Vụ truy án bằng dấu vân tay đầu tiên tại Hoa Kỳ

Theo cand.com| 19/12/2018 14:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thomas Jennings đã sử dụng lan can vừa mới sơn xong để cố gắng đào thoát khỏi hiện trường vụ giết người. Nhưng xui làm sao, hắn ta đã bỏ lại một thứ mà từ đó nó đã làm thay đổi hoàn toàn công việc của nghề thám tử.

Hết đường chối cãi

2 giờ sáng ngày 19 tháng 9 năm 1910, ông Clarence Hiller đột nhiên thức giấc bởi tiếng la thảm thiết của vợ và đứa con gái trong ngôi nhà của họ ở số 1837, đường số 104 Tây ở thành phố Chicago (tiểu bang Illinois). Bóng hai người đàn ông ngã sóng soài xuống cầu thang. Con gái ông Hiller là Clarice, sau đó nhớ lại có nghe tiếng 3 phát đạn, tiếp theo đó là tiếng mẹ cô la thất thanh trên lầu.

Hàng xóm túa đến nhà Hiller khi thấy bóng ai đó vừa chạy ra khỏi nhà, để lại thân thể ông Hiller đang hấp hối ngay trước cửa. Kẻ tấn công không thể chạy xa. Hắn ta tên là Thomas Jennings - một gã người Mỹ gốc Phi, kẻ chỉ vừa mới được tha tù 6 tuần trước đó - đã bị chặn lại khi mới đi được nửa đường, hắn ta mặc cái áo rách bươm và loang lổ vệt máu, tay vẫn cầm khẩu súng lục.

Nhưng thứ mà hắn bỏ lại hiện trường vụ án mạng mới là thứ khiến hắn phải tâm phục khẩu phục trước tòa: một dấu vân tay in lên lan can vừa mới sơn xong và Jennings đã bám vào để đu mình nhảy ra cửa sổ căn nhà của nạn nhân Hiller. Cảnh sát bủa tới ngôi nhà Hiller, cưa đứt lan can và tuyên bố nó sẽ là bằng chứng chứng minh danh tính của tên trộm. Trong con mắt của tòa án, họ đã đúng; vụ mưu sát Hiller đã dẫn tới việc kết án sử dụng dấu vân tay đầu tiên làm bằng chứng trong phiên tòa tội phạm ở Hoa Kỳ.

Vụ truy án bằng dấu vân tay đầu tiên tại Hoa Kỳ

Thomas Jennings, kẻ bị cáo buộc đã sát hại ông Hiller (Chicago, Illinois, năm 1910).

Dù còn có những ý kiến tranh cãi, nhưng luận án dựa trên dấu vân tay đã kéo dài hơn một thế kỷ sau đó. Dấu vân tay không chỉ có sức mạnh trong hệ thống pháp lý của Hoa Kỳ, mà phương pháp này còn gây ấn tượng mạnh khi lần đầu tiên được áp dụng đại trà tại các sở cảnh sát trên khắp Hoa Kỳ khi đó. Những dấu vân tay được đánh giá dựa trên những hình vòm, vòng xoắn và chúng được viết ra bởi Francis Galton sống vào cuối thế kỷ 19.

Tại phiên tòa, các luật sư tham gia bào chữa cho Thomas Jennings đã nêu ra những câu hỏi về một sự hiểu biết ít ỏi và mới mẻ, chính là kỹ thuật so sánh dấu vân tay khi ấy, cũng như một bằng chứng như thế có được xem là hợp pháp hay không tại tòa án? Mặc dù kỹ thuật so sánh dấu vân tay mới đã sử dụng ở Anh, nhưng một bộ luật mới sẽ cần thiết để kỹ thuật này trở thành một bằng chứng hợp lý.

Đội phản biện cho Jennings thậm chí còn đề nghị lấy thêm dấu vân tay từ cộng đồng nhằm tìm ra sự ăn khớp và tiến tới bác bỏ giả thuyết về dấu vân tay, cho rằng không thể áp dụng nó để kết tội. Và một cuộc biểu tình tại phòng xử án đã phản tác dụng rất tồi tệ: bản dấu vân tay của Luật sư phản biện W.G Anderson hiện lên rõ ràng sau khi ông thách thức các chuyên gia phải tìm ra cái gì đó ấn tượng từ mẫu giấy mà Anderson chạm tay vào.

Thomas Jennings bị kết án tử hình. Tờ Decatur Herald gọi phiên tòa xét xử Jennings là "Bằng chứng kết tội đầu tiên có áp dụng dấu vân tay trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ" và thêm một dòng kịch tính đại loại như "tên sát nhân ở nhà Hiller đã vô tình để lại "chữ ký" của y trên lan can vừa mới sơn xong ở nhà nạn nhân". Các báo cáo tại thời điểm đó đã tạo ra không ít dòng "tít" giật gân trên trang bìa. Khái niệm xác định nhân dạng bằng dấu vân tay độc đáo đã được trình làng 18 năm trước đó ở Châu Âu (trước khi xảy ra vụ án Thomas Jennings). Thế rồi nó đã được nghiên cứu kỹ và đúc kết lại chi tiết trong tác phẩm Dấu vân tay của Sir Francis Galton vào năm 1892.

