Thoái trào “canh bạc” đầu tư địa ốc

Theo PLTP| 09/10/2012 09:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sắp qua rồi cái thời các nhà đầu tư thứ cấp thao túng giá thị trường bất động sản.

Dường như chờ đợi pháo hiệu từ Hoàng Anh Gia Lai với dự án Hoàng Anh Thanh Bình, một loạt dự án khác trên địa bàn TP.HCM cũng được giảm giá bán sau đó.

Ván bài lật ngửa

Tuy nhiên, xét về thực chất, theo một số chuyên gia, việc hạ giá căn hộ hầu hết đều là động thái của các nhà đầu tư thứ cấp khi mua sỉ căn hộ trong dự án (nhà đầu tư thứ cấp không trực tiếp đầu tư tạo ra sản phẩm mà mua đi bán lại trên thị trường). Thị trường ngày càng tụt sâu, áp lực về tài chính quá lớn khiến họ không còn đủ kiên nhẫn ôm hàng nên đã chuyển sang “chơi bài ngửa”.

Đối với chủ đầu tư, ngoài mục đích giải phóng hàng tồn, giảm áp lực về vốn, cắt lỗ, họ còn bị đè nặng bởi nợ nần nên cũng mong thoát khỏi địa ốc càng nhanh càng tốt. Một số người đã tự thú với khách hàng về tình trạng của mình. Bà MD, Giám đốc Công ty M., có dự án chậm giao cho khách hàng, nói thẳng: “Chúng tôi không thể trả lời chính xác khi nào bàn giao căn hộ vì hiện nay công ty đang gặp khó khăn về tài chính. Chúng tôi sẽ gánh chịu về mặt pháp lý trước pháp luật và nội dung cam kết trước khách hàng”.

Đánh giá về tình hình thị trường, TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh ĐH Ngân hàng, nói thẳng: “Việc doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) giảm giá bán sản phẩm vừa qua là hậu quả của việc đầu tư sai lầm. DN còn cửa nào khác đâu, không giảm giá đồng nghĩa với chết. Kinh doanh là phải có lỗ với lãi, không thể cứ lãi mãi được. DN kinh doanh yếu, trình độ kinh doanh không tới thì phải trả giá thôi. Lúc này DN mới hiểu được giá trị học thuật. Kinh doanh là nghề chứ không phải là sự ngẫu hứng, ai cũng làm được”.

Theo ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường BĐS CBRE Việt Nam, thị trường căn hộ sẽ khó hồi phục nhanh. Chu kỳ lạm phát những năm gần đây cho thấy độ trễ từ khi lạm phát và lãi suất giảm còn dưới 10% cho đến khi thị trường căn hộ hồi phục là sáu tháng.

Thị trường trong tay người mua

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, chia sẻ: “Canh bạc đầu tư địa ốc của các nhà đầu tư đã đến hồi thoái trào. Thị trường bắt đầu thiết lập một mặt bằng giá mới và thành công sẽ đến với DN nào biết đón đầu thị trường bằng phân khúc nhà giá rẻ”.

Theo ông Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, giảm giá căn hộ là xu thế tất yếu. Đây không phải là tín hiệu xấu mà là cơ hội cho nhiều bên giải được bài toán khó. Nhiều trường hợp nhà đầu tư cần tiền, chịu thương lượng hạ 10%-15% giá trị căn hộ đã giúp cho giao dịch dễ dàng hơn. Giảm giá có thể là giải pháp kích thích tăng thanh khoản cho thị trường trong một số phân khúc có nhu cầu an cư.

Thế nhưng ông Hiển còn cho biết: “Dù đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực bắt đầu tư quý II nhưng BĐS chỉ có thể tan băng cục bộ và vẫn trong giai đoạn khó khăn với mức tiêu thụ thấp. Trong khi đó, giá BĐS tính trên thu nhập người dân còn quá cao so với các nước. Giá sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn cuối năm tại phân khúc căn hộ và đất nền. Hơn nữa, việc giá căn hộ giảm nhiều cũng cho thấy nhà đầu tư, chủ dự án phần nào “thành thật” hơn. Đầu tư địa ốc bắt đầu vãn cuộc khi quả bóng giá đang xì hơi”.

“Tóm lại theo tôi, BĐS hạ giá lúc này là tốt. Sắp tới còn hạ nữa. Đó là một bài học. Cảm ơn khủng hoảng đã dạy bài học đào thải. Cả người kinh doanh lẫn Nhà nước cũng cần phải học. Chẳng hạn, Nhà nước muốn cấp phép kinh doanh BĐS, phê duyệt đầu tư… thì cần phải xem người đó có đủ điều kiện không, đủ năng lực tài chính không...” - TS Lê Thẩm Dương kết luận.

BĐS giảm giá là đương nhiên

Một thời gian chúng ta để BĐS sốt giá quá nhiều, giá BĐS làm ra chủ yếu bán cho người đầu cơ chứ không phải cho người lao động. Nhưng chuyện giá BĐS trên trời cũ rồi. Kinh tế khó khăn nên DN BĐS không thể giữ giá cao nữa. Đây không phải là DN tự cứu mình mà đương nhiên họ phải giảm giá. Thị trường không có đầu cơ, không “sốt” thì giá sản phẩm phải giảm thôi.

Tôi cho rằng giá BĐS vẫn đang tiếp tục giảm. Một thời gian nữa thị trường mới phục hồi, nhanh hay chậm tùy thuộc vào nhà đầu tư, DN. Nghĩa là họ quyết định nên bán lúc này hay để tồn kho. Ngoài ra, thị trường BĐS còn phụ thuộc vào nền kinh tế và chính sách, nhất là chính sách pháp luật về đất đai cộng thêm nhiều ẩn số khác như chính sách tiền tệ… Do đó chưa có thể nói chính xác là bao giờ thị trường BĐS hồi phục.

GS ĐẶNG HÙNG VÕ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thoái trào “canh bạc” đầu tư địa ốc