Vụ lừa đảo văn học nổi tiếng nhất nước Mỹ

Trâm Anh (Theo TruTV)| 14/10/2015 10:35
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Clifford Michael Irving là một nhà văn, sinh năm 1930 tại Tp New York. Irving có thời làm cho báo The New York và sống tại Ibiza (Tây Ban Nha).

Thế nhưng tiền bạc thu được từ phát hành sách vẫn không đáp ứng được nhu cầu ăn tiêu xa hoa của Irving, vợ con và cả những nhân tình của ông ta. Vì vậy Irving quyết định làm một vố lớn để kiếm tiền nhiều hơn và cũng để được nổi tiếng hơn, đó là giả mạo tự truyện của tỉ phú Hughes.

Vụ lừa đảo văn học nổi tiếng nhất nước Mỹ

Nhà văn Clifford Michael Irving

Howard Hughes là một người giàu và là một nhân vật bí hiểm. Ông còn là nhà sản xuất phim có tác phẩm từng đoạt giải Oscar và là tay ăn chơi khét tiếng. Sau năm 1958, Hughes bỗng dưng lui về sống ẩn dật tại một địa điểm bí mật ở thành phố Las Vegas và một đảo nhỏ tại quần đảo Bahamas ở Trung Mỹ. Tỉ phú Hughes còn được cho là mắc chứng tâm thần, thù ghét công chúng và bất cứ khi nào phát hiện ai viết về mình đều tìm cách ngăn chặn.

Tháng 7/1970, tại Tp Ibiza, nơi Irving đang sinh sống cùng vợ người Đức gốc Thụy Sĩ tên Edith Sommer, Irving tình cờ gặp lại nhà văn và là bạn cũ tên Richard Suskind. Sau đó cả hai âm mưu tạo ra một cuốn tự truyện giả mạo của Hughes vì cho rằng do đã rút hẳn khỏi đời sống xã hội từ lâu và hoàn toàn giấu mặt, nên chắc chắn nhà tỉ phú kỳ quặc này sẽ không bao giờ lên tiếng.

Theo phân công, Suskind tiến hành thu thập mọi tài liệu, tư liệu liên quan đến cuộc sống và con người của Hughes, còn Irving giả viết các bức thư - bắt chước nét chữ của Hughes nhờ đã từng đọc và thu thập được các bức thư tay của Hughes được đăng trên tạp chí Newsweek. Ngoài ra, Irving còn giả giọng nói của Hughes để trả lời các cuộc phỏng vấn nhà tỉ phú này do chính Irving thực hiện.

Vào tháng 1/1971, Irving liên hệ với NXB McGraw Hill và cho biết tỉ phú Hughes bị chinh phục bởi cuốn tiểu thuyết "Fake" của mình nên đã cho phép Irving viết cuốn tự truyện về cuộc đời của ông ta. Để chứng minh là sự thật, Irving đưa cho Ban giám đốc nhà xuất bản này 3 bức thư tay do Hughes viết, trong đó có bức thư cho phép Irving viết tự truyện cho mình và yêu cầu Irving và nhà xuất bản phải giữ hoàn toàn bí mật cho đến khi bắt đầu phát hành.

NXB McGraw Hill đã mời Công ty Osbourn, chuyên giám định các thư viết tay, kiểm tra các bức thư được cho là của tỉ phú Hughes và cho rằng đây đúng là những bức thư thật do tự tay Hughes viết ra. Không chần chừ, McGraw Hill liền thảo ngay hợp đồng với Hughes và Irving. Theo đó, McGraw Hill sẽ chi số tiền mua bản quyền là 765.000 USD, trong đó Irving được hưởng trọn 100.000 USD, phần của Hughes là 665.000 USD.

Vốn đã có trong tay nhiều thông tin và tài liệu về cuộc đời của tỉ phú Hughes. Một thuận lợi khác cho công việc lừa đảo của Irving là việc Irving tình cờ phát hiện một nhà báo người Mỹ tên James Phelen trong suốt một thời gian dài thu thập được nhiều thông tin có thật về cuộc đời của Hughes để viết thành một cuốn sách. Không biết vì lý do gì, Phelen lại bỏ dở công việc này.

Tháng 11/1971, khi cuốn tự truyện (giả) đã hoàn thành, Irving liền gửi bản thảo cho NXB McGraw Hill kèm theo nhận xét viết tay giả mạo của Hughes. Để kiểm tra, McGraw Hill mời Frank McCullock, một chuyên gia về tỉ phú Hughes, người từng nhiều lần gặp gỡ và phỏng vấn nhà tỉ phú này trước năm 1958, nhằm xác định chi tiết của cuốn tự truyện là có chính xác và có thật hay không. Sau khi McCullock xác nhận đó hoàn toàn là sự thật, McGraw Hill liền tổ chức họp báo tuyên bố sẽ xuất bản cuốn tự truyện của Hughes vào tháng 2/1972 và thanh toán số tiền còn lại cho Irving và Hughes. Theo yêu cầu của Hughes thông qua người đại diện là Irving, McGraw Hill chuyển phần tiền 665.000 USD vào một tài khoản mở tại một ngân hàng ở Thụy Sĩ đứng tên một phụ nữ tên Helga Hughes. Thật ra, Helga Hughes chính là tên giả mạo của Edith Sommer, vợ của Irving.

Chỉ một tuần trước khi cuốn tự truyện được xuất bản, tỉ phú Hughes bỗng tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc họp báo. Tại cuộc họp báo, Hughes đã vạch mặt Irving, tuyên bố chưa từng gặp mặt nhà văn này, không ủy quyền cho ông này viết tự truyện và cuốn tự truyện là giả mạo. Sau đó, Chester Davis, luật sư của Hughes đã khởi kiện NXB McGraw Hill và Irving về tội giả mạo và lừa đảo. Riêng cảnh sát Thụy Sĩ cũng vào cuộc khi phát hiện ra vụ giả mạo tên Helga Hughes của Ediht Sommer để rút số tiền 665.000 USD. Ngoài ra, Irving còn bị James Phelen kiện về việc đã đánh cắp nhiều tư liệu về Hughes của mình.

Vào ngày 13/3/1972, Tòa án Tp New York tuyên phạt Ivring 17 tháng tù giam, Suskind 6 tháng tù giam và Sommer 2 tháng tù giam. Số tiền 765.000 USD cũng được Irving, Suskind và Sommer hoàn trả lại cho NXB McGraw Hill.

Sau khi ra tù, Irving tiếp tục viết sách. Năm 1999, cuốn tự truyện giả mạo về cuộc đời của tỉ phú Hughes được bí mật xuất bản và trở thành một cuốn sách bán chạy. Vào tháng 7/2005, khi bộ phim "Vụ lừa đảo" bắt đầu được quay tại Puerto Rico và New York, Irving chấp thuận làm cố vấn kỹ thuật cho bộ phim. Hiện Irving đang sinh sống tại Tp Aspen, bang Colorado.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ lừa đảo văn học nổi tiếng nhất nước Mỹ