Câu chuyện xoay quanh dấu vân tay

Francis Galton là anh em bà con của nhà tự nhiên học Charles Darwin. Ông đã dành một thời gian dài để thử nghiệm các dấu vân tay nhằm hy vọng gắn kết những đặc tính cá nhân vào trí tuệ của một con người thành những đặc điểm hình thể và di truyền.

Ông Galton cũng nghiên cứu về Nhân trắc học trong một nỗ lực nhằm suy ra ý nghĩa đứng đằng sau các phép đo vật lý, tuy nhiên không tìm thấy sự khác biệt lớn nào giữa các chủng tộc trong một bộ sưu tập các bản in dấu vân tay trong nghiên cứu. Nhà báo Ava Kofman sau đó đã viết trong tờ Public Domain Review rằng sự theo đuổi của Francis Galton đối với ngành khoa học về dấu vân tay liên kết rất tốt với ý thức hệ thực dân tại thời điểm đó.

Vụ truy án bằng dấu vân tay đầu tiên tại Hoa Kỳ

Sir Francis Galton (1822-1911), người phát minh ra thuật xem dấu vân tay tra xét tội phạm.

Bà Ava Kofman viết: "Buổi ban đầu, dấu vân tay đã được giới thiệu cho người Châu Âu nhằm phân biệt giữa những người ngoài Châu Âu. Chính họ đã tạo ra thứ gọi là "dấu vân tay không thể giải mã". Sau đó, trong sự nghiệp của mình, Francis Galton đã tham gia vào việc định lượng những sự khác biệt chủng tộc, can thiệp "khoa học", phân loại số nhằm xác định con người theo các chủng tộc".

Tuy nhiên hệ thống của Galton là nhận dạng các đặc tính độc đáo và chứng minh tính hiệu quả và nhanh chóng nắm bắt về con người. Cảnh sát ở Hoa Kỳ khi đó chỉ mới bắt đầu cạnh tranh với các đồng nghiệp ở Châu Âu, và bắt đầu thu thập dấu vân tay cho mục đích xác định nhân dạng vào đầu thế kỷ 20.

Trong suốt Hội chợ thế giới năm 1904 tại St. Louis, Sở Cảnh sát London đã phái đi các đại diện nhằm tổ chức một buổi triển lãm về kỹ thuật dấu vân tay, vốn đang hết sức phổ biến tại các tòa án ở Anh. Ngay cả đại văn hào Mark Twain cũng bị cuốn vào cách người ta sử dụng dấu vân tay trong truy bắt tội phạm, và ông đã đưa ra khái niệm "dấu ấn sát nhân" - dấu vân tay nhuốm máu được tìm thấy trên con dao để ở giữa phòng xử án trong cuốn tiểu thuyết Puddn'head Wilson xuất bản một số năm trước khi xảy ra vụ án Thomas Jennings.

Tuy nhiên sau cáo trạng chống lại Jennings, giới luật sư cũng đã gặp không ít thách thức trong việc giúp thừa nhận kỹ thuật dấu vân tay tại tòa án. Sau hơn một năm duy trì sự kháng cáo của Jennings, vào ngày 21 tháng 12 năm 1911, Tòa án tối cao Illinois đã ra phán quyết về vụ án Jennings, tuyên bố rằng mức án dành cho bị cáo sẽ được sớm thi hành. Tòa án Illinois đã công bố những vụ án tương tự ở Anh cũng như các bằng chứng có liên quan đến xác tính dấu vân tay.

Vụ truy án bằng dấu vân tay đầu tiên tại Hoa Kỳ

Biên bản phân tích dấu vân tay truy lùng ra tên sát nhân của Sir Francis Galton.

Vài nhân chứng tham gia vào phiên tòa xử Jennings là những chuyên gia đáng kính được đào tạo bởi Sở cảnh sát London đã tham gia vào phán quyết cuối cùng: "Phương pháp nhận dạng dấu vân tay đã rất phổ biến tại các tòa án quốc tế và không thể khước từ nó trong hệ thống tư pháp". Vì lẽ đó, kỹ thuật dấu vân tay là căn cứ mạnh nhất để Tòa án tối cao Illinois hạ bút phê hình thức xử giảo dành cho Thomas Jennings. Tờ Chicago Tribune viết rằng "Nó là sự khởi đầu cho một sự chuyển dịch của kỹ thuật áp dụng bằng chứng dấu vân tay tại các phòng xử án trên khắp Hoa Kỳ".

Ông Simon A.Cole, tác giả cuốn sách Các cá tính hoài nghi: Lịch sử của dấu vân tay và nhận dạng tội phạm, ông cũng là giáo sư tội phạm học, luật và xã hội tại Trường sinh thái xã hội thuộc Đại học California, Irvine (UCI) khẳng định: "Vụ án của Thomas Jennings thực sự là vụ án sớm nhất - trường hợp công bố sớm nhất - khi người ta tranh luận và hoài nghi về bằng chứng dấu vân tay. Vụ án này đã trở thành tiền lệ cho cả Hoa Kỳ áp dụng".

