Giải mã giả thuyết chất độc nằm trên tay nắm cửa nhà cựu điệp viên Nga

Theo dantri| 02/04/2018 14:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Các quan chức điều tra vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal nghi bị hạ độc tại Anh đang nghiêng về giả thuyết rằng hung thủ đã bôi chất độc thần kinh lên tay nắm cửa trước khi chờ nạn nhân “sập bẫy”.

 

Cảnh sát Anh khám xét căn nhà của cựu điệp viên Skripal tại Salisbury (Ảnh: Getty)

Cảnh sát Anh khám xét căn nhà của cựu điệp viên Skripal tại Salisbury (Ảnh: Getty)

Cựu đại tá tình báo Sergei Skripal và con gái Yulia bị phát hiện trong trạng thái bất tỉnh trên băng ghế bên ngoài trung tâm mua sắm ở thành phố Salisbury, Anh hôm 4/3. Giới chức Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ việc này và tấn công cha con cựu điệp viên bằng chất độc thần kinh Novichok được sản xuất từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, Moscow cho đến nay vẫn bác bỏ mọi cáo buộc và yêu cầu London cung cấp bằng chứng, bao gồm mẫu chất độc khả nghi.

Có nhiều giả thuyết được đặt ra liên quan tới nguồn gốc loại chất độc cũng như cách thức hung thủ sử dụng để hạ độc ông Skripal và con gái, trong đó nhiều quan chức Anh đang vào cuộc điều tra vụ việc tin rằng kẻ ám sát có thể đã bôi chất độc thần kinh lên tay nắm cửa nhà của cựu điệp viên Nga. Thậm chí New York Times dẫn lời một số quan chức được thông báo về kết quả điều tra sơ bộ cho biết, kế hoạch bôi chất độc lên tay nắm cửa quá rủi ro và nhạy cảm tới mức hung thủ sẽ không thể ra tay thực hiện nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Nga.

Giả thuyết được đặt ra là kẻ ám sát đã đi bộ tới trước cửa ngôi nhà bằng gạch của cựu đại tá tình báo Nga trên một con đường vắng vẻ ở Salisbury vào ngày 4/3 - ngày ông Skripal và con gái bị phát hiện bất tỉnh. Theo giới chức Anh, chất độc thần kinh là loại hóa chất cực độc và mạnh, do vậy người thực hiện phi vụ ám sát này chỉ có thể là những đối tượng đã được đào tạo chuyên nghiệp và đã quen thuộc với vũ khí hóa học. Trong khi đó một số quan chức khác của Anh và Mỹ cho rằng có thể các đối tượng độc lập đã tiến hành vụ tấn công đầy rủi ro này hoặc đánh cắp chất độc thần kinh mà không liên quan tới chính phủ Nga.

Điều khiến giới chức Anh và Mỹ “đau đầu” là cách thức hung thủ tiến hành vụ tấn công này cũng như tính hiệu quả của nó. Một cựu điệp viên có thể bị ám sát bằng nhiều cách, như bị bắn chết hoặc thiệt mạng trong một vụ tai nạn dàn dựng. Tuy nhiên “điểm lạ” trong vụ việc này đó là, kẻ ám sát hiểu rõ rằng chất độc thần kinh mà hắn sử dụng sẽ dễ dàng bị phát hiện và bị liên tưởng ngay tới vai trò của Nga.

Giới chức Anh cho biết các nhà điều tra đã phát hiện nồng độc chất độc cao nhất trên tay nắm cửa nhà cựu điệp viên Skripal còn dấu vết chất độc được tìm thấy ở những nơi khác có nồng độ thấp hơn. Chi tiết này có liên quan tới việc các nhà điều tra cũng phát hiện chất độc trên xe ô tô và tại nhà hàng nơi cha con ông Skripal ghé qua trước khi bất tỉnh. Trong khi đó, sĩ quan cảnh sát Nick Bailey cũng gặp vấn đề về sức khỏe và phải nhập viện sau khi bị nghi ngờ tiếp xúc với chất độc thần kinh còn sót lại tại nhà của ông Skripal.

