Vụ án đánh bom kinh hoàng tại Oklahoma - Mỹ (Kỳ 2): Ráo riết điều tra tìm thủ phạm

Trâm Anh (Theo TruTV)| 09/07/2014 22:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giới truyền thông trở nên bùng nổ sau vụ nổ. Thông tin về việc cứu nạn và nghi can được cập nhật từng giờ khiến áp lực tìm ra thủ phạm ngày càng đè nặng lên Sở chỉ huy cảnh sát Oklahoma.

Trong khi kẻ tình nghi McVeigh lặng lẽ chờ đợi phiên tòa xét xử về những tội nhẹ không liên quan tới vụ nổ trong trại tạm giam thì công việc xác định hắn có phải là thủ phạm hay không diễn ra liên tục và gấp rút trên nhiều vùng của đất nước.

Đám đông nổi giận

Tại hiện trường vụ nổ, cảnh sát phát hiện trục sau của một chiếc xe tải, một chiếc phanh sau của chiếc xe này và biển kiểm soát còn nguyên. Nhờ các manh mối này, chiếc xe được xác định là của một người cho thuê xe: Robert Kling, một đồng minh của McVeigh sử dụng trên hợp đồng thuê xe.

Các đặc vụ tới công ty cho thuê chiếc xe này tại thành phố Junction. Tại đây, chủ công ty và những nhân viên của mình đã trợ giúp họa sĩ FBI phác họa chân dung nghi can. Người quản lý Lea McGown của khách sạn Dreamland cho biết bà nhận ra người mà các nhân viên đặc vụ gọi là Kling đã đến đó đêm hôm trước hôm vụ nổ xảy ra. Nhưng bà McGown nói người đàn ông này đã đăng ký với cái tên Timothy McVeigh. Và anh ta đi một chiếc xe tải lớn hiệu Ryder trong khu vực đỗ xe của khách sạn. Đó là một chiếc xe màu vàng, cùng màu với chiếc xe mà Trooper Charlie Hanger bắt giữ cùng với McVeigh. Mọi việc trở nên bất lợi cho Timothy James McVeigh.

Vụ án đánh bom kinh hoàng tại Oklahoma - Mỹ (Kỳ 2): Ráo riết điều tra tìm thủ phạm

Tim McVeigh 

Tại Trung tâm Thông tin tội phạm Quốc gia ở Washington, máy tính báo cáo: Trooper Hanger cũng có một báo cáo về McVeigh. Cảnh sát quận Jerry Cook xác nhận họ đã bắt giữ McVeigh về những tội danh không liên quan tới vụ nổ trên.

Áp lực càng đè lên Sở cảnh sát thành phố Oklahoma khi tin đồn cảnh sát đã bắt được nghi phạm truyền ra ngoài. Trong tù, các nhân viên nhà giam nhận được thông tin có thể McVeigh chính là hung thủ gây nên vụ đánh bom. Biết rằng nghi phạm đã cố gắng liên lạc với luật sư, ai đó trong tù đã ngắt kết nối điện thoại.

Sau đó, McVeigh được đưa tới một phòng đặc biệt để gặp 2 đặc vụ FBI là Zimms và Norman Jr. Bên ngoài nơi thẩm vấn McVeigh, trực thăng và cảnh sát được điều động tới vì có quá nhiều người đến khi biết nghi phạm đang được giam giữ ở đó. McVeigh yêu cầu được mặc áo chống đạn trước khi được đưa ra ngoài. Tuy nhiên, lời đề nghị của anh ta bị từ chối. McVeigh tiếp tục xin được giải đi bằng trực thăng lên cao nhưng vẫn không được chấp nhận.

Bên ngoài, đám đông trở nên giận dữ. Một số người không kìm chế được đã hò lên “Đưa hắn ta ra ngoài”. Khi nghi can được dẫn đi, đôi tay bị còng và chân mang xích, đám đông reo lên: “Tên bỉ ổi”, “Kẻ giết người”, “Kẻ sát hại trẻ em”.

Nghi can từng là một xạ thủ xuất sắc trong quân đội

Timothy McVeigh sinh ngày 23/4/1968 tại Pendleton, một thị trấn nhỏ phía nam biên giới Canada. Tinh thần độc lập mạnh mẽ chính là đặc trưng của vùng đất Pendleton. Cùng với tinh thần độc lập đó, khí hậu khắc nghiệt đã góp phần tôi luyện hắn trở thành một người tự lập và gan dạ. Mới 13 tuổi, McVeigh đã tiếp cận với súng và học cách dùng súng để gây ấn tượng với những kẻ không thích mình.

Ngày 24/5/1988, Tim McVeigh gia nhập quân đội. Chính thời điểm này, McVeigh gặp hai người lính khác cùng ước mơ như hắn, Terry Lynn Nichols và Michael Fortier. Terry và Michael đã gắn với McVeigh trong hành trình trở thành tội phạm của hắn.

Terry Nichols hơn McVeigh 12 tuổi và là “anh cả” của nhóm tân binh. Terry đã kết hôn và có một cậu con trai. Trong thời gian anh ta tham gia quân đội, người vợ đã quyết định chia tay và để lại cậu con trai cho Terry. Điều này khiến Tery phải từ bỏ những ngày tháng trong quân đội để trở về chăm sóc cậu con trai của mình.

Fortier chạc tuổi McVeigh. Fortier không có ước mơ được gia nhập quân đội như Terry và McVeigh mà buộc phải theo truyền thống gia đình vốn có nền tảng trong quân đội. Tuy khác nhau về động lực tham gia nhưng Fortier và McVeigh khá thân thiết.

McVeigh trở thành xạ thủ sau một thời gian huấn luyện ở Fort Riley, Kansas. Tất cả những vũ khí McVeigh được tiếp cận đều thu hút hắn. Sức mạnh quân sự là đam mê của McVeigh.

Năm 1991, chiến tranh vùng Vịnh nổ ra. Sư đoàn bộ binh của McVeigh được điều đến Vịnh Ba Tư để phục vụ chiến dịch “Bão táp sa mạc”. McVeigh thể hiện xuất sắc vai trò của mình và trở thành tay súng chính.

Thời gian sau đó, McVeigh luôn cố gắng để được gia nhập lực lượng đặc biệt nhưng do một số yếu tố khiến hắn không phù hợp với vị trí này. Sự thất bại liên tiếp đã tạo nên tâm lý chán nản cho McVeigh. Hắn quyết định rời bỏ quân đội.n

 (Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án đánh bom kinh hoàng tại Oklahoma - Mỹ (Kỳ 2): Ráo riết điều tra tìm thủ phạm