Những sai sót

Bắt đầu với phiên tòa xét xử Thomas Jennings, đã có hai câu hỏi then chốt được hình thành tạo nên sự thách thức tại tòa án khi muốn thừa nhận chúng: Kỹ thuật dấu vân tay là gì khi lần đầu tiên được giới thiệu? và độ chính xác của bằng chứng khi được giải thích và áp dụng vào bất kỳ vụ án cụ thể?

Giáo sư Simon A.Cole nhận định: "Cách tốt nhất để hiểu về kỹ thuật bằng chứng dấu vân tay là suy nghĩ về nhận dạng nhân chứng: không ai cho rằng mọi khuôn mặt người đều giống nhau, ngay cả là các cặp sinh đôi cũng không giống nhau 100%, và cũng không thể nói rằng nhận dạng nhân chứng phải chính xác tuyệt đối 100%. Bồi thẩm đoàn trong phiên tòa xét xử Jennings buổi ban đầu cũng tập trung vào việc tự hỏi xem liệu các dấu vân tay có trùng lắp không, và chúng ta cần biết là các dấu vân tay có thể ăn khớp chính xác không?"

Và đó cũng là vùng màu xám mà các luật sư phản biện phải đương đầu trong nhiều vụ án gai góc. Năm 1993, sau một phán quyết của Tòa án tối cao trong vụ án Daubert và hãng dược phẩm Merrell Dow, các quan tòa đã yêu cầu áp dụng cái gọi là Tiêu chuẩn Daubert nhằm xác định xem lời khai của nhân chứng có thể được xem là khoa học hay không? Tiêu chuẩn Daubert phải dựa trên một loạt các nhân tố bao gồm bản thân kỹ thuật được thử nghiệm, tỷ lệ lỗi và những quy định gì chi phối việc sử dụng nó.

Những tiêu chuẩn này là nghiêm ngặt hơn so với những gì được yêu cầu trước đây, khiến cho bồi thẩm đoàn phải xem xét chúng là một bằng chứng khoa học. Các kỹ thuật dấu vân tay đã được đem ra kiểm tra công khai khi một luật sư ở tiểu bang Oregon tên là Brandon Mayfield đã bị bắt giữ vì liên quan tới một cuộc tấn công khủng bố trên một tàu ở Madrid dựa trên một kết quả nhầm lẫn thu được tại hiện trường vụ án. Sau đó, FBI đã công khai xin lỗi luật sư Mayfield, nhưng những sự cố nghiêm trọng như vậy đã làm dấy lên nhiều nghi vấn về các nhầm lẫn bị bỏ qua cùng nỗi hoài nghi, cũng như giới luật sư chống lại sự sai lầm thường bị coi là bằng chứng như vậy.

Là một phần của một kế hoạch tái thẩm tra pháp y được chấp nhận rộng rãi trong các năm qua, Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ đã công bố một báo cáo hồi năm 2009 thừa nhận rằng "Không phải tất cả bằng chứng dấu vân tay là tốt bởi vì giá trị thực sự của bằng chứng còn được quyết định bởi chất lượng của hình ảnh dấu vân tay tiềm ẩn".

Báo cáo trên còn viết: "Những khác biệt giữa và ngay trong ngành khoa học pháp y đã nhấn mạnh đến một vấn đề nhức nhối trong cộng đồng khoa học pháp y: Thực tế đơn giản là không phải sự giải thích về bằng chứng pháp y lúc nào cũng dựa trên các nghiên cứu khoa học nhằm xác định tính hợp lệ của nó".

Trong vụ phán quyết của Jennings, người lấy vân tay William Leo viết rằng "Mục đích của các chuyên gia nhân chứng trong hệ thống pháp luật để giải thích các thông tin và hình thành kết luận mà bồi thẩm đoàn không có năng lực để làm… Một kết luận của giám khảo vân tay không dựa trên ý kiến cá nhân mà là dựa trên sự đánh giá chi tiết hiện tại bằng cách sử dụng kiến thức và kỹ năng có được thông qua đào tạo, rèn luyện, giáo dục và chuyên môn".

Ông David A. Harris, giáo sư Luật tại Đại học Pittsburgh nhận định: "Thuật ngữ xoay quanh kỹ thuật bằng chứng dấu vân tay đã được đưa vào thực thi trong vòng 20 năm qua xem ra khó khăn hơn so với tất cả các ngành khoa học pháp y nói chung".

Mặc dù còn có những hoài nghi trong các thập kỷ gần đây và những cảnh báo nghiêm ngặt được giới thiệu bởi Tiêu chuẩn Daubert, thì các tòa án vẫn không ngừng việc sử dụng bằng chứng dấu vân tay và cho đến nay, kỹ thuật giám định vân tay vẫn được coi là một trong những biện pháp đưa ra chứng cứ buộc tội quan trọng trước tòa.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ truy án bằng dấu vân tay đầu tiên tại Hoa Kỳ