Nations League: Danh giá hay thỏi nam châm hút tiền?

Duy Thái - Thụy Anh| 14/10/2020 14:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thay vì tổ chức các trận đấu giao hữu vô thưởng vô phạt, UEFA đã “nâng cấp” lên thành UEFA Nations League với nhiều “sức nặng” hơn.

Kỳ Nations League chính thức đầu tiên được UEFA thông qua, nhiều NHM đã thừa hiểu giải đấu này chỉ đơn thuần là một sự trá hình để thay thế cho loạt trận giao hữu.

Trong khi UEFA tin tưởng rằng đây sẽ lại là một giải đấu khu vực tầm cỡ như EURO thì các CLB chuyên nghiệp lại đang “ngấy đến tận cổ”. Đơn giản thôi, bởi họ chẳng được lợi gì từ những loạt trận “tẻ nhạt’ này, thậm chí những cầu thủ tốt nhất đáng giá triệu đô của họ lại có nguy cơ dính chấn thương và ngồi ngoài dài hạn. Lúc ấy, các CLB này chỉ còn biết than trời và coi nạn chấn thương khi lên tuyển như là “virus FIFA" như mọi năm.

Còn nhớ tại kỳ Nations League đầu tiên, nhà vô địch World Cup 2014 – ĐT Đức bị… rớt hạng. Thế nhưng có vẻ như điều này chẳng có gì quá ư khủng khiếp kiểu như Đức không giành được vé dự EURO hay phải ngồi nhà xem World Cup. Chẳng một ai quan tâm đến giải đấu này mặc dù sau đó nó đều đặn diễn ra. Mùa thứ hai Nations League, UEFA sửa lại cơ cấu để Đức lại bước vào giải đấu với tư cách đội top trên. Dĩ nhiên xem các đội tuyển hàng đầu như Đức, Pháp, Bỉ thi đấu thì vẫn sẽ thú vị và hút khách hơn là xem các đội tuyển trung bình. Cái này thì NHM mộ hiểu, các ĐTQG hiểu, và chắc chắn là UEFA hiểu hơn ai hết.

Nations League: Danh giá hay thỏi nam châm hút tiền?

Bồ Đào Nha là đội tuyển giành chức vô địch Nations League đầu tiên.

Khi người hâm mộ bóng đá thờ ơ với Nations League, giải đấu này không được quan tâm như sự kỳ vọng trước đó. Mới đây thôi, ĐT Anh đã đả bại đội bóng xếp thứ 1 trên BXH FIFA là tuyển Bỉ. Tất nhiên, truyền thông cũng chỉ nhắc tới chiến thắng của Tam Sư một cách hời hợt. Thứ được quan tâm hơn cả là có cầu thủ nào chấn thương, có cầu thủ nào phải bỏ lỡ trận đấu sắp tới trong màu áo CLB vì đen đủi rời sân trong tình trạng khập khiễng không. Thậm chí những tin tức liên quan đến Kevin De Bruyne, tiền vệ của Bỉ bị trả về về CLB giữa thời điểm loạt trận đang diễn ra còn được quan tâm nhiều hơn. Đơn giản vì De Bruyne và ngôi sao số 1 của Man City, và NHM thích xem De Bruyne tung hoành ở NHA cuối tuần tới hơn là trong một trận đấu “tẻ nhạt” như ở Nations League.

Thế cũng đủ thấy Nations League không thực “danh giá” như người ta vẫn lầm tưởng.

Jose Mourinho trước đó thì thẳng thắn chỉ trích ĐT Anh khi cho Harry Kane ra sân quá nhiều. "Trong những trận đấu liên tục vừa qua, tôi phải sử dụng Harry Kane vì đó là những trận đấu quan trọng, không thể thiếu cậu ấy. Những trận đấu vừa rồi trị giá đến vài triệu bảng với Tottenham và tôi không còn lựa chọn nào khác.

