Tuyển Việt Nam: Cần định nghĩa đúng “chất thép”

Hà Sơn| 11/12/2016 19:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thất bại của tuyển Việt Nam tại bán kết AFF Suzuki Cup vừa qua phần nhiều do nguyên nhân hàng thủ, nơi vốn được mệnh danh nhiều “chất thép”.

Nhiệm vụ chính của trung vệ, hậu vệ là ngăn cản tiền đạo đối phương ghi bàn, đồng thời có thể tham gia tấn công khi cần thiết. Ngoài ra, khái niệm hậu vệ biên tấn công là mẫu hậu vệ tham gia nhiều vào các pha hãm thành, nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn nhất định bên hành lang cánh anh ta phụ trách.

Để có thể trở thành trung vệ “thép” anh ta phải là người phán đoán, truy cản đối phương ghi bàn hiệu quả nhất. Đó là sự tranh chấp đúng luật và luôn thắng cầu thủ tấn công của đối phương trong mọi tình huống, thậm chí có thể phạm lỗi để ngăn cản trong trường hợp cần thiết mà không gây nguy hiểm cho khung thành đội nhà.

Tuyển Việt Nam: Cần định nghĩa đúng “chất thép”

Xuân Trường khóc "như mưa" tại Mỹ Đình

Trở lại với câu chuyện thất bại của tuyển Việt Nam tại kỳ AFF Suzuki Cup năm 2016. Cặp trung vệ Ngọc Hải-Đình Luật cùng với các hậu vệ Văn Hoàn, Đình Đồng mắc nhiều sai lầm. Đó chính là khả năng tranh chấp và sự phán đoán, luôn có sai số ở mức độ đáng báo động trong từng trận đấu.

Bàn thua suýt gây thảm họa trong trận ra quân gặp Myanmar và pha phạm lỗi dẫn tới thẻ đỏ của Đình Luật trong lượt đấu cuối trước Campuchia. Hai bàn thua khi chúng ta làm khách Indonesia tại bán kết lượt đi do sai lầm của Ngọc Hải. Cánh phải của Đình Đồng liên tục bị đối phương khoét vào trong cả hai lượt trận bán kết. Đó là “tử huyệt” dẫn tới thất bại của loạt bán kết kéo theo sự phá sản của cả chiến dịch AFF Cup.

Đặc biệt, Quế Ngọc Hải người được kỳ vọng nhiều nhất tại hàng thủ tuyển Việt Nam đã gây thất vọng trong những tình huống quyết định. Tình huống Ngọc Hải truy cản Lilipaly sau khi tiền vệ chủ nhà “xuyên qua” cánh Đình Đồng trong trận bán kết lượt đi dẫn tới phạt đền thật đáng tiếc. Trong khi Tiến Dũng đã bọc lót ngay phía sau nhưng Hải vẫn phạm lỗi. Đó là “chất thép” có phần ấu trĩ cổ điển từ trong tư tưởng của cầu thủ được coi là “chiến binh” thủ lĩnh.

Tuyển Việt Nam: Cần định nghĩa đúng “chất thép”

Ngọc Hải cần hoàn thiện khả năng tranh chấp đúng luật?

Bên cạnh đó, nếu như hai hậu vệ biên đều có khả năng công thủ toàn diện được xây dựng ngay từ đầu, mọi chuyện có thể sẽ khác. Trong khi lò đào tạo HAGL vẫn tiếp tục “xuất khẩu” hậu vệ tới tận xứ Hàn thì tuyển Việt Nam lại đang “đói” cầu thủ chơi ở vị trí này. Đó có phải là sự lãng phí trong cách sử dụng cầu thủ của chiến lược gia xứ Nghệ?

Điểm sáng duy nhất của hàng thủ chúng ta chính là hành lang trái của Văn Thanh. Chưa kể việc Thanh lên công về thủ như con thoi và bàn thắng thắp lên hy vọng tại Mỹ Đình, chất kỹ thuật của Văn Thanh buộc Indonsia nghiêng hẳn cán cân tấn công vào cánh phải nơi Đình Đồng, Văn Hoàn trấn giữ.

Đương nhiên, chúng ta không phủ nhận việc kém may mắn cũng như sự sa sút của Công Vinh, Văn Quyết trong hai trận bán kết. HLV Hữu Thắng đã chỉ đạo cho các học trò tạo ra hai trận bán kết chơi trên chân đối phương với khả năng kiểm soát bóng vượt trội. Sự kém may mắn cộng với sai lầm cá nhân dẫn tới thất bại đáng tiếc.

Đây cũng là lúc vấn đề hàng thủ cần được định nghĩa đúng “chất thép” theo bóng đá hiện đại để tránh sai lầm trong tương lai, trước mắt là đấu trường Asean Cup và Sea Game.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyển Việt Nam: Cần định nghĩa đúng “chất thép”