WikiLeaks và những quả bom thông tin mật – Kỳ 2: Những "quả bom" thông tin

Hoàng Hà| 12/06/2015 13:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2010, hàng loạt thông tin mật của chính phủ nhiều nước, đặc biệt là Mỹ đã bị WikiLeaks phơi bày trước ánh sáng. Những "quả bom" thông tin này khiến tổng biên tập WikiLeaks, trở nên nổi tiếng và trở thành “Nhân vật của năm 2010".

Tháng 7/2010, Julian Assange và WikiLeaks bắt đầu tập trung công kích chính phủ Mỹ bằng cách gửi trên 70.000 tài liệu liên quan đến cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan tới các tờ báo lớn như The New York Times, Le Monde, El Pais, The Guardian và Der Spiegel.

Trong số các tài liệu được tung ra, có tài liệu tố cáo Mỹ dùng máy bay không người lái Reaper từ bang Nevada để săn đuổi và tiêu diệt những người bị nghi ngờ là thành viên của lực lượng Taliban mà không có xét xử.

Bên cạnh đó, các tài liệu cũng tiết lộ rằng số dân thường bị thương vong cao hơn nhiều so với con số được công bố. Đặc biệt, nội dung làm cho Mỹ lúng túng nhất là thông tin cho thấy Pakistan có quan hệ thân thiện với Taliban.

Tháng 10/2010, WikiLeaks tiếp tục công bố các tài liệu liên quan cuộc chiến của Mỹ tại Iraq. Trong cuộc chiến này, số dân thường thương vong cũng cao hơn nhiều so với báo cáo của Mỹ. Một thông tin còn cho thấy có tới 152 thường dân bị bắn chết ngay tại các điểm kiểm tra an ninh.

Các tài liệu trên cũng cho biết, cảnh sát và quân đội Iraq đã ngược đãi tù nhân. Nhiều tù nhân bị thương do bị đánh đập, thân thể bị thâm tím, bị đốt và thậm chí còn bị đánh bằng roi điện.

Một tài liệu khác cho biết, trong một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), tất cả đã thống nhất rằng Tổng thống Iran, Mahmoud Ahmadinejad là người lập dị, điên khùng.

Những tài liệu khác cho thấy Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu các nhà ngoại giao thu thập thông tin về thẻ tín dụng, thông tin của những người mà họ gặp gỡ ở nước ngoài như: tên cơ quan, chức vụ, số điện thoại, số di động, số fax, hãng máy bay thường xuyên sử dụng, lịch trình công việc và các thông tin cá nhân khác. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người tiền nhiệm Condoleezza Rice đã ký các bức điện này.

Đương nhiên là chính quyền của Tổng thống Mỹ rất "nóng mặt" khi những thông tin như vậy được phơi bày trước bàn dân thiên hạ. Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton đã chỉ trích kịch liệt, cho rằng, việc tiết lộ tài liệu sẽ làm mạng sống của nhiều người bị đe dọa, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và gây hại đến các nỗ lực của Mỹ trong phối hợp với các nước khác giải quyết vấn đề.

WikiLeaks và những quả bom thông tin mật – Kỳ 2: Những

Julian Assange có tên trong danh sách "Nhân vật của năm 2010" do độc giả tạp chí TIME bình chọn.

Cũng từ đó mà tiếng tăm của WikiLeaks tăng lên từng ngày và có một điều là tất cả những thông tin được tiết lộ trên đều mang đậm dấu ấn của người sáng lập WikiLeaks - Julian Assange. Điều đó làm cho Julian Assange, trở nên nổi tiếng và có tên trong danh sách "Nhân vật của năm 2010" do độc giả tạp chí TIME bình chọn.

Ngay cả các tiểu thuyết gia và các nhà biên kịch phim Hollywood cũng khó có thể tạo ra một nhân vật phù hợp hơn Julian Assange để lãnh đạo một tổ chức ngầm phức tạp như Wikileaks.

Julian Assange sinh ra tại thành phố Townsville, bang Queensland, Australia vào ngày 3/7/1971 với một tuổi thơ không bình lặng. Cha mẹ của người này gặp nhau trong một cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Tuổi thơ đã rèn luyện cho nhân vật này một kỹ năng thích nghi với lối sống lưu động, thường xuyên phải chạy trốn. Assange đã phải di chuyển chỗ ở hơn 30 lần trong thời gian còn nhỏ.

Dù yêu thích toán học và vật lý, từng học chuyên sâu về hai môn này trong thời gian học đại học song, máy tính và Internet mới là niềm đam mê đích thực của Assange. Nhân vật này đã dành toàn bộ thời thiếu niên của mình để học lập trình với chiếc máy tính Commodore 64 và “chiến công” đầu tiên của Julian Assange là bẻ khóa được chương trình của chiếc máy tính này.

Năm 18 tuổi, Assange trở thành một hacker (tin tặc) hoàn hảo với biệt danh Mentax thuộc nhóm tin tặc International Subversives. Năm 1995, Assange đã bị chính quyền Australia buộc tội tấn công hệ thống máy tính, tuy nhiên nhân vật này đã may mắn không bị phạt tù mà chỉ bị phạt vài nghìn đôla Australia.

Mặc dù, Assange thường xuyên bị các phương tiện truyền thông gọi là hacker, thậm chí nhân vật này còn là đồng tác giả một cuốn sách về đột nhập máy tính song Assange không tự nhận mình là một hacker.

WikiLeaks và những quả bom thông tin mật – Kỳ 2: Những

Julian Assange có cuộc sống khá bí hiểm, sống theo kiểu nay đây mai đó và luôn mang theo một chiếc máy tính

Julian Assange có cuộc sống khá bí hiểm và rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Assange thường sống theo kiểu nay đây mai đó, luôn mang theo một chiếc máy tính và ít quần áo trong ba lô. Tiền đi lại của người này là “tiền kiếm được trên mạng”. Người ta nhận ra Assange ở mái tóc già trước tuổi, vẻ ngoài không lấy gì làm phong trần và luôn bỏ ngoài tai những lời chỉ trích.

Với những người ủng hộ thì Julian Assange là một người hùng bảo vệ sự thật, còn những người chỉ trích cho rằng đây là kẻ chỉ thích tung ra những thông tin nhạy cảm khiến nhiều người gặp nguy hiểm.

Hình ảnh của Assange trước công chúng là một người khó tính, dễ nổi nóng, song được coi là thông minh hơn so với hầu hết các đối thủ của mình.

Đây cũng là nhân vật bị một số hãng truyền thông coi là một tên tội phạm, ngay cả khi chính nhân vật này đã đem lại cơ hội cho các hãng truyền thông này có được các tài liệu mà họ sẽ không bao giờ nhìn thấy thông qua tổ chức WikiLeaks của Assange.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
WikiLeaks và những quả bom thông tin mật – Kỳ 2: Những "quả bom" thông tin