Vì sao Anh thay đổi chiến lược đối phó với Covid-19?

Trâm Anh (theo TheGuardian)| 17/03/2020 17:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chỉ vài ngày sau khi đưa ra tuyên bố rằng bất kỳ ai có triệu chứng nhiễm virus corona nhẹ nên ở nhà trong bảy ngày, còn lại thì cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, Thủ tướng Anh đã phải đưa ra một loạt các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.

Một tuần là khoảng thời gian quá dài trong đại dịch coronavirus. Chỉ vài ngày sau khi ông Boris Johnson và các cố vấn của ông đưa ra tuyên bố rằng bất kỳ ai có triệu chứng nhiễm virus corona nhẹ nên ở nhà trong bảy ngày, còn lại thì cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, Thủ tướng đã phải đưa ra một loạt các biện pháp mạnh mẽ để giữ chân phần lớn dân số của mình ở trong nhà.

Vì sao Anh thay đổi chiến lược đối phó với Covid-19?

Tây Ban Nha đã áp dụng các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ, theo đó, công dân chỉ được phép đi ra ngoài để mua hàng hóa thiết yếu, để chăm sóc y tế hoặc đi làm, trong khi Chính phủ Anh chưa ra lệnh thực hiện các biện pháp quyết liệt như vậy.

Chính sách của Anh thay đổi là do những thông tin mới về tác động của dịch bệnh đối với dịch vụ y tế của Ý đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của nước này. Về cơ bản, đây chính là thảm họa, với 30% bệnh nhân nhập viện cần phải được chăm sóc đặc biệt. Các chuyên gia y tế tại Đại học Hoàng gia và Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London, các cố vấn của chính phủ cùng lên tiếng nói rằng chính sách đối phó với dịch của chính phủ sẽ khiến số người chết tăng lên và hệ thống Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) của nước này sẽ không chịu đựng nổi áp lực.

Giáo sư Neil Ferguson tại Trung tâm phân tích bệnh truyền nhiễm toàn cầu MRC thuộc Cao đẳng Hoàng gia London và các đồng nghiệp đã tính toán rằng “chiến lược giảm thiểu” - hay kịch bản 1 - mà chính phủ vừa tuyên bố sẽ dẫn đến 260.000 ca tử vong. Đó không chỉ là những cái chết do Covid-19, mà sẽ còn từ những căn bệnh khác mà NHS sẽ không thể điều trị nổi khi đã quá tải bởi những ca bệnh do virus corona gây ra.

Chiến lược giảm thiểu mà chính phủ Anh đưa ra là:

• cách ly những người bị ho và và sốt tại nhà trong bảy ngày.

• cách ly các gia đình có thành viên có triệu chứng trong 14 ngày, là thời gian cho bất kỳ thành viên nào khác trong gia đình xuất hiệu triệu chứng nếu bị lây.

• cách ly xã hội, liên quan đến việc cắt giảm ba phần tư các hoạt động công cộng bình thường mà mọi người có thể thực hiện ở nhà, trường học hoặc nơi làm việc.

• cách ly xã hội đối với tất cả những người trên 70 tuổi, bằng cách yêu cầu họ ở nhà.

• đóng cửa các trường học và đại học.

Tuần trước, chiến lược giảm thiểu mới chỉ là cách ly 7 ngày đối với những người có các triệu chứng. Việc kiểm dịch đối với các gia đình cộng với việc giữ những người trên 70 tuổi ở nhà có thể được tăng cường. Việc cách ly đó sẽ giảm hai phần ba số người có nhu cầu chăm sóc sức khỏe và giảm một nửa số ca tử vong. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, dịch bệnh này vẫn có khả năng gây ra 260.000 ca tử vong và do đó sẽ khiến hệ thống y tế (đáng chú ý nhất là các đơn vị chăm sóc đặc biệt) trở nên quá tải.

Vì vậy, bây giờ Anh cần có kịch bản 2, mà các nhà lãnh đạo gọi là “chiến lược triệt tiêu”. Chiến lược này cần nhiều hành động mạnh mẽ hơn nữa, áp dụng tất cả các biện pháp ngoại trừ đóng cửa trường học và đại học. Và việc đóng cửa trường học, theo Giáo sư Neil Ferguson, có lẽ cũng nên sớm thực hiện.

Giáo sư Neil Ferguson và đồng nghiệp của ông, Giáo sư Azra Ghani nói rằng các biện pháp mới của Anh sẽ giống như các biện pháp mà Trung Quốc đã thực hiện thành công trong việc đẩy lùi dịch bệnh. Nhưng không giống như ở Trung Quốc, bất cứ điều gì xảy ra ở Anh sẽ đều là tự nguyện. Chính phủ sẽ cần sự đồng ý của người dân để thực hiện những biện pháp này.

Tin xấu là mặc dù các biện pháp mới sẽ giữ tỷ lệ tử vong ở mức chỉ 20.000 hoặc có thể chỉ vài nghìn, theo lời ông Ferguson, chúng tôi đang xem xét biện pháp xã hội này cho đến tháng 7 hoặc tháng 8 - và ngay cả khi các biện pháp đã được dỡ bỏ, dịch vẫn có thể quay trở lại một lần nữa. Virus sẽ không biến mất và có thể quay lại hàng năm trong khi chỉ một tỷ lệ nhỏ dân số bị nhiễm bệnh, phục hồi và trở nên miễn dịch.

Hi vọng về khả năng xây dựng được sự miễn dịch cộng đồng trong dân số Anh khi tỷ lệ lớn người mắc bệnh - có thể là 60% dân số - sẽ bị phá vỡ bởi chiến lược mới này. Việc tạo miễn dịch cộng đồng theo cách này bị nhiều chuyên gia chỉ trích là rất nguy hiểm. Miễn dịch cộng đồng thường được tạo ra bằng cách tiêm vắc-xin cho số lượng lớn trẻ em, để bảo vệ an toàn cho những người không thể tiêm chủng. Chưa một đất nước nào thử thực hiện biện pháp cho phần lớn dân số nhiễm bệnh để tạo miễn dịch cộng đồng  - và bây giờ, dường như Anh đã nhận ra rằng chiến lược này không an toàn một chút nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Anh thay đổi chiến lược đối phó với Covid-19?