Bế mạc phiên họp thứ nhất UBTVQH khóa XIII, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã họp, thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật Đo lường; nghe báo cáo về bảo đảm cơ sở vật chất, hậu cần, thông tin tuyên truyền phục vụ hoạt động của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội.
Trạm cân Dầu Giây Đồng Nai
Luật Đo lường điều chỉnh về các hoạt động đo lường bắt buộc phải áp dụng (đo lường pháp định); quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, đa số ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh như quy định trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, theo một số đại biểu, cần có một chương quy định rõ hơn về đo lường khoa học và đo lường công nghiệp.
Có ý kiến cho rằng: Tại sao không quy định về phương tiện đo cổ truyền và các phương pháp đo dân gian khác bởi trong thực tế, các phương tiện này được sử dụng phổ biến. Song, theo ông Phan Xuân Dũng, phương pháp đo cổ truyền ở mỗi khu vực có một quy chuẩn khác nhau như đơn vị “tá” thì có khu vực quy định là 12, có khu vực chỉ có 10. Hay ở miền núi, khi nói về một khoảng cách có ước lượng “một con dao quăng”, do đó việc quy định vào luật rất khó…
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết thêm, về đơn vị đo cổ truyền, pháp luật quốc tế muốn loại bớt, do đó Điều 7 của dự thảo Luật có quy định đo cổ truyền nhưng không khuyến khích áp dụng và chỉ giữ lại các đơn vị phổ biến và mang tính thống nhất.
Liên quan đến thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm, có ý kiến cho rằng các quy định thanh tra, kiểm tra cơ bản giống nhau, việc quy định kiểm tra theo kế hoạch định trước sẽ khó phát hiện được các sai phạm, đồng thời, đề nghị nên quy định kiểm tra chéo, kiểm tra độc lập; mức xử phạt cần nâng cao hơn nữa, gấp 40-50 lần so với số tiền thu lợi bất chính. Chế tài xử phạt phải nghiêm minh, cần áp dụng phương pháp xử phạt kép, ngoài xử phạt còn phải đình chỉ hoạt động đối với cơ sở cố tình vi phạm pháp luật về đo lường; sau khi xử phạt cần công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để bảo đảm tính răn đe nhằm ngăn chặn các trường hợp tái phạm…
Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về quy trình, thẩm quyền xử phạt đối với từng hành vi, mức độ vi phạm, đặc biệt là trường hợp mức phạt vượt quá mức phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Tiếp thu các ý kiến nêu trên, trong dự thảo Luật này, các quy định về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được tách ra khỏi Chương quản lý nhà nước về đo lường, lập Chương VII mới về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường. Bổ sung quy định thẩm quyền xử phạt trong trường hợp mức phạt vượt quá mức phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; một số biện pháp xử lý vi phạm, cách tính số tiền xử phạt sẽ được quy định trong các văn bản dưới luật.
Về việc hướng dẫn kiểm tra đo lường, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, quy định trách nhiệm của UBND cấp xã tổ chức hướng dẫn kiểm tra về đo lường trên địa bàn theo địa phương là chưa hợp lý. Bởi, lĩnh vực đo lường thuộc chuyên ngành đặc thù, cán bộ chuyên trách còn ít, liệu UBND cấp xã có làm nổi không? Dự thảo Luật cần đặt định hướng ưu tiên sử dụng các tổ chức kiểm định đo lường ở các địa phương. Cần phân định rõ chức năng quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các cấp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị: Trách nhiệm, chức năng quản lý Nhà nước do Chính phủ thực hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như an ninh quốc phòng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm chính, còn Bộ Khoa học và Công nghệ lại đứng ở vị trí phối hợp. Như vậy, sẽ không làm nổi bật được vị trí cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm quản lý nhà Nnước là Bộ Khoa học và Công nghệ.
Dự thảo Luật Đo lường sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ II Quốc hội khóa XIII vào tháng 10 tới.
M.Thoa