Hồ sơ Panama: Cuộc chiến thông tin xuyên biên giới

Ý Thơ| 16/06/2016 11:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sự kiện gây chấn động làng báo thế giới hiện nay là gì? Hồ sơ Panama - Panama Papers! Tại sao?

Bạn từng nghe nói đến Hồ sơ Panama hay Panama Papers? Bạn muốn tìm hiểu xem Hồ sơ Panama là gì mà lại “nóng” và “nổi” đến vậy, khi mà từ báo chí đến mạng xã hội đều nhắc đến hàng ngày, hàng giờ? Tất nhiên, trong thời đại thông tin toàn cầu, bạn có thể tìm ra câu trả lời nằm ngay trên thanh công cụ tìm kiếm.

Search Google, trong 0,48 giây cho ra khoảng 464.000 kết quả với từ khóa “hồ sơ Panama”; trong kết quả 0,51 giây được 444.000 kết quả với từ khóa “tài liệu Panama”. Còn với “Panama Papers”? Chỉ trong 0,65 giây, bạn sẽ được tới 63.100.000 kết quả!

Hồ sơ Panama là gì?

Hồ sơ Panama bao gồm 2,6 terabyte dữ liệu, hay 11,5 triệu tài liệu gồm 4,8 triệu email, 1 triệu hình ảnh và 2,1 triệu file PDF cùng nhiều thứ khác, về cả 40 năm hoạt động của Công ty luật Mossack Fonseca, một hãng luật có trụ sở ở Panama, một quốc gia Trung Mỹ.

Chính thức xuất hiện trước công chúng vào ngày 3/4/2016 trong bộ tài liệu mang tên The Panama Paper, ngay lập tức Mossack Fonseca đã trở thành trung tâm của sự chú ý bởi một loạt thông tin mang tính nhạy cảm bị phanh phui từ nguồn thông tin bên trong hãng.

Hồ sơ Panama hé lộ những dữ liệu tài chính nhạy cảm, hàng trăm nghìn email của những người có quyền lực và giàu có nhất thế giới, bao gồm cả Tổng thống, Thủ tướng các nước... Nó cũng tiết lộ các giới siêu giàu thế giới che giấu các giao dịch kinh doanh thông qua việc thành lập các “công ty bù nhìn” và giao dịch tại các nước được coi là thiên đường thuế của thế giới.

Mặc dù Hiệp hội Báo chí điều tra quốc tế (ICIJ) từng gây chấn động với Offshore Leaks năm 2013, LuxLeaks năm 2014 và SwissLeaks năm 2015, nhưng Panama Papers với lượng dữ liệu khổng lồ lớn gấp 1.000 lần vụ WikiLeaks năm 2010 - mới thực sự là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất mà giới truyền thông khai thác từ trước tới nay.

Hồ sơ Panama: Cuộc chiến thông tin xuyên biên giới

 Hồ sơ Panama đã gây ra một cơn địa chấn trong làng báo thế giới

Vụ bê bối thông tin này đã ảnh hưởng đến hàng trăm người có máu mặt trên thế giới, từ các chính trị gia nổi tiếng như Tổng thống Iceland, Tổng thống Nga, đến các quan chức cao cấp của FIFA, hay ngôi sao giải trí Thành Long, hoặc siêu cầu thủ Lionel Messi... Thông tin sơ bộ hồi đầu tháng 4/2016 cho biết, trong 214.000 công ty “ma” mà ICJC điều tra, có 12 nhà lãnh đạo trên thế giới có liên quan, kèm theo đó là 128 quan chức và 29 tỷ phú được xếp hạng trong bảng xếp hạng của Forbes.

Đối với Việt Nam, sau khi ICIJ kích hoạt công cụ tra cứu trực tuyến vào lúc 2h00 sáng ngày 10/5/2016 (theo giờ Việt Nam), 19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài, chủ yếu được đặt tại Quần đảo British Virgin (Vương quốc Anh); 189 cá nhân cùng 185 địa chỉ tại Việt Nam đã được tìm thấy trong Hồ sơ Panama.

Chia “lửa” thông tin vì niềm tin với bạn đọc

Vì sao lại có Hồ sơ Panama? Hay nói cách khác, Hồ sơ Panama từ đâu xuất hiện?

Tờ báo Đức Suddeutsche Zeitung là bên đầu tiên nhận được tập tài liệu. Năm 2014, phóng viên Suddeutsche Zeitung bất ngờ nhận được điện thoại của một người giấu tên đề nghị trao cho kho dữ liệu khổng lồ trên.

Trong số hơn 100 tổ chức truyền thông trên toàn thế giới tham gia phân tích Hồ sơ Panama, ngoại trừ ICIJ có trụ sở tại Washington, thì chỉ có một ít cộng sự ở Mỹ là McClatchy’s Charlotte Observer, Miami Herald và Univision.

Kỳ lạ hơn, những tên tuổi lớn trong làng báo như The New York Times, The Washington Post, hay The Wall Street Journal The New York Times, The Washington Post, hay The Wall Street Journal cũng không hề dành trang nhất hay vị trí nổi bật cho những tin bài liên quan đến Hồ sơ Panama. 

Tuy nhiên, để có thể phân tích chúng, Suddeutsche Zeitung đã bắt tay với ICIJ, và sau đó cùng làm việc với gần 80 cơ quan báo chí khác trên 70 quốc gia khác nhau (giai đoạn đầu), bao gồm nhiều báo lớn như báo Le Monde Pháp, La Nación của Argentina, Sonntagszeitung của Thụy Sĩ, và The Guardian, BBC của Anh... Đến cuối cùng, để Hồ sơ Panama “public”, có tới 370 nhà báo thuộc 109 tòa soạn trên toàn thế giới đã bí mật điều tra trong thời gian gần một năm (từ tháng 6/2015 - 4/2016).

