TT Putin "mượn" Iran căn cứ chống IS: Nước cờ hợp tác cao tay

Nhật Minh| 18/08/2016 18:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiến đấu cơ Nga lần đầu xuất kích từ căn cứ không quân của Iran ném bom mục tiêu phiến quân ở Syria. Tổng thống Nga đang toan tính điều gì?

VIDEO

Video chiến đấu cơ Nga lần đầu xuất kích từ căn cứ không quân của Iran ném bom mục tiêu do phiến quân kiểm soát tại Syria

Ngày 16/8, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, các chiến đấu cơ nước này đã lần đầu cất cánh rời khỏi một căn cứ không quân ở Iran ném bom các mục tiêu của lực lượng phiến quân ở Syria. Động thái này diễn ra khá bất ngờ khi mặt trận Aleppo đang ngày càng tăng nhiệt.

Hoài nghi - chuyện muôn thuở

Đối với Nga, đây là lần đầu Không quân nước này sử dụng một căn cứ ở Iran để tấn công phiến quân tại Syria; còn đối với Iran, đây là lần đầu tiên kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979, Tehran cho phép một cường quốc nước ngoài sử dụng lãnh thổ của mình cho các hoạt động quân sự. Cú ra đòn bất ngờ của Nga hẳn sẽ lại khiến Mỹ và phương Tây nghi ngờ đặt câu hỏi “mục đích thực sự của Nga là gì?”, và tất nhiên, cố gắng tìm ra câu trả lời càng sớm càng tốt.

Cần phải nhắc lại, giới phân tích từng đau đầu tìm hiểu “động cơ ngầm” ẩn sau các quyết sách mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại mặt trận Syria, kể từ trận không kích mở màn vào tối 30/9/2015 cho đến tuyên bố rút quân vào ngày 14/3/2016. Từng đường đi nước bước đều nhanh chóng, dứt khoát nhưng vô cùng bí ẩn và khó đoán!

TT Putin

Xem thêm:

Bước lùi cao tay của Tổng thống Nga Putin trong cuộc chiến chống IS tại Syria

Khi đó, giới quan sát vẫn hoài nghi về một sự thực là chiến dịch không kích ở Syria của Moscow đã chính thức kết thúc. Bởi thực tế, số lượng nhân viên quân sự, theo ghi nhận của một vài nhóm giám sát tình hình ở Syria, nhân viên quân sự Nga vẫn hiện diện tại quốc gia Trung Đông này với số lượng… không hề giảm.

Ngoài ra, Nhà Trắng cũng từng cho rằng, một phương án B của Điện Kremlin rất có thể tồn tại trong “vở kịch Syria”. Và lần này, khi những chiếc oanh tạc cơ tầm xa Tu-22M3 xuất hiện tại căn cứ không quân Hamadan ở Iran ngày 15/8; rồi sau đó Bộ Quốc phòng nước Nga thông báo xác nhận, Tu-22M3 đã xuất kích, ném bom trúng mục tiêu do IS và nhóm phiến quân Jabhat al-Sham (tách ra từ Al-Qaeda hồi tháng trước) kiểm soát, phá hủy 5 kho đạn lớn, các trại huấn luyện và 3 sở chỉ huy, sự nghi ngờ hẳn không phải chuyện ngoại lệ!

TT Putin

Hệ thống tên lửa phòng không S-300

Nước cờ hợp tác cao tay

Động thái mới của Nga tại Iran được giới chuyên gia nhận định là một nước cờ cao tay của ông chủ Điện Kremlin.

Rõ ràng, trong cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm qua ở Syria, Tehran là một trong những đồng minh hiếm hoi của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi đó, với Moscow, Tehran còn có mối quan hệ đặc biệt về hợp tác kỹ thuật quân sự mà phải mất nhiều năm, nhờ có thỏa thuận hạt nhân lịch sử hồi tháng 7/2015 với Nhóm P5+1, Nga mới hoàn thành được hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran.

Không chỉ có vậy, cũng hồi năm ngoái, Nga và Iran đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự, tập trung vào huấn luyện và chống khủng bố. Mới đây, Nga lại đề xuất được sử dụng không phận Iran để phóng tên lửa hành trình vào các mục tiêu nổi dậy ở Syria. Và lần này, khi chiến đấu cơ Nga xuất kích từ căn cứ Iran oanh tạc mục tiêu phiến quân thành công, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Iran Ali Shamkhani đã tuyên bố rằng, hai bên “có quan hệ hợp tác chiến lược trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, và chia sẻ năng lực, hạ tầng để đạt mục đích”.

TT Putin

Oanh tạc cơ tầm xa Tu-22M3 của Nga tại căn cứ không quân Hamadan ở Iran ngày 15/8.

TT Putin

Căn cứ ở Iran giúp Nga tiết kiệm đáng kể thời gian và nhiên liệu khi trong chiến dịch không kích phiến quân ở Syria.

Chưa tính đến chuyện việc máy bay ném bom của Nga đồn trú tại căn cứ không quân ở Iran sẽ tiết kiệm công sức và nhiên liệu như thế nào, nhưng giới phân tích nhận định, sử dụng căn cứ Hamadan là quyết định thể hiện tham vọng chính trị to lớn Điện Kremlin tại Syria nói riêng, và tại Trung Đông nói chung. Bởi, khi mối quan hệ trên lĩnh vực hợp tác quân sự Moscow - Tehran được tăng cường, sự hiện diện cũng như tầm ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông chắc chắn sẽ tăng đáng kể!

Một động thái đặc biệt hơn của Điện Kremlin đó là, ngoài Tehran, Moscow còn cho biết sẽ đẩy mạnh hợp tác với Washington, mà cụ thể là tân Tổng thống Mỹ sau cuộc bầu cử vào ngày 8/11.

Mặc dù Nhà Trắng chưa đưa ra lời bình luận nào về thông tin trên, cũng như Bộ Ngoại giao Mỹ còn lên tiếng chỉ trích hành động sử dụng căn cứ không quân ở Iran để thực hiện không kích phiến quân ở Syria “có thể vi phạm nghị quyết HĐBA LHQ”, nhưng hẳn nước Mỹ sẽ không thể làm lơ hoặc “bất lịch sự” tạt gáo nước lạnh vào “thiện chí” của vị Tổng thống có đường lối cứng rắn với khuôn mặt lạnh băng xứ Bạch Dương?!

TT Putin

Chiến đấu cơ Nga lần đầu xuất kích từ căn cứ không quân của Iran ném bom mục tiêu do phiến quân kiểm soát tại Syria

Mới đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho rằng việc Nga sử dụng căn cứ của Iran “rất có thể là hành động vi phạm” một nghị quyết của HĐBA LHQ, trong đó cấm các nước cung cấp hoặc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Iran khi chưa được chấp thuận. Tuy nhiên, ông Toner cũng khẳng định cần phải có sự “phân tích pháp lý chi tiết” về hành động này.

Đáp trả, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: “Không có lý do gì để nghi ngờ Nga vi phạm nghị quyết”, đồng thời nhấn mạnh, “Nga không bán, không cung cấp, không chuyển giao máy bay chiến đấu cho Iran”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TT Putin "mượn" Iran căn cứ chống IS: Nước cờ hợp tác cao tay