Cái chết của huyền thoại âm nhạc John Lennon - Kỳ cuối: Điềm tĩnh nhận tội

Hoàng Hà| 18/05/2015 08:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau khi bắn John Lennon, gã sát thủ vứt mũ, cởi áo khoác ném xuống vỉa hè. Hắn biết cảnh sát sẽ đến ngay. Hắn lấy cuốn “Bắt trẻ đồng xanh” ra khỏi túi, cố đọc nó trong lúc bước chầm chậm trên vỉa hè chờ đợi.

Về phía John Lennon, anh lảo đảo bước lên 6 bậc thềm, chúi qua khung cửa, ngã vật xuống sàn ngay tại lối vào. Yoko gào lên và chạy tới chỗ anh, quát người gác cổng Jose Perdomo còn đang bàng hoàng, bảo ông ta gọi xe cấp cứu.

Kẻ giết người điềm tĩnh vứt khẩu súng xuống đất và lạnh lùng nhìn Yoko đang lay gọi John. Perdomo quay lại hét: “Ngươi có biết ngươi vừa làm gì không? Có biết làm gì không?”. “Tôi vừa bắn John Lennon”, Mark Chapman đáp lại một cách thản nhiên. Người gác cổng quay số điện thoại cảnh sát rồi đá văng khẩu súng dưới chân Mark ra xa.

Một chiếc xe cảnh sát rú ầm ầm xịch tới Dakota, hai cảnh sát nhảy xuống. Perdomo chỉ về phía Mark. Viên cảnh sát áp Mark vào tường, lục soát, rồi còng tay hắn, tống lên ghế sau.

Nhận thấy không thể chờ xe cứu thương, một chiếc xe tuần tra khác đã chở John phóng tới bệnh viện gần nhất, bệnh viện St. Luke's-Roosevelt trên đường 58. Hơn 20 bác sĩ và y tá đã tham gia cứu John nhưng đó là một nỗ lực vô vọng: 23 giờ 15, John tắt thở vì mất quá nhiều máu.

Cái chết của huyền thoại âm nhạc John Lennon - Kỳ cuối: Điềm tĩnh nhận tội

23h15 ngày 8/12/1980, John tắt thở vì mất quá nhiều máu.

Ngày 10/12/1980, John Lennon được truy điệu tại nghĩa trang Ferncliff, New York. Cả thế giới tiếc thương anh. Ước tính có tới hơn 200.000 người đã tới quanh nghĩa trang và khoảng 7.000 nhân viên an ninh được huy động.

Tuy nhiên, Yoko Ono quyết định hỏa táng John thay vì chôn cất nên lễ truy điệu chỉ mang tính tượng trưng. Lý do nào khiến Yoko quyết định hỏa thiêu John đến nay vẫn còn là bí ẩn. Yoko nói bà sẽ viết hết về John và The Beatles trong cuốn tự truyện phát hành năm 2015. Song có nhiều suy đoán rằng, Yoko làm vậy vì John Lennon đã từng viết về việc hỏa táng trong một ca khúc của mình.

Với Mark Chapman, người ta đưa ra một loạt giả thuyết về lý do của việc sát hại John Lennon, trong đó có việc hắn mắc chứng cuồng loạn (Hysteria). Trong đó, chính trị cũng là một yếu tố và trong ban nhạc The Beatles, John Lennon là người quan tâm đến chính trị hơn các thành viên khác. Những ca khúc ở thời kỳ sau của anh đều mang ý chỉ trích xã hội. Lennon còn là một nhân vật tích cực của phong trào hòa bình và đã nhiều lần bị những kẻ cực đoan đe dọa tính mạng.

Vào ngày 29/1/1981, Mark Chapman hầu tòa lần đầu tiên. Tháng 8 cùng năm, với tội danh giết người cấp độ 2, hắn bị tuyên án tù chung thân quản thúc tại Trung tâm Phục hồi nhân phẩm Attica - một nhà tù nổi tiếng nghiêm ngặt ở thành phố New York. Hắn chỉ được ân xá sau 20 năm thụ án, với sự chấp thuận của Yoko Ono.

Cái chết của huyền thoại âm nhạc John Lennon - Kỳ cuối: Điềm tĩnh nhận tội

Mark Chapman sau 20 năm thụ án

Năm 2000, sau 20 năm thụ án, Mark Chapman có quyền xin ân xá lần đầu tiên. Và kể từ đó đến nay, hắn đã viết 6 lá đơn như vậy nhưng đều bị bác bỏ, do Yoko Ono tuyên bố: Mark vẫn còn là mối đe dọa đối với gia đình bà.

Ủy ban ân xá tại New York đã nghiên cứu rất kỹ hồ sơ ngồi tù của Mark. Trong suốt thời gian thụ án, tù nhân đặc biệt này đã hoàn tất một khóa học về luật và kinh tế. Hắn luôn tỏ ra ăn năn, hối cải và có nhiều đóng góp tích cực cho nhà tù. Nhìn Mark xuất hiện trước tòa, ít ai nghĩ rằng hắn là kẻ đã sát hại một tượng đài âm nhạc thế giới. Nếu giết một người khác chứ không phải Lennon của The Beatles huyền thoại, có lẽ Mark Chapman đã được ân xá từ lâu.

Cũng năm 2000, 20 năm sau cái chết của Lennon và 30 năm sau khi The Beatles tan vỡ, các đĩa nhạc của “tứ quái” thành Liverpool đã bán được với số lượng nhiều hơn bất cứ nghệ sĩ hay nhóm nhạc nào khác. Năm 2001, John Lennon còn giành giải Grammy cho video dài xuất sắc nhất của năm 2000, “Gimme Truth: The making of ‘Imagine’”, do ông và Yoko quay từ năm 1971.

Cứ đến ngày 8/12 hằng năm, người hâm mộ lại tập trung về góc Công viên Trung tâm gần tòa nhà Dakota, nơi John vẫn thường đi dạo. Khu vực này đã được chính quyền New York đặt tên là Strawberry Fields, theo tên một sáng tác nổi tiếng của John Lennon. Tại đây, họ, cũng như hàng triệu người hâm mộ khác trên khắp thế giới, lặng im tưởng nhớ John, rồi cùng nghe và hát theo nhạc của anh.

Cái chết của huyền thoại âm nhạc John Lennon - Kỳ cuối: Điềm tĩnh nhận tội

Một góc Công viên Trung tâm gần tòa nhà Dakota, nơi John vẫn thường đi dạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cái chết của huyền thoại âm nhạc John Lennon - Kỳ cuối: Điềm tĩnh nhận tội