Vụ kiện Thế kỷ Philippines - Trung Quốc: Chờ đợi phán quyết từ Tòa Trọng tài

Hà Kim| 12/07/2016 10:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 12/7, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) sẽ đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp biển Đông. Sự việc được rất nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.

Khoảng 9h GMT (16h giờ Hà Nội) ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên hợp quốc ở La Haye, Hà Lan, sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo Inquirer (Philippines), ngày 7/7, PCA đã bắt đầu mở phiên tòa về đơn kiện của Chính phủ Philippines. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài đến cuối tuần và không được công khai.

Theo thông báo từ PCA, Tòa cho phép các nước Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản cử phái đoàn nhỏ đến tham dự với tư cách là quan sát viên, sau khi nhận được đơn đề nghị bằng văn bản từ các nước này.

Vụ kiện Thế kỷ Philippines - Trung Quốc: Chờ đợi phán quyết từ Tòa Trọng tài

Một phiên điều trần tại Tòa Trọng tài Thường trực

Tòa Trọng tài thường trực thành lập gồm 5 thành viên. Trong đó, Philippines là nước khởi kiện được quyền chỉ định một Trọng tài viên. Trung Quốc là nước bị kiện cũng có quyền chỉ định Trọng tài viên, nhưng do Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện nên Chánh án Tòa Luật Biển chỉ định một Thẩm phán người Ba Lan làm Trọng tài viên cho phía Trung Quốc. Chủ tịch của Tòa Trọng tài là người Ghana cùng hai Thẩm phán, một người Pháp và một người Hà Lan.

Phán quyết sẽ được gửi qua e-mail cho các bên cùng với một thông cáo báo chí có chứa bản tóm tắt phán quyết, PCA cho biết.

Ngày 22/1/2013, Philippines đã tiến hành khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thường trực (PCA) liên quan tới tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc đối với quyền tài phán trên biển Đông, dựa trên căn cứ pháp lý thể hiện trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Trong đơn kiện của Philippines đệ trình 15 vấn đề trong đó có 13 vấn đề được đệ trình vào năm 2013 và 2 vấn đề được bổ sung năm 2015. Các vấn đề này xoay quanh 3 nội dung chính:

Một là, Philippines muốn Tòa PCA  đưa ra phán quyết, xác định yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc bao trùm gần hết biển Đông có phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) hay không.

Hai là, PCA xác định quy chế pháp lý của một số cấu trúc địa lý trên biển Đông bao gồm vùng đáy biển, vùng nước lẫn các thực thể (là đảo, bãi đá, bãi nửa chìm nửa nổi, bãi chìm) dựa theo UNCLOS.

Ba là liên quan quyền đánh cá của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế  (EEZ) của nước này. Philippines tố cáo Trung Quốc ngăn cản Philippines thực hiện các quyền chủ quyền của họ trong EEZ của họ theo UNCLOS.

Ngoài 3 vấn đề lớn trên, còn có những nội dung khác mà Philippines cũng đề nghị Tòa xem xét.

Tuy nhiên, ngay khi Philippines gửi Trung Quốc và PCA về quan điểm kiện Trung Quốc thì nước này đã bác bỏ và khẳng định sẽ không tham gia vụ kiện. Trong đó, Trung Quốc lập luận rằng, việc Philippines tự ý đưa vấn đề tranh chấp biển Đông ra Tòa Trọng tài quốc tế là vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Bên cạnh đó, Trung Quốc cho rằng, đây là một vụ kiện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của một số thực thể ở biển Đông. Vấn đề này không thuộc quy định UNCLOS, nghĩa là HĐTT sẽ không có thẩm quyền để xử vụ kiện này.

Hơn nữa, Trung Quốc tự cho rằng, vấn đề tranh chấp này liên đới trực tiếp đến vấn đề phân định biển, mà Trung Quốc đã bảo lưu từ năm 2006. Điều này có nghĩa là nếu HĐTT có tiến hành xét xử thì Trung Quốc có quyền không tuân theo phán quyết này.

Trước lập luận này của Trung Quốc, PCA cũng đã trình bày rõ cơ sở pháp lý. Theo đó, Philippines và Trung Quốc đều là thành viên UNCLOS và thế nên cả hai nước đều phải bị ràng buộc bởi những quy định của UNCLOS liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS. HĐTT khẳng định thêm rằng, việc xác định trạng thái của các chủ thể (dựa trên việc giải thích luật UNCLOS) sẽ khác với việc phân định chủ quyền biển nên HĐTT hoàn toàn có thẩm quyền thụ lý nội dung này. Hơn nữa, theo quy định của UNCLOS (trong đó Trung Quốc là thành viên) thì việc nước này vắng mặt cũng không thể cản trở quá trình HĐTT thụ lý và xử lý vụ kiện với nội dung theo quy định UNCLOS.

Cuối cùng PCA khẳng định, sau khoảng thời gian dài đàm phán không thành công với Trung Quốc, không đi đến thỏa thuận chung thì việc Philippines kiện ra Tòa quốc tế là điều hợp pháp theo UNCLOS.

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) là một tổ chức liên chính phủ của 121 quốc gia thành viên, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Singapore.

PCA được lập vào năm 1899 để hỗ trợ việc làm trọng tài phân xử và hỗ trợ các hình thức giải quyết tranh chấp khác giữa các nước. PCA giờ đã trở thành một thể chế trọng tài hiện đại, đa diện nằm giữa công pháp và tư pháp quốc tế, đáp ứng nhu cầu giải quyết nhanh chóng các tranh chấp trong cộng đồng quốc tế.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ kiện Thế kỷ Philippines - Trung Quốc: Chờ đợi phán quyết từ Tòa Trọng tài