Những câu hỏi về việc Nga bị cấm dự Olympic mùa Đông 2018

Theo vnexpress| 07/12/2017 15:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Án phạt do Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đưa ra có chút nhân nhượng, nhưng vẫn khiến thể thao Nga trải qua những ngày đen tối.

Tại sao Nga bị IOC cấm? Đây là kết quả cuộc điều tra từ Tổ chức phòng chống doping thế giới WADA nhằm vào hệ thống doping do chính phủ Nga bảo trợ cho các VĐV ở Thế vận hội mùa Đông 2014 diễn ra ở Sochi (Nga). 

Chủ tịch IOC Thomas Bach thông báo hình phạt ở Lausanne (Thụy Sĩ) hôm 5/12, sau khi đọc báo cáo về cuộc điều tra kéo dài 17 tháng của cựu tổng thống Thụy Sĩ Samuel Schmid. Dù Nga liên tục phủ nhận, báo cáo của Schmid đã tìm ra bằng chứng họ vi phạm luật phòng chống doping có hệ thống, khi chính phủ can thiệp và ủng hộ các sai phạm ở Sochi cách đây ba năm.

Bach nói: “Đây là đòn đánh chưa có tiền lệ nhằm vào sự minh bạch của Olympic và thể thao, dấu chấm hết cho những mờ ám và cũng là nền tảng để hướng tới một hệ thống chống doping hiệu quả hơn”.

Olympic mùa Đông ở Hàn Quốc khởi tranh từ 9/2 năm tới sẽ vắng bóng cường quốc thể thao toàn cầu. Ủy ban Olympic Nga (ROC) bị cấm góp mặt, nhưng IOC cho phép các VĐV Nga trong sạch đến dự giải với danh nghĩa “VĐV Olympic từ Nga” (OAR). “Đây sẽ là bài học răn đe cho những ai có ý định sử dụng doping”, IOC tuyên bố.

nhung-cau-hoi-ve-viec-nga-bi-cam-du-olympic-mua-dong-2018

Nga giành vị trí nhất toàn đoàn ở Thế vận hội mùa Đông 2014 trên sân nhà.

Cuộc điều tra bắt nguồn từ đâu? Sự việc được khởi xướng bởi bác sĩ Grigory Rodchenkov – Giám đốc phòng thí nghiệm chống doping của Nga ở Sochi 2014. Ông khẳng định chính quyền đã cho phép thực hiện chương trình doping có hệ thống. Khi đó, ông phải tạo ra các chất tăng cường hiệu quả thi đấu cho VĐV và tráo đổi các mẫu nước tiểu để tránh bị phát hiện.

WADA còn nhận được sự hỗ trợ từ tiến sĩ luật thể thao người Canada Richard McLaren, chuyên nghiên cứu các dấu hiệu vi phạm. Kết luận từ McLaren cho thấy 1.000 VĐV Nga từ 30 môn thể thao đã hưởng lợi từ chương trình doping giai đoạn 2012-2015. Các dữ liệu WADA thu thập từ phòng thí nghiệm ở Nga trùng với kết luận của McLaren. Họ cũng từng tái kiểm tra doping với các VĐV Nga, đi đến án phạt nguội và tước huy chương. Tuần trước, một hội nghị của IOC do luật sư người Thụy Sỹ Denis Oswald chủ trì đã nhất trí tuyệt đối trước các bằng chứng mà tiến sĩ Rodchenkov cung cấp.

Nga còn chịu hình phạt nào từ IOC? Phó Thủ tướng, cựu Bộ trưởng thể thao Nga Vitaly Mutko sẽ không được tham dự các Đại hội sau này. Trong báo cáo gửi tới IOC, Schmid cho rằng Mutko chịu trách nhiệm hoàn toàn cho những sai phạm trên cương vị Bộ trưởng.

Mutko hiện tại là trưởng ban tổ chức World Cup 2018. Tuy nhiên, sau quyết định của IOC, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã khẳng định quá trình chuẩn bị cho World Cup không bị tác động. FIFA sẽ dùng mọi cách để đảm bảo bóng đá không nhuốm màu doping. Mọi cầu thủ dự giải đều được kiểm tra doping. Các mẫu doping cũng sẽ được phân tích ở phòng thí nghiệm của WADA bên ngoài nước Nga.

Lệnh trừng phạt từ IOC còn nhắm vào các quan chức khác của Nga. IOC không cấp phép cho bất kỳ lãnh đạo nào của Bộ thể thao Nga hoạt động tại Pyeongchang 2018. Cựu thứ trưởng thể thao Yuri Nagornykh bị cấm vĩnh viễn tham dự các kỳ Olympic. Ông Dmitry Chernyshenko – cựu CEO hội đồng tổ chức Sochi 2014 – buộc phải rút khỏi ban hợp tác tổ chức Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022. Trong khi đó, Chủ tịch ROC Alexander Zhukov bị cách chức thành viên IOC.

ROC cũng bị phạt 15 triệu đôla để hoàn trả chi phí điều tra và hỗ trợ thành lập Cơ quan kiểm tra độc lập (ITA). Nếu Nga tôn trọng và tuân thủ những gì IOC yêu cầu, các biện pháp trừng phạt có thể được tháo dỡ vào ngày bế mạc Đại hội năm 2018.

nhung-cau-hoi-ve-viec-nga-bi-cam-du-olympic-mua-dong-2018-1

Mutko (trái) cùng Chủ tịch đương nhiệm của FIFA Gianni Infantino trong một hoạt động khởi động cho World Cup 2018.

Những VĐV trong sạch của Nga làm thế nào để được dự Thế vận hội mùa Đông 2018? IOC cho phép các VĐV Nga tham dự với tư cách cá nhân, hoặc dưới màu áo OAR. Nếu thành viên của OAR đoạt HC vàng, bài ca Olympic cử hành thay bằng quốc ca Nga. Một ban chuyên môn do IOC bổ nhiệm sẽ quyết định liệu một VĐV Nga có thể tham dự hay không, dựa vào một số quy tắc đặc biệt. Bên cạnh các tiêu chuẩn về trình độ, VĐV cần đảm bảo không dính dáng tới cáo buộc doping.

Các VĐV này cũng được kiểm tra doping đặc biệt trước thềm Đại hội bởi đội ngũ chuyên trách. Ngoài ra, họ phải tuân thủ mọi yêu cầu kiểm tra doping của ban chuyên môn, để đảm bảo sân chơi bình đẳng.

Nga đã phản ứng thế nào? Chủ tịch ROC Zhukov nói rằng án phạt vừa tích cực lại vừa tiêu cực. Ông ủng hộ việc IOC cho phép các VĐV Nga chân chính đến Pyeongchang 2018, nhưng không đồng tình với quy định họ phải thi đấu với danh nghĩa đoàn trung lập. “Nếu những án phạt tạm thời được dở bỏ vào ngày cuối Đại hội, các VĐV Nga của chúng tôi sẽ thi đấu dưới lá cờ Nga”, ông nói. Hiện tại, khả năng các VĐV Nga trong sạch tham dự Olympic mùa Đông 2018 vẫn còn bỏ ngỏ.

Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng - An ninh Thượng viện Nga Frants Klintsevich kêu gọi các VĐV Nga không nên dự Olympic 2018 nếu họ không được chiến đấu dưới màu cờ quốc gia. “Tôi không rõ quyết định cuối cùng của Nga ra sao. Nhưng theo tôi, một cường quốc thể thao không thể trở thành ‘ẩn danh’ ở Olympic”, ông nói trên tờ RIA Novosti.

Chính trị gia Igor Morozov ngầm cho rằng án phạt không chỉ nằm trên khía cạnh thể thao, khi khẳng định IOC đã phát động “cuộc chiến kép” lên Nga.

Người đứng đầu môn trượt băng tốc độ Nga Alexei Kravtsov nói rằng quyết định tham dự thuộc về các VĐV. “Nhưng họ phải tuân thủ một số quy định riêng mà nghe thật lố bịch”, ông nói với R-SportChủ tịch Liên đoàn xe trượt băng Alexander Zubkov nói rằng ông bị sốc khi biết tin. Tháng trước, Zubkov bị tước hai HC vàng ở Sochi 2014 và bị cấm dự Olympic vĩnh viễn vì dùng doping.

