Xây dựng dự thảo Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN về “Quan hệ đối tác vì sự bền vững"

Bạch Dương| 09/03/2019 10:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đây là một trong những nội dung được đưa ra thảo luận tại Hội nghị các Quan chức cao cấp ASEAN (ASEAN SOM), tổ chức tại thành phố Chiang Rai, Thái Lan, từ ngày 6-8/3.

ASEAN SOM là hội nghị thường kỳ của các Quan chức cao cấp ASEAN với trọng tâm là rà soát tình hình, thảo luận các biện pháp hợp tác, chuẩn bị cho các hoạt động sắp tới cũng như trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm. Dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị lần này là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn Quan chức cao cấp Việt Nam tại ASEAN.

Xây dựng dự thảo Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN về “Quan hệ đối tác vì sự bền vững

Các đại biểu tham dự Hội nghị các Quan chức cao cấp ASEAN (ASEAN SOM) được tổ chức tại thành phố Chiang Rai, Thái Lan, từ ngày 6-8/3. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN

Nhằm góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, các đại biểu tại hội nghị đã nhất trí ASEAN cần nỗ lực thực hiện thành công các trọng tâm, ưu tiên đề ra cho năm 2019 nhằm thúc đẩy một Cộng đồng bền vững về mọi mặt, lấy người dân làm trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo đó, hội nghị đã trao đổi định hướng xây dựng dự thảo Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN về “Quan hệ đối tác vì sự bền vững”, đề ra phương hướng thúc đẩy hợp tác nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN bền vững trên mọi khía cạnh. Dự kiến Tuyên bố sẽ được các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua vào tháng 6/2019.

Hội nghị cũng ghi nhận Thái Lan sẽ tổ chức Đối thoại cấp cao lần thứ 3 về Nâng cao tính tương hỗ giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự LHQ 2030 về Phát triển bền vững vào ngày 29/3/2019, với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy hợp tác, phối hợp giữa ASEAN và các cơ quan của LHQ để triển khai thành công hai chương trình nghị sự quan trọng này.

Các đại biểu cũng thảo luận việc ASEAN thành lập một Mạng lưới bao gồm các hội, các tổ chức về ASEAN của các nước thành viên. Mạng lưới này sẽ có nhiệm vụ phối hợp, kết nối các hội và các tổ chức để thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức người dân về ASEAN và xây dựng bản sắc chung của ASEAN.

Trước tình hình hợp tác biển ở khu vực diễn ra ngày càng sôi động và phong phú, hội nghị đã trao đổi và nhất trí tiến hành rà soát chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động nhằm nâng cao hơn nữa vai trò hiệu quả của Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF).

Hướng tới các hội nghị giữa ASEAN với các đối tác

Liên quan đến vấn đề quan hệ đối ngoại, tại hội nghị, các đại biểu đã rà soát công tác chuẩn bị cho một loạt hội nghị quan trọng sắp tới với các đối tác, trong đó có các Hội nghị Quan chức cao cấp giữa ASEAN với Trung Quốc, New Zealand, Canada, Mỹ, Australia và Nhật Bản, nhằm bảo đảm các hội nghị đạt kết quả tốt, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác cũng như tranh thủ các đối tác tiếp tục tích cực ủng hộ, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, phát huy vai trò trung tâm ở khu vực.

Riêng với Nhật Bản, dự kiến trong năm 2019 sẽ diễn ra Ngày ASEAN-Nhật với nhiều hội thảo, hoạt động giao lưu văn hoá, thể thao đa dạng được tổ chức tại Việt Nam, nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật.

Với Trung Quốc, hội nghị ghi nhận những tiến triển trong tiến trình thương lượng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đã tạo đà thuận lợi để hai bên có thể hoàn tất vòngthương lượng thứ nhất văn bản COC trước Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc vào tháng 8/2019.

Các nước cũng thảo luận việc tổ chức Cấp cao kỷ niệm 30 năm thành lập quan hệ đối tác ASEAN-Hàn Quốc (1989-2019) và Cấp cao kỷ niệm 45 năm thành lập quan hệ đối tác ASEAN-New Zealand (1975-2020).

Bên cạnh đó, hội nghị đã xem xét đề nghị của một số nước muốn thiết lập quan hệ đối tác với ASEAN. Trong khuôn khổ phối hợp tại các tổ chức, diễn đàn đa phương, các đại biểu nhất trí, trong trường hợp có nước thành viên ứng cử vào các cơ quan của LHQ và tổ chức quốc tế, ASEAN sẽ xem xét và nếu có đồng thuận thì công nhận đó là ứng cử viên chung của ASEAN, qua đó vừa giúp thể hiện vai trò, uy tín của cả khối vừa giúp tăng khả năng trúng cử của ứng viên. 

Ngoài ra, ASEAN sẽ xúc tiến công tác chuẩn bị cho Peru tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), đồng thời xem xét thuận lợi đề nghị tham gia TAC của Nam Phi. Việc ngày càng nhiều nước quan tâm và mong muốn tham gia TAC đã cho thấy những nguyên tắc do ASEAN đề ra cho quan hệ giữa các quốc gia tiếp tục tiếp tục còn nguyên giá trị và sự phù hợp. Tính đến nay, đã có 37 quốc gia và tổ chức tham gia TAC.

Các nước cũng đã trao đổi về đề nghị gia nhập ASEAN của Timor Leste và cho rằng cả ASEAN và Timor Leste cần tiếp tục chuẩn bị kỹ các mặt, trong đó có việc hỗ trợ Timor Leste nâng cao năng lực để dần đáp ứng các tiêu chí thành viên. Trước mắt, ASEAN sẽ cử đoàn tìm hiểu thực tế của các cơ quan thuộc trụ cột chính trị-an ninh sang làm việc với các cơ quan liên quan của Timor Leste để đánh giá năng lực, nhu cầu cụ thể.

Nhân dịp SOM ASEAN lần này, nước Chủ tịch Thái Lan đã tổ chức phiên họp hẹp (retreat) về hợp tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các đại biểu nhất trí ASEAN cần xây dựng quan điểm chung, qua đó khẳng định vai trò vị trí và định hướng cho ASEAN trong tham gia, thúc đẩy hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hội nghị đã trao đổi và đi đến thống nhất về những nội hàm quan trọng;trong đó ASEAN tiếp tục vai trò trung tâm, tận dụng và phát huy các cơ chế, diễn đàn do ASEAN thành lập và dẫn dắt để thúc đẩy đối thoại và hợp tác nhằm xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hoà bình, hợp tác, phát triển thịnh vượng, tuân thủ các nguyên tắc chung như mở, minh bạch, bao trùm, tôn trọng độc lập chủ quyền và không can thiệp, thượng tôn pháp luật…

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng dự thảo Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN về “Quan hệ đối tác vì sự bền vững"