lợi ích chung và đồng thời phù hợp với xu thế phát triển chung của tự do hoá thương mại và phát triển bền vững, bao trùm như chủ đề của APEC đã nêu lên cho 2017.

Đặc biệt, có sự chia sẻ rất cao của các nước, mặc dù quan điểm và lợi ích có thể khác biệt nhưng đã thể hiện được sự thống nhất bao trùm trong AMM 29 về những định hướng và đánh giá những kết quả và mục tiêu sắp tới để trình lên lãnh đạo cấp cao của APEC trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Trước đó, sáng 8/11, Hội nghị AMM 29 đã khai mạc tại Furama Resort, với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Kinh tế APEC và Trưởng đoàn 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức quan sát viên của APEC, gồm: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF).

Tham dự Hội nghị còn có Chủ tịch Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC). Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Avezedo cũng tham dự Hội nghị với tư cách khách mời.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Hội nghị tập trung vào 3 mục tiêu: Thứ nhất, rà soát kết quả tiến trình hợp tác APEC trong năm nay; thứ hai, hoàn tất các công tác chuẩn bị cho Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ diễn ra trong 2 ngày tới; thứ ba, quyết định hướng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực then chốt.

Buổi sáng, ngay sau lễ khai mạc, Hội nghị tiến hành hai phiên họp toàn thể về chủ đề: “Tình hình kinh tế thế giới và khu vực và vai trò lãnh đạo của APEC” và “Tạo động lực mới cho tăng trưởng”.

Chiều 8/11, các Bộ trưởng họp phiên toàn thể thứ ba về chủ đề “Tạo động lực mới cho liên kết kinh tế khu vực”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế: APEC là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực