Sự thật về kẻ giết người hàng loạt nhận bản án cao nhất nước Mỹ (Kỳ 1): Bí ẩn sát nhân chuyên đi “săn” mỹ nữ

Ngọc Tuấn| 18/12/2014 09:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đêm 29/7/1976, hai cô gái xinh đẹp Donna Lauria (18 tuổi) và Jody Valenti (19 tuổi), đang nói chuyện trong xe của Jody tại lối ra vào khu nhà mà Lauria sinh sống, tại Bronx, New York, Mỹ, bỗng thấy một người đàn ông tiến lại gần.

Y thản nhiên rút từ trong túi giấy trên tay khẩu súng có biệt danh “Chó bò” 44 ly, nổ 5 phát vào xe. Lauria gục tại chỗ vì bị bắn vào cổ. Jody trúng đạn vào đùi, chúi người ra phía trước, thân đè lên nút còi xe. Tên giết người vẫn điềm tĩnh kéo cò, dù súng đã hết đạn.

Cơn ác mộng bắt đầu

Jody cố lết ra khỏi xe và kêu cứu. Nghe tiếng súng nổ, bố Lauria chạy xuống. Trong bộ đồ pijama và chân không, ông lái xe như điên tới bệnh viện, hy vọng giữ được mạng sống cho con gái. Nhưng đã quá muộn. Cảnh sát không tìm ra động cơ của vụ án mạng. Cuối cùng, họ phải đặt giả thuyết rằng đó là một vụ thanh toán nhầm, hoặc thủ phạm là một kẻ điên khùng nào đó.

Sự thật về kẻ giết người hàng loạt nhận bản án cao nhất nước Mỹ (Kỳ 1): Bí ẩn sát nhân chuyên đi “săn” mỹ nữ

Nạn nhân Jody Valenti (trái) và Nạn nhân Donna Lauria (phải)

Jody, trong trạng thái bị sốc nặng sau vụ tấn công, đưa ra một số nhận xét về nhân dạng của tên giết người. Song vì chưa bình tĩnh trở lại nên những lời miêu tả của cô không mấy giá trị. Rạng sáng 23/10/1976, ba tháng sau vụ tấn công nói trên, Carl Denaro (20 tuổi), kết thúc bữa ăn với các bạn tại một bar ở Queens và đưa cô bạn Rosemary Keenan về. Đôi trai gái dừng lại nói chuyện gần nhà Keenan. Đột nhiên, một người đàn ông không quen biết xuất hiện bên cửa ô tô. Họng súng đen ngòm chĩa vào xe nổ 5 phát, làm Carl bị thương ở đầu. Keenan hoảng hốt lái xe trở lại bar và rồi tới bệnh viện. Các bác sĩ đã phải thay thế phần xương sọ bị vỡ của Carl bằng một miếng kim loại. Vết thương đó ám ảnh anh suốt phần đời còn lại.

Đêm 26/10/1976, Donna DeMasi (16 tuổi) và bạn là Joanne Lomino (18 tuổi), trở về nhà sau khi xem phim. Chiếc xe buýt dừng lại gần nhà Joanne. Cô thấy một người đàn ông đứng trên vỉa hè gần đó. Dường như linh cảm thấy một điều gì không hay sắp xảy ra, cô giục bạn mình đi nhanh hơn. Nhưng người nọ cũng rảo bước theo họ. Y tiến lại gần và tỏ vẻ muốn hỏi đường. Y bắt đầu: “Các cô có biết...”. Câu hỏi không có đoạn kết vì y đã rút từ trong người ra một khẩu súng và bắn thẳng vào họ. Cả hai đều trúng đạn, gục xuống. Tên sát nhân bắn nốt chỗ đạn còn lại vào một căn hộ trước mặt.

Nghe tiếng kêu của con gái, người nhà Joanne chạy tới. Bác sĩ nói cô có thể sống sót nhưng liệt hoàn toàn. Donna may mắn hơn, bởi viên đạn dù xuyên qua người cô nhưng vẫn cách xương sống được 4cm. 3 vụ tấn công kể trên xảy ra tại Bronx và Queens, New York. Cảnh sát chỉ tìm được duy nhất một viên đạn còn nguyên vẹn tại hiện trường. Mọi thứ lại trở lại yên tĩnh trong hai tháng kế tiếp, rồi tên giết người lại "đi săn" vào mờ sáng 30/1/1977.

Những nạn nhân tiếp theo

Đôi trai gái vừa bước vào xe thì hai phát súng vang lên như xé rách màn đêm. Viên đạn đi xuyên qua và phá nát tấm kính chắn phía trước. Christine ôm lấy đầu, cả hai phát đạn đều trúng người cô. John để cô nằm trên ghế xe phía trước và chạy đi tìm người giúp, anh cố gắng một cách tuyệt vọng ra hiệu cho những chiếc xe trên đường dừng lại, nhưng vô ích. Trong khi đó, người dân sống quanh khu vực nghe thấy tiếng súng và đã gọi cho cảnh sát.

Vài giờ sau, Christine chết tại bệnh viện. Vụ giết người rạng sáng 30/1/1977 này đã đưa đại úy Joe Borrelli vào cuộc. Ông và trung sĩ Joe Coffey bắt tay vào việc nghiên cứu vụ án với hai giả thuyết ban đầu: Tên giết người là một kẻ bị tâm thần, hoặc có thù oán cá nhân với Christine Freund. Coffey nhận thấy viên đạn giết chết Christine không phải dạng thông thường. Nó được bắn ra từ một khẩu súng cỡ lớn và rất mạnh. Điều tra kỹ hơn, ông phát hiện rằng vụ giết người có nhiều chi tiết tương tự với vụ tấn công Donna Lauria, Donna LaMasi và Joanne Lomino. Bước đầu, Coffey kết luận, một tên điên khùng nào đó đã đi theo những cô gái đẹp và tìm cách giết họ.

Tối 8/3/1977, Virginia Voskerichian, cô nữ sinh xuất sắc của Đại học Barnard, trở về nhà sau buổi học. Tới phố Dartmouth, một người đàn ông xuất hiện trên hè phố, đi về phía cô. Đến gần mục tiêu, hắn rút từ trong người ra một khẩu 44 ly, nhằm thẳng vào Voskerichian bóp cò. Cô gái chỉ kịp giơ quyển sách trên tay lên che mặt. Viên đạn duy nhất trúng mặt nạn nhân, xuyên thẳng vào sọ. Voskerichian chết ngay tại chỗ.

Khi chạy trốn, tên giết người vượt qua trước mặt một người đàn ông đứng tuổi đã chứng kiến hắn gây án từ đầu đến cuối. Y thản nhiên ngoái lại cười: “Xin chào ông!”. Xe tuần tra của cảnh sát bắt gặp một nam giới đang chạy trên đường, nhưng khi nghe thông báo trên radio rằng có một người phụ nữ vừa bị bắn tại phố Dartmouth, họ liền dừng việc truy đuổi và vội vã tới ngay hiện trường. Cảnh sát dường như mất hết hy vọng.

Họ không thấy chút thông tin nào có thể giúp họ lần ra kẻ sát nhân. Cái chết của cô nữ sinh Voskerichian để lại trong lòng các thám tử nỗi đau khó tả. Joe Borrelli kể lại: “Nếu bạn quan tâm đến thám tử điều tra những vụ án giết người thì bạn sẽ thấy họ làm việc một cách vô cảm. Họ không muốn nhìn thấy xác nạn nhân, bởi biết rằng như thế thì tốt hơn. Trong vụ án Virginia, khuôn mặt xinh đẹp của cô gái đã bị biến dạng. Nhìn xác cô trên hè đường dưới tấm vải liệm, các thám tử thấy ruột gan mình lộn tùng phèo. Họ chẳng còn cách nào khác là phải ngoảnh mặt đi. Dù đã từng trải đến đâu, những thám tử có kinh nghiệm nhất vẫn không làm sao kiềm chế được”.

Hôm sau, cảnh sát phát hiện, viên đạn sát hại Virginia được bắn đi từ khẩu súng của tên giết Donna Lauria. Họ hiểu rằng mình đang lần tìm một tên sát nhân tâm thần, và hắn sẽ tiếp tục gây tội ác vào bất kỳ lúc nào có thể. Hắn sẽ lại bắn một phụ nữ hấp dẫn nào đó mà hắn tình cờ gặp trên đường. Làm sao chặn tay hắn lại?

Ngày tiếp theo, Cảnh sát trưởng New York tổ chức một cuộc họp báo để thông báo với người dân toàn thành phố về mối liên hệ giữa các vụ án đang xảy ra liên tiếp. Ông thông báo đặc điểm nhận dạng tên giết người: “Một người đàn ông da trắng, khoảng 25-30 tuổi, cao xấp xỉ 1,8m, khổ người vừa phải, tóc sẫm màu”.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải tìm cho ra tên giết người này ngay lập tức, trước khi hắn tiếp tục gây tội ác. Thanh tra Timothy Dowd được giao nhiệm vụ tổ chức lại đội đặc nhiệm Omega và tuyển thêm những người có nhiều kinh nghiệm. Dowd, lúc đó 61 tuổi, vốn không phải là một cảnh sát bình thường. Ông có bằng đại học về hai ngôn ngữ Latinh, Anh và bằng master về kinh doanh tại Đại học City. Ông là người thực tế, quyết đoán trong mọi tình huống, và không biết lùi bước.

(Vụ giết người mới lại một lần nữa khiến cảnh sát thêm lo lắng, bởi khó có thể tìm ra hung thủ trong số hàng triệu người có nhân dạng tương tự trong thành phố. Nhưng lần này vụ án dường như có một chút thay đổi, đó là lá thư mà kẻ giết người để lại tại hiện trường, gửi cho Đại úy Borrelli. Để biết thêm chi tiết, mời bạn đón đọc kỳ 2 trên Báo Công lý điện tử).

Còn tiếp...

Tên sát thủ lại xuất hiện

Đại úy Borrelli là một chỉ huy mới và vụ án giết người hàng loạt này trở nên quá nặng nề đối với những kinh nghiệm còn khá ít ỏi của ông. Và đúng như dự đoán của cảnh sát, tên giết người điên khùng lại xuất hiện. 3h sáng ngày 17/4/1977, một đôi tình nhân đang hôn nhau trong chiếc xe của họ đậu trên đường Hutchinson River, không xa nơi Donna Lauria bị giết vào năm trước. Họ là Valentina Suriansa, nữ diễn viên kiêm người mẫu thời trang, 18 tuổi, và Alexander Esau - chàng thợ máy xe tải 20 tuổi. Đột nhiên, một chiếc xe lù lù tới gần, gã lái bắn thẳng vào họ, mỗi người hai phát. Valentine chết ngay tại chỗ còn Alexander thì chết sau đó tại bệnh viện.

Hàng loạt vụ giết người man rợ không rõ động cơ, mục đích xảy ra liên tiếp trong khoảng hai năm 1976 và 1977 tại New York (Mỹ). Cảnh sát đã cố gắng hết sức, song chỉ thu được những vỏ đạn 44 ly rơi vãi tại hiện trường. Kẻ giết người vẫn lạnh lùng ra tay và đôi khi, hắn còn gửi thư cho nhà chức trách... Kể từ số này, báo CL&XH sẽ khởi đăng loạt bài về tên sát thủ giết người hàng loạt.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự thật về kẻ giết người hàng loạt nhận bản án cao nhất nước Mỹ (Kỳ 1): Bí ẩn sát nhân chuyên đi “săn” mỹ nữ