Được biết, trong quá trình điều tra, nhóm nhà báo gốc Hoa ở Mỹ đã kết thúc việc điều tra tìm kiếm thông tin của mình từ sáu tháng trước ngày công bố (3/4/2016). Tuy nhiên, theo yêu cầu của toàn bộ 109 tờ báo, cơ quan truyền thông đến từ 76 quốc gia, tất cả những bài viết đó được để lại trong kho chờ xuất bản vào đúng thời điểm đã định.

Sở dĩ, mạng lưới điều tra lan rộng đến vậy là bởi thông tin trong Hồ sơ Panama có liên hệ tới các công ty, tổ chức tại hàng loạt quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, điều mà truyền thông thế giới ngạc nhiên chính là nỗ lực hợp tác giữa các báo, đặc biệt là khả năng “nhẫn nhịn ém tin” trong thời đại công nghệ số bùng nổ, cuộc chiến thông tin “vô cùng tàn khốc”.

Thậm chí GS. Sheila Coronel, Đại học Báo chí Columbia, còn thán phục khả năng phân chia công việc, trao quyền tự chủ và tính độc lập cho các đơn vị, cá nhân để không những có thể khai thác hiệu quả nguồn tư liệu để tìm ra được những thông tin quan trọng, có ý nghĩa với độc giả, mà còn bảo mật thông tin đến tận sau cùng.

Hồ sơ Panama: Cuộc chiến thông tin xuyên biên giới

Một số các chính trị gia có tên trong Hồ sơ Panama

Đương nhiên, khi công bố thông tin, các báo ưu tiên tập trung vào những nhân vật của quốc gia mình để thu hút sự chú ý của bạn đọc, và đó cũng là những trường hợp chắc chắn có đủ tư liệu, chứng cứ. Điều này có nghĩa là, những cái tên, hay những nước chưa xuất hiện trên truyền thông không có nghĩa không có trong phần dữ liệu của Mossack Fonseca.

Hồ sơ Panama cũng đã đem lại cho các báo tham gia điều tra thắng lợi lớn về mặt doanh thu bởi khả năng thu hút bạn đọc trên mạng, hoặc bán những bài độc quyền cho các báo không tham gia điều tra. Tuy nhiên, điều mà những nhà báo trong vụ Hồ sơ Panama nhận được lớn nhất chính là niềm tin của độc giả. Bởi, theo một bài báo trên Tuổi trẻ, khi niềm tin của bạn đọc trong thời đại báo chí truyền thống có vẻ đi xuống thì “Hồ sơ Panama đã cho thấy rằng bạn đọc vẫn mong chờ những bài báo hay, những cuộc điều tra báo chí độc lập giúp đem lại sự công bằng trong cuộc sống”.

Kết

Có thể nói, Hồ sơ Panama đã gây ra một cơn địa chấn thế kỷ khi “cả gan” công phá bức tường thành vững chãi nhất, khó chạm đến nhất. Những chính trị gia lớn trên thế giới, những tay tài phiệt “có máu mặt” với tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu... cùng vô số thông tin chi tiết về đời sống cá nhân bị phanh phui.

Tất nhiên, để có thể kết luận những người có tên trong blacklist (danh sách đen) của Hồ sơ Panama phạm tội (trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền) hay không, còn cần nhiều dữ liệu liên quan đến hành vi bị coi là vi phạm pháp luật này. Bởi, “luật pháp rõ ràng, không suy đoán, không ngầm hiểu, hay có thể suy diễn”.

Thế nhưng, dù những thông tin này sẽ không được công bố do vi phạm luật bảo vệ đời tư, song có lẽ, những người đã từng là khách hàng của Mossack Fonseca khó có thể “bình chân như vại” khi một vài nhân vật tai to mặt lớn đã bị ngã ngựa, hoặc buộc phải tự động rút lui khỏi chính trường chỉ vì Hồ sơ Panama.

ICIJ cho biết sẽ không công bố toàn bộ Hồ sơ Panama. Theo Giám đốc ICIJ Gerard Ryle, ICIJ không phải WikiLeaks. Những gì họ đã làm đối với Hồ sơ Panama chỉ là “cố gắng để mọi người thấy rằng báo chí đang hành động có trách nhiệm”!

Một đứa bé 5 tuổi cũng có thể hiểu Hồ sơ Panama là gì? Dưới đây là một cách giải thích ngắn gọn và thú vị mà theo DanGliesack, một thành viên mạng xã hội Reddit, “đến một đứa bé 5 tuổi cũng có thể hiểu được”.  

Khi bạn kiếm được một đồng xu, bạn sẽ bỏ nó vào lợn tiết kiệm. Bạn đặt chú lợn trên một ngăn trong tủ đồ của mình. Mẹ bạn biết điều này nên suốt ngày kiểm tra chú lợn để biết khi nào bạn tiêu hay bỏ thêm tiền vào.

Bạn không thích. Vậy bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ đem giấu chú lợn đó đi?

Không. Cách mà các nhân vật xuất hiện trong Hồ sơ Panama đã làm theo lý giải của DanGliesack chính là, bạn sẽ giấu một chú lợn tiết kiệm khác ở nhà cậu bạn Johnny của mình. Đó chính là chú lợn mà mẹ sẽ không bao giờ kiểm tra hay phát hiện ra được.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồ sơ Panama: Cuộc chiến thông tin xuyên biên giới