Một người đàn ông ở Thanh Hóa đã may mắn thoát chết sau nhiều lần ngưng tim, ngưng thở, do tắc động mạch vành.
Ngày 2/2, tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, các bác sỹ vừa cứu sống bệnh nhân là N.V.K., 51 tuổi, phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa, có tiền sử khỏe mạnh, chưa từng điều trị các bệnh lý về tim mạch hay huyết áp. Tối 24/1, bệnh nhân đột ngột khó thở, đau tức ngực dữ dội. Ngay sau đó bệnh nhân được người nhà chuyển đến Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ cấp cứu nội viện, khẩn cấp liên hệ các chuyên gia khoa Tim mạch, chuẩn bị trang thiết bị dụng cụ cấp cứu cho bệnh nhân.
Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển thẳng về Đơn vị can thiệp mạch. Vừa vào đến cửa phòng can thiệp tim mạch, bệnh nhân bất ngờ lên cơn đau tức ngực dữ dội, mất ý thức, mạch và huyết áp không đo được. Ngay lập tức, các bác sĩ đã phải thực hiện các quy trình phản ứng nhanh khẩn cấp: hồi sức cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốc điện 3 lần, đặt ống nội khí quản, bóp bóng. Bệnh nhân bắt đầu có mạch huyết áp, nhịp thở lại sau 5 phút cấp cứu.
Bệnh nhân K. trở về từ cõi chết sau 5 lần ngưng tim
Bệnh nhân K. được đưa vào phòng can thiệp để tiến hành chụp động mạch vành và phát hiện có huyết khối gây tắc động mạch mũ, có chỉ định đặt stent. Tuy nhiên, trong quá trình can thiệp, bệnh nhân liên tiếp ngưng tim, ngưng thở thêm 4 lần nữa và rơi vào trạng thái hôn mê sâu.
Các bác sĩ vừa ép tim ngoài lồng ngực vừa sốc điện, vừa tiến hành can thiệp động mạch vành khẩn cấp cho bệnh nhân. Sau 10 phút nghẹt thở và căng thẳng, ê kíp các bác sĩ đã hồi sức cấp cứu và can thiệp thành công, lấy huyết khối, đặt stent tái thông động mạch vành cứu sống bệnh nhân.
Thời điểm này, tình trạng bệnh nhân còn rất nguy kịch, huyết động vẫn phụ thuộc vào thuốc vận mạch liều cao, hô hấp vẫn phải hỗ trợ thở qua nội khí quản, bệnh nhân được chuyển về phòng hồi sức tích cực và chăm sóc đặc biệt vì nguy cơ cao ngừng tim do suy tim nặng, rối loạn nhịp tim nguy hiểm, biến chứng cơ học của nhồi máu cơ tim và các rối loạn chuyển hoá sau cấp cứu ngừng tuần hoàn.
5 ngày sau can thiệp, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, tự thở, huyết động ổn định, hết đau ngực, khó thở, tình trạng sức khỏe tiến triển tốt và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
Nhồi máu cơ tim là căn bệnh có diễn biến cấp tính và nguy cơ tử vong cao nên cần được chẩn đoán điều trị kịp thời chính xác nhất.
Không riêng nhồi máu cơ tim mà còn một số bệnh lý khác: loạn nhịp tim, hở van tim, suy tim…, người bệnh không nên chủ quan với những triệu chứng thoáng qua, vì đó có thể là những dấu hiệu để nhận biết và phát hiện sớm những bệnh lý tim mạch đặc biệt là ở những người có bệnh lý nền như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid, mỡ máu…
Người dân cần thường xuyên kiểm tra khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần để tầm soát phát hiện sớm và điều trị kịp thời những bệnh lý về tim mạch, giúp bảo vệ trái tim khỏe mạnh.