Bài 2: Phiên tòa gây chia rẽ nước Mỹ

congly.com.vn| 13/04/2012 11:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phiên toà hình sự xét xử O.J.Simpson, mở ngày 24-1-1995 được coi là phiên toà giữ kỷ lục thế giới về số người xem đông nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Trong suốt khoảng thời gian gần 9 tháng, các phiên xử án luôn được truyền hình trực tiếp với khoảng 1/2 dân số Mỹ không ngừng hướng mắt lên màn hình. Ngày 3-10-1995, Tòa hình sự Mỹ tuyên trắng án cho O.J.Simpson. Cuối cùng vụ án Nicole kết thúc mà không có bất kỳ bị cáo nào phải ngồi tù.

OJ Simpson thử găng tay trước tòa


O J Simpson bị bắt ngày 17-6-1994. Đến tháng 1-1995, phiên tòa đại hình bắt đầu. Người được chỉ định làm Chánh án phiên toà là Lance Ito. Ito là con cháu của những người Nhật đã sống qua nhiều thế hệ tại Hoa Kỳ. Việc chọn Ito làm quan tòa có một ý nghĩa thầm kín sâu sắc: bị cáo Simpson là người da đen, trong khi nạn nhân Nicole và Goldman là người da trắng. Trong tư tưởng của người Mỹ, vụ án này có hàm ý chủng tộc. Một người da đen bị khởi tố giết hai người da trắng, để cho phiên tòa được công bằng thì quan tòa không thể trắng hoặc đen: Lance Ito là người da vàng. Thực tế phiên tòa cho thấy, yếu tố chủng tộc chính là điểm mà bên biện hộ xoáy sâu vào.


Trước Tòa, các nhân chứng vật chứng tưởng chừng như rất chắc chắn của phía công tố bị đội ngũ luật sư sừng sỏ đào bới lung lay tận gốc rễ, chủ yếu xoay quanh sự hấp tấp và cẩu thả của cảnh sát trong việc thu thập chứng cứ, cũng như thái độ kỳ thị chủng tộc của một số nhân vật chủ chốt trong lực lượng điều tra vụ án. Đặc biệt, phiên tham quan hiện trường được tổ chức như một cảnh phim hành động Hollywood. Ðoàn xe chở Chánh án, Bồi thẩm đoàn, hai nhóm công tố và biện hộ được hộ tống bởi lực lượng cảnh sát Los Angeles, một đội SWAT và đội trực thăng tuần tra; theo sau đó là đoàn xe và trực thăng của giới truyền thông. Dù luật pháp quy định hiện trường phải được giữ nguyên như khi xảy ra vụ việc, phe biện hộ đã làm việc ráo riết để thay đổi bộ mặt căn biệt thự của Simpson. Những tấm hình các cô gái ăn mặc hở hang đã bị dẹp bỏ, kể cả tấm hình khỏa thân của Paulo Barbierri, cô bồ mới của Simpson. Thay vào đó là hình của mẹ anh ta và của Martin Luther King, nhà tranh đấu nhân quyền người da đen. Trong phòng ngủ của Simpson còn có cuốn kinh thánh để đầu giường.
Ðiều tra viên Mark Fuhrman trở thành mục tiêu chính của phe biện hộ khi họ khám phá ra các bằng chứng cho thấy Fuhrman là một người mang nặng đầu óc kỳ thị chủng tộc. Phe biện hộ đã tìm ra được một cuộn băng ghi âm có giọng của Fuhrman. Cuộn băng này được thu bởi một giáo sư tên Laura McKinney 10 năm trước đó. Trong cuộn băng này Fuhrman đã dùng chữ "nigger" đến 41 lần. "Nigger" là tiếng lóng dùng để miệt thị người da đen. Phe biện hộ còn đưa ra một nhân chứng nói rằng Fuhrman đã từng nói: "Nếu tôi mà có khả năng thì tôi sẽ bắt hết bọn nigger, dồn vào một chỗ rồi đốt chúng". Phe biện hộ cho rằng Fuhrman đã gài bẫy để vu khống Simpson. Chính Fuhrman đã đem chiếc găng tay bỏ vào nhà Simpson. Luật sư Cochran trong phần kết luận sau khi chất vấn Fuhrman, đã khẩn thiết kêu gọi Bồi thẩm đoàn hãy chống lại kẻ có đầu óc kỳ thị. Ông ta nói: "Qúy vị có quyền vạch ra những điều sai trái. Hãy hất tung sự che đậy này! Hất tung nó lên!".


Đòn phản công ngoạn mục nhất của phía bên biện hộ là câu chuyện chiếc găng tay - đôi găng tay đã được Fuhrman tìm thấy một chiếc ở nhà Nicole và một chiếc ở nhà Simpson. Tòa án ra lệnh Simpson phải mang thử đôi găng tay. Trước ống kính truyền hình, Simpson đã vất vả cố đút tay vào nhưng không lọt chiếc găng tay. Luật sư biện hộ nói với Bồi thẩm đoàn: "Qúy vị hãy nhớ kỹ đôi găng này, nó không vừa tay Simspon. Nếu nó không vừa, Simpson không có tội". Các bằng chứng khác như dấu giày của Simpson tại hiện trường, tóc Simpson dính trên áo Goldman, sợi vải trên áo Goldman là từ đôi tất của Simpson... đều bị phe biện hộ cho là ngụy tạo.


Sáng ngày 3-10-1995, các đài truyền hình chính của Mỹ đồng loạt trực tiếp truyền hình buổi tuyên án. Với giọng run run, thư ký Tòa án đọc: "Tòa án tối cao California, tỉnh Los Angeles, phiên tòa giữa tiểu bang California và Orenthal James Simpson, hồ sơ số BA 097211. Chúng tôi, Bồi thẩm đoàn, dưới danh nghĩa nói trên, cho rằng bị can Orenthal James Simpson không có tội trong vụ án mạng". Một luồng điện chạy lan khắp nước Mỹ. Hàng trăm triệu người dán mắt vào tivi hoặc lắng tai nghe radio đã phản ứng với những thái độ khác nhau. Những người da đen thì nhảy cẫng lên vui mừng, còn những người khác thì tỏ ra thất vọng.


O J Simpson có giết người hay không? Chỉ có duy nhất anh ta mới có thể trả lời câu hỏi này. Nhưng có một điều ai cũng đồng ý rằng, với hàng núi bằng chứng như vậy, Simpson khó có thể không bị kết tội nếu anh ta không đủ tiền thuê những luật sư tài giỏi nhất nước Mỹ.


Hải Yến (theo NYTimes)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Phiên tòa gây chia rẽ nước Mỹ