Người ta cứ gọi Thẩm phán Ngô Công Tuấn là “Chánh án marathon” bởi ở huyện giáp biên Mường Lát, Thanh Hóa địa bàn rộng, chia cắt, giao thông rất khó khăn, vì công việc mà cán bộ Tòa án phải cuốc bộ hàng chục km.
Đi nhiều, thấy không ít nơi ở vùng biên này còn rất khó khăn, anh luôn cố gắng hoàn thành thật tốt công việc cơ quan, rồi lại trực tiếp tham gia các hoạt động thiện nguyện, ủng hộ đồng bào, trẻ em...
Hết mình vì công việc
Anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng, không hẹn mà lại “va nhau” ở nơi thị thành. Vào cơ quan mà anh cứ ôm khư khư cái balo, hóa ra trong đó có ma túy, anh đem đi giám định hàm lượng về phục vụ công tác xét xử. Biết anh vội nên tôi không dám giữ lâu, chỉ nói đùa: “Tôi chán thành phố bon chen rồi, anh cho bám càng lên núi ở một thời gian?”. Anh chỉ cười, thoăn thoắt đi ra. Thế mà trưa quay lại, anh kéo bằng được tôi để hành quân lên núi. Tôi chỉ kịp chạy ù về nhà, vơ mấy bộ quần áo, đồ dùng cá nhân nhét đầy túi xách rồi hai anh em kéo ra quán cơm bụi, trước khi hành quân.
Từ TP. Thanh Hóa lên Mường Lát khoảng 250km. Ngày trước đường sá chưa thông thì đi 1- 2 ngày mới tới nơi, nay giao thông thuận tiện hơn nhưng cũng mất quá nửa ngày mới tới trung tâm huyện. Đây là một huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, thuộc 1 trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước, địa bàn rộng, hiểm trở, đa phần là núi đá, đi lại khó khăn. Có xã cách trung tâm huyện 45km, có bản cách trung tâm huyện 55 đến 60km, trong đó có hơn 100km đường biên giới giáp nước CHDCND Lào. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80% dân số toàn huyện, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao, Mường, Khơ mú, trình độ dân trí thấp nên nhận thức pháp luật còn hạn chế.
Trên chuyến xe “Hải Muối”, chúng tôi băng qua không ít núi rừng, những khúc cua tay áo và cả những câu chuyện phiếm. Tới huyện, dù trời đã tối mịt nhưng do liên hệ trước nên tôi được bố trí ở nhà khách huyện Mường Lát, còn anh Tuấn về nhà công vụ cơ quan. Có một đêm nghỉ ngơi, sáng ra tinh thần tôi rất phấn chấn, các cơ quan của huyện ở gần nhau nên chỉ mất vài phút đi bộ. Sang tới nơi, Chánh án Tuấn đã chỉnh tề có mặt ở cơ quan.
Thẩm phán Ngô Công Tuấn tham gia hoạt động thiện nguyện
Anh cho biết: TAND Mường Lát có 3 Thẩm phán, 2 Thư ký, 1 kế toán và 2 cán bộ hợp đồng và hiện tại đơn vị còn thiếu biên chế theo định biên. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ công chức làm chuyên môn đã có trình độ cử nhân Luật, trong đó có 2 người được đào tạo chính quy. Trong thực hiện nhiệm vụ, đa số cán bộ công chức yên tâm công tác, nhiệt tình, có tinh thần học hỏi và có trách nhiệm cao với nhiệm vụ được giao. Những năm gần đây, lượng án ngày càng tăng nhưng số lượng biên chế chưa được bổ sung đủ nên gặp nhiều khó khăn trong công tác chuyên môn và hoạt động chung của cơ quan. Cơ sở vật chất được trang bị từ năm 1997 đến nay đã hư hỏng nặng; máy vi tính, máy photo được trang bị từ các năm 2002 đến 2005 nay đã hư hỏng dẫn đến hạn chế hiệu quả hoàn thành công việc chung của đơn vị. Cán bộ công chức trong đơn vị phần lớn là người miền xuôi được điều động lên miền núi công tác, chưa thông thạo phong tục tập quán, không hiểu tiếng dân tộc của người địa phương nên gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp và giải quyết công việc.
Năm 2014, Thẩm phán Ngô Công Tuấn được bổ nhiệm Chánh án TAND huyện Mường Lát. Thời điểm đó, đơn vị có những tồn tại, công việc đình trệ nhưng với sự lãnh đạo của Chánh án Tuấn bằng sức trẻ, sự nhiệt huyết, cách làm việc khoa học nên TAND huyện Mường Lát có sự chuyển biến rõ rệt. Công tác giải quyết chuyên môn chủ yếu là xét xử các vụ án được giải quyết đúng thời hạn pháp luật quy định, không để tồn đọng và có án oan sai, bỏ lọt tội phạm. Tinh thần trách nhiệm, phối kết hợp trong cán bộ, công nhân viên chức lao động được phát huy tối đa, luôn vượt mức các chỉ tiêu đặt ra. Hàng năm, 100% cán bộ công chức, viên chức đơn vị đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” trở lên. Năm 2014, cơ quan có 1 chiến sĩ thi đua cơ sở, năm 2015 cơ quan có 2 chiến sĩ thi đua cơ sở và 2 người được Chánh án TANDTC tặng “Bằng khen”. Tập thể luôn là “Tập thể Lao động xuất sắc”.