Đài truyền hình quốc gia Nga VGTRK cũng tuyên bố không phát sóng Olympic mùa Đông nếu không có đội tuyển Nga.

nhung-cau-hoi-ve-viec-nga-bi-cam-du-olympic-mua-dong-2018-2

Thế vận hội mùa Đông 2018 sẽ vắng bóng cường quốc thế thao Nga. 

Một số ý kiến khác? Bộ trưởng thể thao Anh Tracey Crouch viết lên Twitter rằng bà hài lòng với thông báo từ IOC: “Đây là bước đi quan trọng để bảo vệ sự trong sạch của thể thao. Các VĐV sẽ có thể thoải mái cống hiến hết khả năng, dựa trên công bằng”.

“Đây là quyết định có ý nghĩa lâu dài nhằm đảm bảo công bằng cho các VĐV chân chính”, phó chủ tịch WADA Linda Hofstad Helleland bình luận.

Jim Walden – luật sư đại diện của Rodchenkov – ám chỉ thông điệp mạnh mẽ đã được IOC gửi đi. Họ không chịu nhún nhường gian lận từ bất cứ quốc gia nào. “Tiến sĩ Rodchenkov cho rằng các VĐV vô tội của Nga nên được thi đấu dưới danh nghĩa trung lập”, Walden nói thêm.

Sự vắng mặt của quốc gia đứng đỉnh bảng Sochi 2014 là cơ hội tranh huy chương cho nhiều đoàn thể thao khác. Nga là ứng viên cho HC vàng khúc côn cầu trên băng nam, sau khi Mỹ và Canada không cho cầu thủ môn này đến Pyeongchang 2018. Ở sáu Olympic mùa Đông gần nhất, trượt băng nghệ thuật Nga mang về 14 trong 26 HC vàng tối đa. Vẫn chưa rõ có bao nhiêu VĐV Nga tham dự. Trong khi đó, một số VĐV dính chàm đang tính đến việc kháng án.

“Án phạt chưa từng xảy ra trong lịch sử Olympic", hãng tin BBC bình luận. "Nga là cường quốc thể thao, sử dụng những đại hội như thế này để quảng bá hình ảnh của họ tới thế giới. Nhưng ở Pyeongchang 2018 thì họ không có cơ hội. Chủ nhà World Cup 2018 vừa trở thành hình tượng bị ghẻ lạnh toàn cầu, sau khi phó Thủ tướng Vitaly Mutko bị IOC cấm vĩnh viễn. Đây là vết nhơ đáng xấu hổ cho FIFA vì Mutko cũng là trưởng ban tổ chức World Cup”.

“Nhiều người sẽ cho rằng IOC nên ra quyết định trước Rio 2016. Nếu thực thi bây giờ, án phạt cần mang tính răn đe hơn nữa, với quy mô gian lận và tác động lên các VĐV chân chính. VĐV trong sạch vẫn có thể tham dự với danh ‘VĐV Olympic từ Nga’. Điều này chẳng khác nào sự nhượng bộ cho quốc gia này. Tại sao không đặt tên là ‘VĐV trung lập’? Chủ tịch Bach cũng cho biết lá cờ Nga vẫn có thể tung bay ở lễ bế mạc. Dẫu sao đây cũng là chương đen tối trong lịch sử thể thao Nga". 

Những hình phạt đã được tiến hành

Đã có 25 VĐV Nga bị cấm tham dự Olympic vĩnh viễn, theo hình phạt của IOC. Phần đầu báo cáo của McLaren được xuất bản tháng 7/2016. Đó là nguyên nhân khiến WADA kêu gọi IOC cấm Nga dự Olympic Rio 2016. Khi đó IOC không áp dụng lệnh cấm toàn diện. Thay vào đó, các liên đoàn thể thao quốc tế tự xem xét cơ hội tham dự của Nga ở bộ môn đó. Do đó, vẫn có 271 VĐV Nga tranh tài ở Rio 2016.

Sắp tới Nga bị cấm dự Paralympic và Olympic mùa Đông 2018. Lần này WADA không thúc giục IOC cấm Nga dự Pyeongchang 2018, dù khẳng định quốc gia này liên tục làm trái quy định của họ.

X

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những câu hỏi về việc Nga bị cấm dự Olympic mùa Đông 2018