Thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban: Liệu chiến tranh có chấm dứt?

Trâm Anh (theo CNN)| 04/09/2019 09:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mỹ sẽ rút 5.400 quân trong tổng số gần 14.000 quân khỏi Afghanistan trong vòng 135 ngày theo một thỏa thuận hòa bình đã đạt được với tổ chức Hồi giáo cực đoan Taliban.

Mục đích là chấm dứt chiến tranh

Đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump tại Afghanistan cho biết hôm thứ Hai rằng Hoa Kỳ và Taliban đã đạt được thỏa thuận "về nguyên tắc", và đang chờ Tổng thống phê duyệt cuối cùng. Đặc phái viên Zalmay Khalilzad nói rằng theo thỏa thuận quân đội Mỹ sẽ rút quân từ 5 căn cứ trên khắp Afghanistan trong vòng 135 ngày miễn là Taliban đáp ứng các điều kiện trong thỏa thuận. Nếu thỏa thuận được tiến hành, việc rút quân có thể đánh dấu sự khởi đầu của sự kết thúc cuộc chiến kéo dài nhất nước Mỹ, cuộc xung đột kéo dài gần 18 năm được gây ra bởi các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, gây thiệt hại hàng tỷ đô la của người Mỹ. Thỏa thuận có thể dẫn đến việc rút dần dần tất cả gần 14.000 lính Mỹ trong nước, hoàn thành mục tiêu lâu dài và cam kết chiến dịch của Tổng thống, giống như giai đoạn khốc liệt nhất của chiến dịch bầu cử năm 2020 đang diễn ra.

Thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban: Liệu chiến tranh có chấm dứt?

Zalmay Mamozy Khalilzad là một nhà ngoại giao người Mỹ gốc Afghanistan, đặc phái viên hòa giải Afghanistan của Mỹ kể từ tháng 9 năm 2018

Hôm 2/9, Đặc phái viên của Mỹ về hòa giải Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad, cho biết thỏa thuận đạt được sau 9 vòng đàm phán kéo dài nhiều tháng qua với đại diện của Taliban, vẫn chờ được Tổng thống Donald Trump chấp thuận trước khi các bên đặt bút ký. "Về cơ bản chúng tôi đã hoàn tất. Thỏa thuận đã xong.  Nếu các điều kiện của thỏa thuận được thực hiện, chúng tôi sẽ rút khỏi 5 căn cứ mà chúng tôi đang đóng quân trong vòng 135 ngày", ông Khalilzad cho biết. Đổi lại, Taliban cam kết sẽ không để các nhóm phiến quân khủng bố khác như al Quaeda hay Nhà nước Hồi giáo (IS) dùng Afghanistan như căn cứ để tấn công Mỹ và các đồng minh.

Ông Khalilzad, nhà ngoại giao người Mỹ gốc Afghanistan, cho biết mục đích của thỏa thuận là chấm dứt chiến tranh và giảm tình trạng bạo lực ở Afghanistan nhưng không có thỏa thuận ngừng bắn chính thức. Ông Khalilzad nói rằng nội bộ Afghanistan phải tự thỏa thuận lấy vấn đề này. Theo ông Khalilzad, các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan, có thể được tổ chức ở Nauy, là nhằm đạt được một thỏa thuận chính trị rộng hơn và chấm dứt cuộc chiến giữa Taliban và chính phủ do phương Tây hậu thuẫn tại Kabul.
Đáp lại, người phát ngôn của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, ông Sediq Sediqqi, cho biết Tổng thống Ghani sẽ xem xét chi tiết dự thảo về thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban trước khi nêu ý kiến. "Đối với chúng tôi, một nền hòa bình toàn diện hay con đường dẫn đến nền hòa bình toàn diện là chấm dứt bạo lực và đàm phán trực tiếp với Taliban", ông Sediqqi tuyên bố.

Ngoài ra, khả năng Mỹ rút hơn 8.000 quân còn lại đang đóng tại Afghanistan sẽ phụ thuộc vào một số điều kiện, bao gồm việc bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và Taliban cũng như việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Thỏa thuận không ngăn được bạo lực tiếp diễn

Tin tức về thỏa thuận được đưa ra khi bạo lực đang tăng mạnh ở Afghanistan, với vụ tấn công mới nhất xảy ra chỉ vài giờ sau cuộc phỏng vấn Khalilzad. Một quả bom xe nhắm vào một đồn cảnh sát Afghanistan ở thủ đô Kabul hôm thứ Hai, gần khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt, nơi có nhiều đại sứ quán và tổ chức quốc tế. Ít nhất 5 người đã thiệt mạng và 50 người khác bị thương và được đưa đến bệnh viện, người phát ngôn Bộ Nội vụ Nasrat Rahimi nói với CNN. Taliban lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công này. Tổ chức này khẳng định nhắm vào người nước ngoài khi đánh bom vào khu nhà dành cho người nước ngoài ở Kabul. Vụ tấn công cho thấy lo ngại rằng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban sẽ không ngăn được bạo lực diễn ra mỗi ngày tại Afghanistan và gây thiệt hại về người và của cho thường dân.

