Bí thư Thành ủy Hà Nội: Quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh và hiện đại

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)| 30/10/2015 13:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhân dịp Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVI, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế; một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Hà Nội không chỉ là đô thị lớn, đô thị đặc biệt, mà còn là Thủ đô, nên mỗi nhiệm vụ, mỗi công việc luôn đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân Thủ đô phải nỗ lực phấn đấu, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô của đất nước.

PV: Với cương vị người đứng đầu Thủ đô gần 10 năm qua, chắc hẳn đồng chí chứng kiến nhiều sự kiện, nhiều đổi thay của Hà Nội. Vậy kết quả nhiệm kỳ vừa qua có những gì ấn tượng và đáng nhớ, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Quang Nghị: Với yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô, Hà Nội đang có rất nhiều việc phải làm, và cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Đặc biệt, trong thời kỳ thế giới diễn ra nhiều biến động rất phức tạp, cả về kinh tế lẫn chính trị, Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, là một trong hai đầu tàu kinh tế lớn nhất của đất nước, càng chịu ảnh hưởng nặng nề. Đó là thử thách đặt lên vai lãnh đạo thành phố và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nỗi lo chung của hơn 170.000 doanh nghiệp ở Thủ đô. Song họ đã cùng nhân dân nỗ lực vượt qua, đóng góp cho ngân sách Thủ đô.

Bên cạnh đó, nhiệm kỳ vừa qua chiếm hai phần ba quãng thời gian tính từ ngày Hà Nội mở rộng địa giới hành chính năm 2008. Giai đoạn này có rất nhiều việc mới, việc khó, chưa có tiền lệ. Vì vậy, trong chỉ đạo, thực hiện có lúc gặp rất nhiều khó khăn và từng công việc đều đòi hỏi trong xử lý phải hết sức thận trọng, bởi Hà Nội có những đặc thù riêng biệt. Thành phố đã rất nỗ lực và chủ động trong việc xây dựng Luật Thủ đô. Đây là một thành công lớn, tạo được cơ sở pháp lý, những cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết công việc một cách hiệu quả, năng động, linh hoạt nhưng không trái pháp luật.

Thành tựu trên từng lĩnh vực của Thủ đô đều được thể hiện qua các con số, các nhận định, đánh giá trong Báo cáo chính trị trình Đại hội sắp tới. Đó là những kết quả rất ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội, về đảm bảo quốc phòng, an ninh, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đó là những thành tựu của một nhiệm kỳ gặt hái được nhiều thành công.

PV: Vậy con số nào chứng minh cho điều đồng chí vừa chia sẻ?

Đồng chí Phạm Quang Nghị: Số liệu để chứng minh là rất cần thiết vì nó cụ thể, nhưng ngoài căn cứ từ các con số còn là bằng cảm nhận từ cuộc sống của người Thủ đô, những thay đổi trên phố phường Hà Nội; là hình ảnh của một thành phố tấp nập, sầm uất, với lượng xe cộ, nhà cửa, trung tâm thương mại, đường giao thông, các cây cầu, trường học, bệnh viện mới mọc lên nhanh chóng.

Kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá cao. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011-2015 ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) năm 2015 theo giá hiện hành ước đạt khoảng 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt và vượt dự toán: 5 năm tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 714,5 ngàn tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 7,1%/năm.

Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, Thành phố Hà Nội đã tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô đã tạo điều kiện cho Hà Nội có được những cơ chế, chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực quan trọng, giúp Thủ đô thuận lợi hơn trong công tác quản lý, điều hành để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. Trên cơ sở đó, Thành phố đã tập trung hoàn thành các quy hoạch ngành, lĩnh vực; cơ bản hoàn thành các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung các huyện, thị xã, thị trấn, các đô thị vệ tinh. Đây là những định hướng rất quan trọng để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

PV: Có người đánh giá, Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Đồng chí Phạm Quang Nghị: Đánh giá như vậy là đúng tình hình thực tế. Văn kiện trình Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố cũng nhận định: Kinh tế Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh Thủ đô. Trong đó có nguyên nhân khách quan, một mặt do cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; các nguồn lực chưa đủ để triển khai thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ phát triển lâu dài và cấp bách của Thủ đô. Và cũng có cả việc trong quá trình triển khai những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, các cơ quan quản lý, chỉ đạo, điều hành phải chờ đợi sự đồng thuận, nhất trí của dư luận. Phải thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân chủ quan của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của Thành phố còn chưa thực sự quyết liệt; hiệu lực, hiệu quả chưa cao; một bộ phận cán bộ, công chức còn thiếu năng động, sáng tạo, né tránh trách nhiệm, thậm chí có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực. Việc xử lý một số tập thể, cá nhân có sai phạm chưa kịp thời và chưa đủ mức giáo dục, răn đe. Đây là những việc cần sớm khắc phục và chấn chỉnh.

Lãnh đạo thành phố luôn trăn trở, tìm các giải pháp phát triển tương xứng tiềm năng, phải "rèn luyện" đức tính biết lắng nghe và biết chọn lọc để đi tới quyết định.