Từ ngày Chánh án Tuấn về công tác tại nơi “phên giậu” này, các phong trào hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ diễn ra thường xuyên, vui vẻ, có nhiều giải cao trong tỉnh. Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ người nghèo, đồng bào bão lụt miền Trung, ủng hộ chiến sĩ Trường Sa, Bà mẹ Việt Nam anh hùng... đơn vị đều tích cực tham gia.
Mang hơi ấm nơi “phên giậu Tổ quốc”
Chánh án Ngô Công Tuấn tâm sự rằng các dự án thiện nguyện hướng về vùng cao đều chung một mục tiêu giúp đỡ người dân ở đó thoát nghèo. Nhưng theo anh, muốn giúp họ thoát nghèo từ trong suy nghĩ thì cần xây dựng cho họ nền tảng kiến thức cơ bản. Mà nền tảng đó cần bắt nguồn từ giáo dục, bắt đầu từ tấm bé, bắt đầu từ nhận thức sơ khai. Vậy nên, dự án của nhóm hướng đến đối tượng thụ hưởng là trẻ em. Ngoài ra, khi đi tiền trạm, đoàn khảo sát thực sự xúc động trước tinh thần hiếu học của các em nhỏ nơi đây cùng với sự nhiệt tình, không quản ngại khó khăn của các thầy, cô giáo miền ngược khi quyết tâm lên đây lập nghiệp, mang con chữ tới cho các em. Vậy nên, quỹ “Vì trẻ em vùng cao” với mục tiêu gây quỹ cộng đồng để xây trường, điểm trường tại các khu vực khó khăn; hướng tới hỗ trợ trẻ em vùng cao với ảnh hưởng lâu dài hơn, bằng việc hỗ trợ, tạo điều kiện để các em nhận được sự giáo dục tốt hơn, qua đó có một tương lai tốt hơn, bắt đầu từ điều kiện cơ bản là một mái trường.
Để cho tôi thấy thực tế dự án, anh Tuấn chở tôi trên chiếc xe Dream cũ từ cầu Mường Thanh (thị trấn Mường Lát) tới xã Tam Chung. Điểm trường bản Ón cách trung tâm xã khoảng 20km, đi vào mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Quả không sai khi gọi anh là chuyên gia đi bộ, leo núi bởi tôi thì bở hơi tai với đoạn đường đất, dốc cao nhưng anh Tuấn vẫn đi thoăn thoắt. Xung quanh chỉ toàn là đồi núi hiện ra một ngôi trường chỉ có thể tả là “tồi tàn và ẩm thấp”. Mái được lợp bằng lá tranh, bức vách đã bị mối mọt ăn, trong lớp chỉ vài ba bộ bàn ghế đã cũ, hai ba lớp cùng học chung. Những hôm trời mưa bị dột ngập cả nền đất, chưa kể đến cái lạnh cái giá rét của mùa đông gió lùa trong phòng học đơn sơ này. Điểm trường có tổng số học sinh là 98 em, đều là dân tộc H’Mông. Tập tục sống trên các đỉnh núi cao nên để đến được lớp học các em phải đi qua các con đường rừng cheo leo một bên là núi một bên là vực sâu, nhiều em phải vượt vài quả núi, lội dăm ba con suối. Các em đùm cơm nắm đến trường ăn trưa, bữa cơm chỉ có muối và vài cọng rau.
Hiện nhóm của anh Tuấn đang kêu gọi và trực tiếp ủng hộ khoảng 400 triệu đồng để hiện thực hóa phương án xây dựng: 4 phòng học, công trình vệ sinh, 1 bể nước, khu vui chơi. Thấy hoạt động của nhóm có ý nghĩa, một số tổ chức và ngân hàng cũng đã chung tay vào cuộc để hoàn thiện các hạng mục khác, trao quần áo, sách vỡ cho các em học sinh nơi đây. Hiện tại, nền trường đã được hoàn thiện, dự kiến khoảng cuối tháng 12/2016 sẽ khánh thành.
Hôm nay là cuối tuần, không có ai tới trường nhưng tôi đã mường tượng ra những tiếng cười đùa, tiếng hát, tiếng học bài của các cô, cậu học sinh khi có ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp. Tôi cũng thấy được vẻ mặt rạng ngời của Chánh án Ngô Công Tuấn - người hết mình vì công việc và các hoạt động thiện nguyện, góp phần mang lại sự yên vui, ấm áp nơi phên giậu Tổ quốc.