5 nhiệm vụ trọng tâm trong phổ biến, giáo dục pháp luật

Nhóm PV| 19/12/2019 19:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 19/12, tại Trụ sở Chính phủ đã diễn ra Hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).

Kết quả phổ biến giáo dục pháp luật

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư về việc tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32, Ban cán sự đảng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan liên quan tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32 trên phạm vi toàn quốc.

Hội nghị được tổ chức nhằm 03 nội dung chủ yếu: Đánh giá tình hình, kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW; Thông báo kết luận số 74-TB/TW/2007 của Ban Bí thư; Kết luận số 04-KL/TW/2011 của Ban Bí thư; đồng thời cho ý kiến Dự thảo Báo cáo tổng kết kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và định hướng những nội dung chính về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

5 nhiệm vụ trọng tâm trong phổ biến, giáo dục pháp luật

Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì hội nghị

Báo cáo tóm tắt về kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước giai đoạn hiện nay.

Cụ thể: Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL đã được nâng lên trên tinh thần xác định rõ hơn công tác PBGDPL là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Thể chế, chính sách của công tác PBGDPL được hoàn thiện, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ với văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Luật PBGDPL năm 2012 và các văn bản có liên quan từ cấp Nghị định đến Thông tư.

Nội dung PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu xã hội, nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương, phù hợp hơn với từng đối tượng, địa bàn; hình thức PBGDPL đã được thực hiện đa dạng, phong phú, sáng tạo, thể hiện màu sắc, văn hóa của từng vùng miền đem lại hiệu quả thiết thực; Hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã được tăng cường, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật….

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng đã chỉ ra các tồn tại, hạn chế như: Công tác PBGDPL chưa được sự quan tâm đúng mức ở một số cơ quan, tổ chức; Việc đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, sơ kết, tổng kết... chưa được chú trọng; Nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL ở các cấp, các ngành vẫn chưa đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của đất nước trong tình hình mới; Việc định hướng nội dung PBGDPL đôi lúc chưa sát với nhu cầu thực tiễn, còn dàn trải, có lúc chưa trọng tâm, trọng điểm; Cơ sở vật chất, kinh phí dành cho công tác PBGDPL chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa hoặc những địa bàn khó khăn. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa chuyển biến rõ nét.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã đề xuất 3 phương hướng và 9 nhiệm vụ đẩy mạnh công tác PBGDPL trong thời gian tới. Theo đó, 3 phương hướng là: Tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng và ý nghĩa to lớn của công tác PBGDPL đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới; Tăng cường và đổi mới toàn diện, sâu sắc sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác PBGDPL; Xác định giáo dục pháp luật là tiền đề mang tính quyết định đến việc hình thành và nâng cao ý thức pháp luật cho mọi người…

Đề xuất các giải pháp

Trên cơ sở Báo cáo tổng kết, các ý kiến phát biểu cho thấy sự thống nhất đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp uỷ đảng, chính quyền trong triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW trong 15 năm qua. Kết quả tổng kết cho thấy các cấp ủy đảng, chính quyền đã nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 32; phương thức lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều đổi mới, từ đó giúp công tác PBGDPL trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực.

5 nhiệm vụ trọng tâm trong phổ biến, giáo dục pháp luật

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Phó Chánh án TANDTTC Lê Hồng Quang tại hội nghị

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền đã chia sẻ một số cách làm hay về PBGDPL của TANDTC. Để công tác PBGDPL trong thời gian tới tốt hơn, Phó Chánh án TANDTC đề xuất một số giải pháp mới như: Đầu tư kinh phí để ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức các hoạt động PBGDPL; Nâng cao ý thức chấp hành nghiêm pháp luật trong nhân dân; Phát triển đội ngũ luật sư, người dân sử dụng dịch vụ này sẽ góp phần phòng ngừa được tranh chấp phát sinh trong tương lai...; Coi giáo dục pháp luật trong nhà trường là then chốt; Xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng, nghiên cứu bổ sung nghề sư phạm luật.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, những kết quả đạt được đó là sự cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị, thể hiện vai trò lãnh đạo và sự năng động, sáng tạo, nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tổ chức triển khai Chỉ thị số 32. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Phó Thủ tướng Thường trực biểu dương và chúc mừng những kết quả tích cực mà các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đạt được trong công tác PBGDPL thời gian qua.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của công tác PBGDPL như: Ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị đối với công tác PBGDPL vẫn chưa đầy đủ; thậm chí vẫn còn quan niệm PBGDPL là nhiệm vụ của ngành tư pháp; Ở một số nơi, cách thức PBGDPL còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, thậm chí phân tán nguồn lực, chậm đổi mới hoặc chưa phù hợp với nội dung, tính chất của đối tượng, địa bàn...

Để thực hiện tốt công tác PBGDPL, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác PBGDPL trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa với vị trí là bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng;

Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế đáp ứng công tác PBGDPL theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PBGDPL;

Ba là, xác định đổi mới công tác PBGDPL ở nước ta hiện nay là yêu cầu mang tính tất yếu khách quan, nhất là trước bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế;

Bốn là, quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện công tác PBGDPL. Trọng tâm là thực hiện rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ được giao làm đầu mối tham mưu, triển khai thực hiện công tác PBGDPL...

Năm là, tổ chức triển khai tốt các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp về công tác PBGDPL, đặc biệt là phối hợp, định hướng lựa chọn nội dung PBGDPL phù hợp để giải quyết các vấn đề đột xuất, vướng mắc về thực tiễn thi hành pháp luật.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các Ban đảng, Đảng đoàn, Ban cán sự đảng có liên quan, tỉnh ủy, thành ủy đề xuất các giải pháp, kế hoạch cụ thể, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định triển khai thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
5 nhiệm vụ trọng tâm trong phổ biến, giáo dục pháp luật