Thơ Nguyễn và khoảng trống

Mộc Miên| 17/03/2021 09:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bên cạnh việc dành thời gian cho con nhiều nhất có thể, các bậc phụ huynh cần đồng hành với con để con chia sẻ những vấn đề con gặp phải trên không gian mạng là điều vô cùng quan trọng hiện nay.

Cuối cùng thì vụ việc lùm xùm liên quan đến Kênh Thơ Nguyễn cũng đã lắng lại sau một tuần “dậy sóng”.

Tính đến 15/3, cả 3 trang chính thức của Thơ Nguyễn trên TikTok, Facebook, YouTube đều đã xóa toàn bộ nội dung. Chỉ còn giữ lại clip “Tạm biệt” cùng những giải thích vụ lùm xùm liên quan đến búp bê với mong muốn những ồn ào sớm được khép lại.

Mọi sự bắt nguồn từ việc ngày 25 và 27/2, Thơ Nguyễn đăng 2 clip có nội dung về búp bê Kumanthong trên kênh TikTok của mình. Đáng chú ý, trong clip đăng ngày 27/2, Thơ Nguyễn cho biết do "nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ" nên quay video dùng búp bê để "xin vía học giỏi".

tho-nguyen-1.jpg
Ảnh chụp từ Clip Thơ Nguyễn dùng búp bê xin vía học giỏi cho trẻ em khiến cộng đồng giận dữ

Video này nhanh chóng vấp phải sự phản đối gay gắt từ nhiều người. Một số phụ huynh cho rằng nội dung video tuyên truyền mê tín dị đoan và lo lắng con mình suy nghĩ lệch lạc vì clip của Thơ Nguyễn. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sau đó đã vào cuộc yêu cầu TikTok, YouTube chặn các clip búp bê Kumanthong của Thơ Nguyễn; đồng thời phối hợp với đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an mời chủ kênh lên làm việc.

Không còn bạn nhỏ nào có thể xem được video trên TikTok với nội dung 'xin vía học giỏi' từ búp bê Kumanthong và phụ huynh cũng không vì thế mà lo lắng ảnh hưởng tiêu cực cho con từ video này.

Ở một góc độ, những thứ bề nổi là sự vật hiện tượng mà người lớn chúng ta nhìn thấy có thể gây nguy hại cho con em đã được “đóng hộp” lại để chúng phải biến mất khỏi tầm nhìn. Để người lớn cảm giác yên tâm rằng đã bảo vệ con khỏi những thứ độc hại trên mạng.

Nhưng trẻ em thì sao, ngơ ngác chông chênh trước khoảng trống vô hình!

Ra đời từ 2016 với những nội dung dành cho trẻ em, Kênh YouTube Thơ Nguyễn đã được không ít các bạn nhỏ đón nhận, tính đến ngày 26/1/2021 là 8,62 triệu lượt người theo dõi. Với lượng người theo dõi đáng kinh ngạc này không khỏi khiến chúng ta suy ngẫm.

Con gái tôi năm nay học lớp 8, do việc học hành chiếm nhiều thời gian nên con cũng ít vào mạng, không xem ti vi. Vài ngày trong tuần chỉ mượn điện thoại của mẹ để tra từ điển trong vòng mấy chục phút. Con tôi cũng chưa bao giờ xem Thơ Nguyễn, Khá Bảnh hay Huấn Hoa Hồng, vậy mà không ít lần tôi “té ngửa” khi chứng kiến con kiên nhẫn ngồi nhai từng miếng cơm đủ gần 100 lần để bắt trước cách thần tượng giảm thói quen ăn uống; “ngủ nướng” theo thần tượng vì... “idol của con có thói quen ngủ nướng”; đeo băng-đô và muốn mặc quần áo giống thần tượng… Mọi thứ con cập nhật được chỉ là tích tắc trong những phút tra từ.