PV: Trong lúc Hà Nội có rất nhiều việc quan trọng phải làm, vì sao Thành ủy lại liên tiếp chọn hai năm 2014 – 2015 làm năm “Trật tự và Văn minh đô thị”, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Quang Nghị: Có lẽ không chỉ những người sống ở Hà Nội, mà bất kỳ ai đã từng sống, tạm trú, hay chỉ một lần đến Thủ đô cũng có thể cảm nhận được sự bức xúc, lo ngại về tình trạng vi phạm trật tự đô thị, mà phổ biến nhất là lĩnh vực giao thông, hoặc xây dựng, đất đai, môi trường... cũng như nếp sống, lối sống, cách ứng xử của một số người chưa đúng với phong cách, truyền thống người Hà Nội. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới trật tự kỷ cương xã hội, chất lượng sống, hình ảnh và nét đẹp văn hóa của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Vì vậy, đây vừa là nhiệm vụ của lãnh đạo, nhưng cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân, làm sao để xây dựng hình ảnh Thủ đô – trái tim của cả nước phải luôn đẹp trong mắt mọi người, xứng với truyền thống người Tràng An, với tên gọi "Thành phố Anh hùng", "Thành phố vì hòa bình".

Việc Hà Nội dồn sức thực hiện chủ đề "Năm trật tự và văn minh đô thị" trong những năm qua không những tạo được bộ mặt đô thị đẹp hơn, sáng hơn mà quan trọng nhất là ý thức, thói quen, nếp sống văn minh thanh lịch của người dân đã được cải thiện, nâng lên một bước.

PV: Đồng chí có thể cho biết về hiệu quả sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính?

Đồng chí Phạm Quang Nghị: Đến thời điểm này có thể khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là hết sức đúng đắn, vì đây là điều kiện để Hà Nội thay “chiếc áo” đã quá chật, mật độ dân số quá đông kéo theo rất nhiều sự mất cân đối, rất nhiều sự bất cập và quá tải khác về chăm lo y tế, giáo dục, việc làm cho người dân; giúp thuận lợi trong việc thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, di dời các cơ sở sản xuất, cơ quan, trường học... ra khỏi trung tâm. Bên cạnh đó, đây là cơ hội để tăng cường đầu tư nguồn lực, phát triển vùng nông thôn rộng lớn của Thủ đô, tạo các vùng chuyên canh sản xuất lớn cung cấp sản phẩm, hàng hóa cho Thủ đô. Tính riêng khu vực nông thôn Hà Nội sau khi hợp nhất, các địa phương đã được đầu tư tăng gấp cả chục lần trước đây; Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào xây dựng nông thôn mới.

PV: Còn kết quả trên lĩnh vực văn hóa thì sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Quang Nghị: Thủ đô Hà Nội xưa nay vốn là nơi hội tụ và lan tỏa về văn hóa đối với cả nước. Vì vậy, sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, truyền thống, di sản văn hóa đặc trưng của các địa phương vừa mới hợp nhất, rất tự nhiên đã trở thành một phần văn hóa của Thăng Long - Hà Nội. Dù là văn hóa xứ Đông, xứ Đoài hay Mê Linh - Vĩnh Phúc, tất cả đều đóng góp và làm phong phú, đa dạng nét đẹp văn hóa Thủ đô Hà Nội. Đó là các lễ hội, các thắng cảnh, khu du lịch sinh thái xung quanh Hương Sơn, núi Tản; những ngôi chùa, đình lớn của xứ Đoài, Mê Linh đều được quan tâm, tu bổ, sửa chữa tốt hơn trước. Như việc Làng cổ Đường Lâm sau khi được công nhận là di tích quốc gia, mãi gần đây mới được quan tâm đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, hay như lễ hội Chùa Hương, một lễ hội được đồng bào cả nước biết đến, đã được đầu tư, quản lý tốt hơn về giao thông cũng như chất lượng phục vụ, trật tự an ninh.

Quá trình vừa hội tụ, vừa lan tỏa này càng tạo điều kiện cho Hà Nội đi lên một cách vững chắc. Với sự đoàn kết và trách nhiệm chung của cán bộ đảng viên và nhân dân sau khi hợp nhất, là nhân tố cực kỳ quan trọng mở ra những triển vọng mới trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

PV: Xin đồng chí cho biết, 5 năm tới Thủ đô phải làm gì vượt qua mọi khó khăn, thách thức mới, để tiếp tục phát triển mạnh mẽ về mọi mặt?

Đồng chí Phạm Quang Nghị: Các nhiệm vụ, giải pháp và phương hướng phát triển của Thủ đô được thể hiện đầy đủ trong Báo cáo Chính trị, nhưng tựu trung nhiệm kỳ tới thành phố đặt ra 5 nhiệm vụ chủ yếu và đặc biệt nhấn mạnh 3 khâu đột phá, đó là: (1) Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn. (2) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, t ạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô. (3) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Hà Nội cũng đã xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, nhiệm kỳ tới, Hà Nội sẽ phấn đấu phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đổi mới nhiều hơn nữa và không ngừng lắng nghe, cầu thị, tiếp thu ý kiến của nhân dân. Hà Nội quyết tâm giữ vững hình ảnh là Thủ đô thân yêu của cả nước, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

Quyết tâm của toàn Đảng bộ, quân và dân Thủ đô là động lực to lớn nhất xây dựng Thủ đô yêu quí của chúng ta ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

PV: Xin cảm ơn đồng chí và kính chúc Đại hội Đảng bộ Thành phố thành công tốt đẹp!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Thành ủy Hà Nội: Quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh và hiện đại