Giải mã hung thủ

Cựu điệp viên Skripal và con gái Yulia (Ảnh: BBC)

Cựu điệp viên Skripal và con gái Yulia (Ảnh: BBC)

Theo Richard Guthrie, một chuyên gia độc lập về vũ khí hóa học, để có thể bôi chất độc thần kinh lên tay nắm cửa nhà cựu điệp viên Nga, sát thủ phải có kiến thức đáng kể về hóa học cơ bản. Ông Guthrie cho rằng trước khi hành động, hung thủ đã phải tính toán xem làm thế nào để chất độc vẫn nằm nguyên vẹn trên tay nắm cửa cho tới lúc ông Skripal chạm tay vào và dính độc.

“Nếu chất độc nằm trên tay nắm cửa có nghĩa là ai đó đã có mặt tại Anh với loại chất độc này từ trước đó. Loại chất độc này phải được thiết kế để có thể dính vào tay nắm cửa và đảm bảo rằng chúng sẽ không rơi khỏi tay nắm cửa quá nhanh cho tới khi có người mở cửa. Đó là một quá trình phức tạp”, ông Guthrie cho biết.

Ông Skripal từng là đại tá phục vụ trong Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU). Ông này bị bắt vào năm 2004 và kết án 13 năm tù vào năm 2006 vì tội hoạt động gián điệp cho Anh. Theo truyền thông Nga, Skripal đã nhận của tình báo Anh 100.000 USD để đổi lấy thông tin về các điệp viên của GRU đang hoạt động ở các quốc gia châu Âu thời kỳ đó.

Tháng 7/2010, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ra quyết định ân xá cho Sergei Skripal và ông là một trong 4 điệp viên được Nga trả tự do để đổi lấy 10 điệp viên do Moscow cài cắm ở Mỹ. Cựu đại tá tình báo Nga được Anh cấp nơi ở, tiền trợ cấp và sống ở Anh từ đó đến nay.

Chuyên gia Guthrie nhận định hung thủ phải có niềm tin rất lớn rằng mục tiêu của hắn chắc chắn sẽ chạm vào tay nắm cửa, vì hắn không thể đứng trước cửa nhà ông Skripal để ngăn không cho ai khác ngoài cựu điệp viên này chạm vào tay nắm cửa đó.

Alastair Hay, giáo sư danh dự về nghiên cứu chất độc tại Đại học Leeds, nhất trí với quan điểm rằng, một vụ tấn công bằng chất độc thần kinh đòi hỏi hung thủ phải có kiến thức chuyên sâu để đảm bảo chất độc dính chặt vào tay nắm cửa nhưng không để các mục tiêu nhận ra.

“Khi họ (mục tiêu) chạm vào tay nắm cửa, họ nghĩ rằng do tay nắm cửa bị ướt, chứ không bao giờ nghĩ rằng có ai đó đang tìm cách hạ độc họ. Nếu biết, họ sẽ tìm cách lau sạch đi”, Giáo sư Hay cho biết.

Một số chuyên gia tỏ ra hoài nghi về cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công nhằm vào cha con ông Skripal. Họ cho rằng thời điểm xảy ra vụ việc gây bất lợi cho Nga. Nếu nói vụ việc hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Vladimir Putin thì đây là lập luận không đúng vì nó xảy ra quá muộn khi cuộc bầu cử Nga tới rất gần. Hơn nữa, vụ việc này cũng phủ “bóng đen” ngoại giao lên Nga với tư cách là nước chủ nhà đăng cai World Cup 2018. Về phần mình, Nga cũng đặt câu hỏi nghi vấn về sự dính líu của Anh trong vụ tấn công này. Moscow cho rằng các nhà khoa học Anh cũng có thể tự chế tạo chất độc Novichok trong các phòng thí nghiệm của nước này và sử dụng chúng để hạ độc cựu điệp viên Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải mã giả thuyết chất độc nằm trên tay nắm cửa nhà cựu điệp viên Nga