Bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng là phù hợp với cơ chế thị trường

Ngọc Mai| 01/06/2018 16:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch diễn ra sáng nay, đa số ĐBQH đều tán thành bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng quy định trong Luật Công chứng.

Sáng 1/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

Các ý kiến cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch tại các luật để bảo đảm sự thống nhất với Luật Quy hoạch, đảm bảo hiệu lực thi hành của Luật vào 1/1/2019.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan hữu quan rà soát kỹ lưỡng các luật liên quan đến Luật Quy hoạch để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung vào Kỳ họp thứ 6 tới đây. 

Một trong những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại phiên họp, đó là việc bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng quy định trong Luật Công chứng. Các ý kiến cho rằng chúng ta đang xây dựng một Chính phủ kiến tạo và một trong các tiêu chí là minh bạch, tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động đầu tư kinh doanh, việc bỏ quy hoạch sản phẩm là chủ trương đúng, phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường và phù hợp với Luật Quy hoạch.

Bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng là phù hợp với cơ chế thị trường

ĐBQH Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) phát biểu tại hội trường

Đại biểu Đặng Thế Vinh cho rằng, việc bỏ quy hoạch tổng thể về hành nghề công chứng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các văn phòng công chứng, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đại biểu cũng cho rằng, không nên lo ngại việc bỏ quy hoạch thì các văn phòng công chứng sẽ thành lập tràn lan, cạnh tranh không lành mạnh. Vì công chứng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định trong Luật Đầu tư. Ngoài ra, Luật Công chứng cũng quy định chặt chẽ các điều kiện hành nghề công chứng viên, điều kiện thành lập và hoạt động của văn phòng công chứng. Nếu cạnh tranh không lành mạnh thì xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện nay các văn phòng công chứng mới chủ yếu thành lập ở đô thị, hiếm có ở vùng sâu, vùng xa. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu bổ sung quy định đẩy mạnh chính sách khuyến khích thành lập các văn phòng công chứng ở vùng sâu, vùng xa, hoặc thành lập mới các Văn phòng công chứng nhà nước để đáp ứng yêu cầu của người dân ở vùng không có hoạt động của văn phòng công chứng.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) nhìn nhận, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng theo hướng bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng là phù hợp với Luật Quy hoạch, bởi, quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng không có trong danh mục kèm theo Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, công chứng là ngành nghề đặc thù, cần được quy định chặt chẽ, cần bảo đảm chất lượng khi cho phép thành lập văn phòng công chứng.

Theo đại biểu Hoa, Luật Công chứng hiện hành đã có một số quy định về thành lập văn phòng công chứng, tuy nhiên chưa đủ để tăng cường chất lượng khi cho phép thành lập văn phòng công chứng trong bối cảnh bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Những quy định này được quy định trong Luật Công chứng năm 2006 và Luật Công chứng sửa đổi năm 2014, quy định trong giai đoạn đầu xã hội hóa hoạt động công chứng đến nay đã không còn phù hợp.

Đại biểu đề nghị việc phát triển tổ chức công chứng trong giai đoạn hiện nay cần nâng cao chất lượng để có hệ thống công chứng chuyên nghiệp, phòng ngừa rủi ro cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng tình cao với bỏ quy hoạch tổng thể về công chứng, song đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, nhiều khi chúng ta đánh đồng hoạt động công chứng như các dịch vụ khác. Với công chứng, hệ quả của nó rất lớn, làm di chúc đến 20 năm sau mới mở ra, rất nhiều tài sản quý giá, nếu phát triển mà không có quy hoạch chặt chẽ sẽ gây hậu quả khó lường. Bỏ quy hoạch tổng thể là cần thiết nhưng không có nghĩa là bỏ quy hoạch trên các tỉnh thành, kể cả ở vùng sâu, vùng xa. Vùng sâu, vùng xa thì Nhà nước phải tham gia. Đề nghị, ở vùng sâu, vùng xa Nhà nước phải có trách nhiệm, tới đây khi sửa đổi Luật Công chứng đề xuất phải làm chặt chẽ hơn, tránh những hệ lụy sau này không giải quyết được.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng “nhà nước có trách nhiệm phát triển phòng công chứng ở vùng khó khăn, không có khả năng đầu tư, để đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, do vậy không quản lý bằng quy hoạch mà quản lý bằng kế hoạch”.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Quý (Hưng Yên) lại không đồng tình với ý kiến về việc thành lập văn phòng công chứng ở các vùng sâu, vùng xa. Đại biểu lý giải, chúng ta đang thực hiện cải cách bộ máy, thu gọn đầu mối, lập thêm phòng công chứng nhà nước là nhà nước phải chi ngân sách. Ở những vùng kinh tế khó khăn, nhu cầu công chứng rất ít. Công chứng xuất phát từ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, nếu nhu cầu không có sẽ lãng phí rất lớn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏ quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng là phù hợp với cơ chế thị trường