Tuy nhiên, nếu có thi đấu một trận giao hữu nào từ giờ đến cuối mùa giải, tôi sẽ không sử dụng Harry dù chỉ là một phút (ám chỉ việc HLV Southgate gọi Harry Kane lên ĐT Anh đá giao hữu với ĐT Xứ Wales)", chiến lược gia người Bồ chia sẻ.

Nations League: Danh giá hay thỏi nam châm hút tiền?

Các CLB lo sót vó mỗi khi cầu thủ của mình gặp chấn thương khi lên tuyển.

Ông thừa hiểu nguy cơ chấn thương với cậu học trò cưng của mình là lớn thế nào khi lên tuyển. Thế nhưng Mourinho cũng chỉ dám than phiền như thế, Harry Kane là một phần tử của bóng đá Anh và việc Kane lên tuyển để phục vụ ĐTQG cũng là điều tất lẽ dĩ ngẫu. Có chăng HLV của Tottenham chỉ “khéo léo” nhắc nhở người đồng nghiệp Gareth Southgate hãy dùng Kane một cách cẩn trọng mà thôi.

Mặc khác, các giải đấu bóng đá mang tầm cỡ khu vực và thế giới từ lâu đã là một mỏ tiền khổng lồ. Mỗi sự kiện bóng đá lớn diễn ra đều ít nhiều dính dáng đến cụm từ "hàng chục tỉ USD". Tiền vé, tiền quảng cáo, tiền bản quyền truyền hình, tiền dịch vụ ăn theo, tiền thưởng… tất cả đều góp phần làm nên bức tranh bóng đá thơm tho, béo bở. Chính vì vậy, những cơ quan quản lý bóng đá luôn muốn nghĩ ra những hình thức kinh doanh mới và hấp dẫn.

Với Nations League, các đội bóng sẽ không phải chật vật tìm kiếm một đối thủ để đá giao hữu nhằm cọ xát, lắp ráp đội hình hay đơn giản là đá cho xong nữa. Giờ đây các trận đấu giao hữu sẽ được “túm gọn” lại và quản lý dưới tên gọi Nations League.

Nations League: Danh giá hay thỏi nam châm hút tiền?

Mức lợi nhuận từ giải đấu này mang lại là khá lớn.

Dĩ nhiên, phần thưởng dành cho các trận thuộc khuôn khổ giải đấu này cũng sẽ được tăng lên, thay vì không sinh lời hoặc rất ít ỏi như trước. Thử tưởng tượng, ĐT Pháp đã nhận được khoảng 37 triệu USD cho chức vô địch World Cup 2018. Tuy nhiên nếu như họ vô địch UEFA Nations League rồi đoạt luôn vé dự Global Nations League (bản nâng cấp Thế giới) thì số tiền nhận được có thể nhân đôi lên.

Ấy là còn chưa kể, Nations League được tổ chức hàng năm chứ không phải theo kiểu 4 năm 1 lần như là World Cup.

NHM thì luôn trông đợi các đội tuyển hàng đầu tham gia tranh tài ở những giải đấu hàng đầu, thế nhưng giờ đây tần suất của các màn chạm trán ấy đã dày đặc hơn và diễn ra hàng năm. Cơ hội luôn là rất nhiều và cái cốt lõi ở đây chỉ cần NHM có tiền để trả cho phí truyền hình hoặc mua vé vào sân, thế là đủ.

Chung quy lại, Nations League vẫn sẽ là giải đấu quy tụ các đội tuyển bóng đá hàng đầu châu Âu. Sẽ là một giải đấu danh giá hay vị kim tiền, đó là cả một câu chuyện dài khi mà Nations League mới chỉ bước sang năm thứ 2. UEFA hay các ĐTQG sẽ chẳng có ai than phiền cả, có chăng chỉ là các CLB phải miễn cưỡng nhả những ngôi sao tiền tấn của họ về nước và rồi cầu nguyện để không ai bị chấn thương mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nations League: Danh giá hay thỏi nam châm hút tiền?