Bế mạc phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ngọc Mai| 20/09/2018 20:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều nay (20/9), UBTVQH đã hoàn thành Chương trình phiên họp thứ 27 và họp phiên bế mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Bế mạc phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau 9 ngày làm việc nghiêm túc, hiệu quả, UBTVQH đã hoàn thành Chương trình phiên họp thứ 27, để cho ý kiến về 9 dự án luật, nhiều nội dung quan trọng và thông qua một số nghị quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Sau phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo, dự án luật để tiến hành các bước tiếp theo hoặc gửi đến các ĐBQH trước Kỳ họp thứ Sáu đúng thời hạn quy định; đồng thời, hoàn thiện dự thảo các Nghị quyết để trình ký ban hành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý, dự kiến nội dung phiên họp này đã được thông báo từ rất sớm (từ 25/7/2018) để các cơ quan có liên quan chủ động trong công tác chuẩn bị. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung không đủ điều kiện nên phải rút khỏi chương trình; đồng thời, trên cơ sở xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng về tính cấp thiết và thực tế chuẩn bị, UBTVQH đã phải bổ sung hai nội dung vào chương trình Phiên họp thứ 27.

“Đây là vấn đề các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tiếp tục lưu ý, rút kinh nghiệm để thực hiện nghiêm túc quy định trong việc chuẩn bị và tiến hành các phiên họp sau”, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở.  

Phiên họp thứ 28 (dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 15-17/10), là phiên họp cuối để chốt các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu. Dự kiến chương trình Phiên họp thứ 28 đã được thông báo để các cơ quan hữu quan chuẩn bị, triển khai theo kế hoạch đề ra. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, các cơ quan gửi hồ sơ tài liệu đúng thời hạn để bảo đảm chất lượng, tiến độ các nội dung.

* Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường để nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường, góp phần hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường như xăng dầu sinh học và bảo đảm lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và giá dầu có biến động khó lường.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng, trong đó có xăng dầu. Cụ thể, xăng được đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít. Dầu diesel được đề nghị tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Dầu mazut, dầu nhờn được đề nghị tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Dầu hỏa được đề nghị tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 1.000 đồng/lít.

Ngoài ra, Nghị quyết còn điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng có ảnh hưởng đến môi trường như than đá, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, túi nilon, các loại thuốc khử trùng thuộc loại hạn chế sử dụng.

Đầu giờ chiều cùng ngày, Cho ý kiến về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, so với luật hiện hành, dự thảo Luật sủa đổi còn nhiều quy định chưa cụ thể. Đáng chú ý như làm sao chống thất thu thuế, chống trốn thuế và nâng cao tỷ lệ tuân thủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị cần thận trọng với việc tăng thuế vì tác động đến nhiều đối tượng. Đề cập đến thực trạng trốn thuế thời gian qua, bà Lê Thị Nga đề nghị làm rõ có hay không tình trạng “cưa đôi”?

“Thực trạng trốn thuế thời gian qua xuất phát từ những quy định trong Luật quản lý thuế này. Khẳng định thành tích của ngành Thuế là lớn, nhưng mặt hạn chế của của công tác quản lý có tình trạng “cưa đôi”. Đề nghị rà soát lại trong dự thảo Luật điều gì chưa chặt dẫn đến tình trạng “cưa đôi”, hai là trốn thuế thất thu”, bà Lê Thị Nga nêu cụ thể.

Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu dẫn chứng kinh nghiệm quốc tế sử dụng hóa đơn thuế quay số trúng thưởng nhằm tạo động lực để người dân lấy hóa đơn thuế khi mua hàng, qua đó, sẽ giúp cho kiểm soát thuế trong khi triển khai hóa đơn điện tử.

Đánh giá việc áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử và thực hiện quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử là sự tiến bộ nhưng không biết lộ trình triển khai như thế nào?, ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần làm công bằng, minh bạch, không ai nghi ngờ. Nếu khó khăn kinh phí nên có đề án mua sắm công cụ như thế minh bạch nền kinh tế.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bế mạc phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội