Tuy nhiên, nếu việc mở chiến dịch là “nước cờ táo bạo” thì việc Không quân Nga giảm dần hoạt động không kích như một bước chuẩn bị cho lệnh ngừng bắn lại được cho là “nước cờ lạ” của Tổng thống Putin.
5h sáng 27/2 (theo giờ Hà Nội), lệnh ngừng bắn tại Syria - dưới sự bảo trợ của Mỹ và Nga - chính thức có hiệu lực. Trải qua 5 năm nội chiến với nhiều cuộc giao tranh đẫm máu, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và của, người dân Syria đã được chứng kiến những khoảnh khắc khá yên bình trên hầu khắp cả nước.
Nếu đánh giá quyết định không kích của Moscow là bất ngờ, thì việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời cho cuộc xung đột ở Syria kéo dài suốt 5 năm qua cũng khiến nhiều người… sửng sốt và tỏ ra hoài nghi. Mỹ thậm chí đã chuẩn bị phương án B cho Syria, và cho rằng, bản thân chính quyền Nga đang “toan tính” một kế hoạch dự phòng và chỉ chờ thực hiện khi có… lý do.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhấn mạnh, Moscow tập trung toàn tâm, toàn ý để giám sát lệnh ngừng bắn. Đối với Kremlin, việc đưa ra một kế hoạch thay thế là không bao giờ được phép, kể cả chỉ trong suy nghĩ!
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov – tác giả của bản Tuyên bố chung Mỹ - Nga về Syria. Ảnh: Russia Insider
Nhìn lại quá trình quân đội Nga mở chiến dịch quân sự nhanh chóng, thần tốc ở Syria cho thấy, tất cả đã được tính toán bài bản. Sự “đầu tư tốn kém” nhiều loại vũ khí tối tân, điển hình như chiến đấu cơ thế hệ 4++ Su-35S, tên lửa hành trình KalibrK, máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Blackjack… cùng tốc độ không kích cấp tập, tất cả cho thấy quyết tâm “đánh bại kẻ thù” cao độ - đúng với tính cách quyết đoán của Người đàn ông thép xứ Bạch Dương.
Và ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, chính quyền Nga cũng liên tục thể hiện nỗ lực bảo vệ thỏa thuận ngừng bắn mong manh mới đạt được tại Munich hôm 12/2. Điều này có thể thấy trong việc Moscow yêu cầu quân đội Damascus không bắn đáp trả để tránh xảy ra những cuộc đấu pháo qua lại làm leo thang căng thẳng.
Tuy nhiên, nếu việc mở chiến dịch là “nước cờ táo bạo” thì việc Không quân Nga giảm dần hoạt động không kích như một bước chuẩn bị cho lệnh ngừng bắn lại được cho là “nước cờ lạ” của Tổng thống Putin.
Một số chuyên gia cho rằng, nếu Nga “thừa thắng xông lên” thì rất có thể sẽ “tiêu diệt hoàn toàn mầm mống IS” tại Syria. Song thực tế, nếu tiếp tục, rất có thể quân đội Nga sẽ lại rơi vào tình trạng “chiến dịch quân sự liên miên mà không hiệu quả” như Mỹ và các đồng minh đã tiến hành từ hồi tháng 9/2014. Thêm vào đó, việc này cũng có thể dẫn đến Moscow bị hao tổn nhân lực, vật lực khi mà nước Nga vẫn trong tình trạng khủng hoảng kinh tế do bao vây, cấm vận vì bị cáo buộc liên quan đến cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine.
Thế nhưng, nếu xem xét kỹ, thực chất, thỏa thuận ngừng bắn Munich chỉ là một bản Tuyên bố chung giữa Nga và Mỹ về vấn đề Syria, bởi lệnh ngừng bắn đòi hỏi tất cả các hoạt động chiến sự phải được kết thúc hoàn toàn. Thỏa thuận ngừng bắn này không áp dụng với phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS), Mặt trận al-Nusra thân al-Qaeda, cùng các nhóm khác bị Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc coi là tổ chức khủng bố. Điều này đồng nghĩa với việc lực lượng vũ trang Nga và Syria được “ngầm” cho phép tiến hành hoạt động quân sự nhằm chống lại các nhóm khủng bố để bảo vệ lợi ích quốc gia và đồng minh - mà không bị coi là vi phạm luật pháp quốc tế.
Với thỏa thuận ngừng bắn Munich, có thể nói “Nga đã hy sinh ít nhưng lại thu lợi nhiều”, như nhận định của một số chuyên gia. Điều kiện để Nga ngừng chiến dịch không kích ở Syria là “đóng cửa” hoạt động buôn và chặn dòng chiến binh thánh chiến dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, vấn đề Ankara đã phần nào được giải quyết. Thêm vào đó, việc Mỹ đồng ý một tuyên bố tạo thuận lợi cho tiến trình hòa bình ở Syria mà không đòi hỏi Tổng thống Assad từ chức lập tức không chỉ cho thấy bước tiến mới trong chính sách của Nhà Trắng, mà còn phần nào khẳng định “thắng lợi” của Nga trong ván bài Syria “khó nhằn” này!