Video IS hành quyết con tin Nhật Bản có nhiều nghi vấn

Hoàng Hà| 26/01/2015 06:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe xác nhận đoạn video về việc con tin Nhật Bản bị hành quyết phát hành hôm 24/1 có độ tin cậy cao nhưng nhiều tờ báo lại nhận định có nhiều điểm nghi vấn quanh vấn đề này.

Ngày 24/1, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã cho tung ra đoạn video mới nhất về con tin người Nhật Bản bị tổ chức ngày bắt cóc. Trong đó, con tin Kenji Goto cầm bức ảnh thi thể con tin Haruna Yukawa.

Trong đoạn video mới, giọng người đàn ông nói bằng tiếng Anh rằng, anh ta chính là nhà báo Kenji Goto và tuyên bố, IS đã chặt đầu Yukawa vì Thủ tướng Abe không trả tiền chuộc trước thời hạn.

Goto trong video nói, IS không cần yêu sách tiền chuộc nữa, mà thay vào đó đề nghị trả tự do cho Sajida Mubarak Atrous al-Rishawi (một chiến binh của Nhà nước Hồi giáo đang bị chính phủ Jordan giam giữ) để đổi lấy Goto.

Trong một chương trình truyền hình trực tiếp trên đài NHK sáng 25/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, qua phân tích đoạn video “có độ tin cậy cao”.

Tuy nhiên, nhiều tờ báo như USA Today, Dailymail, Reuters … có những thông tin đánh giá, nhận định rằng còn nhiều nghi vấn xung quanh việc này.

Một điều kỳ lạ là, bối cảnh trong video có nhiều khác biệt so với các video quen thuộc trước đó của tổ chức IS. Những video trước đây của IS thường quay ở ngoài trời hay đâu đó ngoài sa mạc và con tin phải tự nói, còn bối cảnh lần này lại là bối cảnh tĩnh, con tin Goto chỉ ngồi yên một chỗ, giữ bức ảnh và không hề di chuyển hay nói một tiếng nào.

Trong video này, có kèm phụ đề tiếng Ảrâp giống như các video trước của IS nhưng lại thiếu lá cờ thánh chiến màu đen - lá cờ xuất hiện trên tất cả các tuyên truyền IS khác.

Video IS hành quyết con tin Nhật Bản có nhiều nghi vấn

Con tin Nhật Bản nhà báo Kenji Goto xuất hiện trong video được cho là của IS 

Trong hầu hết những video trước đây thường xuất hiện chiến binh thánh chiến cầm đao, đeo mặt nạ và nói. Sau đó, các con tin thường chỉ đọc một đoạn tin ngắn trước khi họ bị giết.

Tuy nhiên trong trường hợp này, người đàn ông tự xưng là Goto thuật lại một thông điệp dài hai phút, trong đó ông nói lời xin lỗi chân thành với người vợ của mình.

Trên một webside có liên kết với IS, cũng không nhất trí về tính xác thực của đoạn video. Một chiến binh IS trên trang web này đã cảnh báo rằng thông điệp trong đoạn video là giả mạo. Một chiến binh khác cho biết thêm, thông điệp này vốn chỉ dành riêng cho gia đình nhà báo Goto.

Bên cạnh đó, một tay súng khác nhấn mạnh, đoạn video không phải do nhóm al-Furqan - đơn vị phụ trách truyền thông chính của IS phát hành.

Trên Reuters cũng đã dẫn lời bà Veryan Khan, chuyên gia Ban Nghiên cứu và Phân tích Khủng bố cho biết, ngay cả đoạn video do IS công bố vào ngày 20/1 cũng có nhiều điểm đáng nghi vấn.

Chẳng hạn như, bóng của 3 người trên mặt đất trong video (bao gồm hai con tin Nhật Bản và một chiến binh thánh chiến) đáng lẽ sẽ phải giống nhau khi ánh sáng mặt trời chiếu từ trên xuống. Thế nhưng đoạn video này lại cho thấy bóng của ba người đàn ông tách riêng ra. Điều này chứng tỏ, phải có nhiều nguồn sáng khác nhau mới có thể làm như thế.

Video IS hành quyết con tin Nhật Bản có nhiều nghi vấn

Hình ảnh trong video được công bố ngày 20/1

Một điểm đáng chú ý nữa là, trong khi áo của Yukawa bị tác động rất nhiều bởi gió thổi thì áo của Goto hầu như đứng yên.

Tsuyoshi Moriyama, một giáo sư thuộc trường Đại học Bách khoa Tokyo và là chuyên gia công nghệ hình ảnh, cho biết: "Có thể là hình ảnh video chụp tại thời điểm khác nhau và chắp ghép lại”.

Trên BBC 25/1 cho hay, hiện Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa có lời xác minh chính thức về vụ việc và chính phủ Mỹ cũng đang cố gắng xác minh tính xác thực của đoạn video.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Video IS hành quyết con tin Nhật Bản có nhiều nghi vấn