Taliban đã tiến hành các cuộc tấn công vào hai thành phố phía bắc Afghanistan trong hai ngày cuối tuần. Các cuộc tấn công diễn ra sau cái chết của ba lính Mỹ trong các hoạt động chiến đấu trong hai tuần qua.

“Rút quân” và “ngừng bắn” - vẫn còn chưa chắc chắn

Kể từ khi đảm nhận công việc đặc phái viên hòa giải một năm trước, Khalilzad đã tổ chức 9 vòng đàm phán với Taliban tập trung vào bốn vấn đề chính: rút quân của Mỹ, bảo đảm chống khủng bố, ngừng bắn và đàm phán nội bộ Afghanistan. Khalilzad nói rằng Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận trả lại hệ thống cai trị Hồi giáo nghiêm ngặt của Taliban, và nói chính quyền Trump muốn một chính phủ được thành lập sau khi các cuộc đàm phán hòa bình ở Afghanistan được tất cả người Afghanistan đồng ý. Mặc dù vậy, các quan chức tình báo cấp cao đã nhiều lần cảnh báo rằng đất nước vẫn còn mong manh và vẫn có khả năng trở thành thiên đường của khủng bố.

Khalilzad nói rằng việc Mỹ rút khỏi năm căn cứ phụ thuộc một phần vào tình hình an ninh và giảm đáng kể bạo lực ở những khu vực đó, nhưng ông nói thêm rằng ông "không thể gọi đó là ngừng bắn, vì đã thống nhất rằng việc thỏa thuận ngừng bắn thuộc về các cuộc đàm phán hòa bình nội bộ Afghanistan."

Tổng thống Ashraf Ghani bày tỏ sự hoài nghi về kết quả đàm phán. Taliban nói rõ rằng họ sẽ chỉ đàm phán ngừng bắn và dàn xếp chính trị với chính phủ Afghanistan và các lực lượng chính trị Afghanistan khác sau khi việc rút quân của Mỹ được hoàn tất.

Hôm thứ Hai, Khalilzad cho biết chính phủ Afghanistan đã được hỏi ý kiến về tất cả các vấn đề của các cuộc đàm phán, bao gồm cả việc rút quân Mỹ, bảo đảm chống khủng bố và ngừng bắn. Đặc phái viên nói thêm rằng Tổng thống Afghanistan Ghani và cựu Tổng thống Abdullah Abdullah đều đã đọc thỏa thuận, nhưng không được cung cấp bản sao. Ông nói rằng thỏa thuận bắt buộc rằng các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan sẽ bắt đầu sớm, và thêm rằng chúng sẽ diễn ra trước cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan vào ngày 28 tháng 9.

Người phát ngôn của Ghani cho biết tổng thống Afghanistan "đã xem" thỏa thuận và những "chi tiết chính" của thỏa thuận đã được chia sẻ với ông. Chính phủ Afghanistan sẽ nghiên cứu thỏa thuận và đưa ra phản hồi.

Vào tháng 8, Trump nói với Fox News Radio rằng ông đang lên kế hoạch rút hàng ngàn lực lượng Mỹ khỏi đất nước này, nhưng sẽ giữ lại 8.600 binh sĩ ở đó, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Trump nói rằng đối với Hoa Kỳ, điều quan trọng nhất lúc này vẫn là phải duy trì sự hiện diện quân đội ở đây vì Afghanistan là "Đại học Khủng bố Harvard".

Kế hoạch rút quân của Tổng thống Trump đã nhiều lần bị đảng Cộng hòa trong Quốc hội, bao gồm Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Nam Carolina phản đối. Tuần trước, vị tướng hàng đầu của Hoa Kỳ nói rằng còn sớm để sử dụng từ "rút quân" khi nói đến Afghanistan. Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cũng cho biết bất kỳ thỏa thuận nào với Taliban phải đảm bảo rằng Afghanistan không trở thành "thánh địa" cho những kẻ cực đoan. "Tôi nghĩ rằng nó còn quá sớm, hiện tại tôi không sử dụng từ "rút quân", Dunford nói với các phóng viên tại Lầu năm góc.

Hiện vẫn chưa rõ các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ như thế nào do cho đến nay Taliban vẫn từ chối thỏa thuận trực tiếp với chính phủ Afghanistan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban: Liệu chiến tranh có chấm dứt?