Thế mới biết, người lớn, đặc biệt là các bậc phụ huynh chúng ta thường quan tâm chuyện con học hành không chuyên tâm, ăn uống không đủ, “đu” theo thần tượng hay bạn xấu, chuyện con đến trường bị bắt nạt, nguy cơ bị bạo hành, xâm hại… mà quên đi còn có những thứ tưởng như vô hại lại có thể xâm nhập vào nếp nghĩ thói quen của con chỉ trong tích tắc.

Chỉ là những clip ngắn “vui thôi mà” Kênh Thơ Nguyễn đã gây nghiện cho các con. Giờ đây không phải là lúc chúng ta bàn đến nội dung tốt hay xấu, lợi hay hại, vì bản thân Kênh Thơ Nguyễn cũng không phải kênh giáo dục bắt buộc của trẻ em. Điều đáng nói, dường như lũ trẻ đã tìm đến Thơ Nguyễn như một người chị, người bạn lớn không bao giờ quát mắng trẻ, không bao giờ bắt chúng học đi, làm việc nhà… và nếu không phải Thơ Nguyễn thì rất có thể là một ai đó giống như Thơ Nguyễn.

Có lẽ người lớn chúng ta đã bỏ trống một khoảng khá lớn với các con. Sự thật là một ngày tối thiểu 8 tiếng người lớn làm việc không cùng con, trẻ em cũng phải đến lớp học, hay chơi bời, ăn ngủ mà không có cha mẹ bên cạnh. Nhưng rồi qua 8 tiếng đó, mỗi phụ huynh ngoài ăn uống sinh hoạt, mấy người đã dành thời gian ít ỏi còn lại để cùng chơi, hay chuyện trò lắng nghe con, hay chỉ bận và bận với những việc đôi khi là lướt web, tán gẫu, chơi game. Có người thì bật tivi, cho con cái điện thoại “cho yên chuyện”, để lại con trong khoảng trống chơ vơ, hụt hẫng ngay cạnh cha mẹ mình.

Có lẽ đó cũng là lúc nhiều trẻ em đã nghĩ đến chị Thơ Nguyễn, một video cũng chỉ trong 60s hay một vài phút thôi cũng đã đủ tạo ra niềm vui nho nhỏ để các con lấp đầy khoảng trống đó.

Tôi hoàn toàn đồng ý với những phản ứng và chỉ trích clip video dùng búp bê để "xin vía học giỏi" của Thơ Nguyễn. Phản ứng của các phụ huynh đã thể hiện sự quan tâm, lo lắng muốn bảo vệ cho con em mình. Nhưng tôi cũng hoang mang về cách bảo vệ con của một số phụ huynh. Không ít người thường cấm đoán con không được xem cái này, cái kia hoặc bài trừ những thứ chúng ta cho là nguy hại đối với các con, mà không giúp con hiểu thấu đáo và có các kỹ năng bảo vệ mình như tự loại bỏ những thông tin, hình ảnh không phù hợp với các con.

Vì lo lắng cho con nên vô hình chung nhiều phụ huynh đã xây một bức tường thép bao quanh con bằng những lệnh cấm con mình, chỉ trích người khác, thậm chí phản ứng dữ dội kéo theo nhiều yếu tố khác vào bức tường đó. Những sự thực thì lẽ ra họ nên đóng vai trò là hàng rào bảo vệ con.

Trong xu thế 4.0, Việt Nam với gần 75% sử dụng mạng xã hội, thì bên cạnh việc dành thời gian cho con nhiều nhất có thể, các bậc cha mẹ cần đồng hành với con để con chia sẻ những vấn đề con gặp phải trên không gian mạng là điều vô cùng quan trọng hiện nay. Dạy con sử dụng smartphone thế nào, ứng xử trên mạng xã hội ra sao để tự bảo vệ mình thật sự là một điều người lớn, đặc biệt các phụ huynh cần nghiêm túc dành nhiều tâm sức hơn. Có như thế, mới không còn khoảng trống để có thể xuất hiện thêm một Thơ Nguyễn nào đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thơ Nguyễn và khoảng trống